Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

62 tác phẩm được trao giải thưởng Văn học Nghệ thuật 2021

Hội đồng giám khảo chuyên ngành xét trao 62 giải thưởng Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm trong năm 2021.

Sáng 15/1 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Lễ trao giải thưởng Văn học Nghệ thuật 2021.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; ông Phạm Tất Thắng Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương và các đại biểu đến dự Lễ trao giải Văn học Nghệ thuật 2021.

Đến dự Lễ trao giải có ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương; PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc Lễ trao giải, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cho biết: “Giải thưởng VHNT của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao tặng hàng năm là giải thưởng tầm cỡ quốc gia, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo văn nghệ sĩ. Năm 2021, tròn 35 năm thực hiện sự nghiệp Đổi mới vĩ đại, trong bối cảnh quốc tế còn phức tạp, đất nước ta phải gồng mình lên chống đại dịch COVID-19, nhưng các văn nghệ sĩ thuộc các thế hệ trên mọi miền đất nước vẫn hăng hái, tâm huyết sáng tác những tác phẩm có chất lượng cao phục vụ công chúng, bạn đọc, vì nhân dân, cho hôm nay và mai sau, cho cả bạn bè quốc tế”.

Năm 2021, có 55/63 Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, thành phố gửi tác phẩm tham dự thi với tổng cộng 375 tác phẩm. Cụ thể: Thơ (52 tác phẩm), Văn xuôi (61 tác phẩm), Lý luận phê bình văn học (8 tác phẩm), Mỹ thuật (94 tác phẩm), Nhiếp ảnh (70 tác phẩm), Điện ảnh (10 tác phẩm), Âm nhạc (59 tác phẩm), Múa (6 tác phẩm), Văn nghệ dân gian (10 tác phẩm), Sân khấu (5 tác phẩm).

Số lượng tác phẩm lớn cho thấy, giải thưởng Văn học nghệ thuật của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam ngày càng được mở rộng về quy mô, tập hợp được sự tham gia của đông đảo văn nghệ sĩ trên cả nước, ngày càng có sự lựa chọn, hội tụ cao nhất, chính xác về chất lượng.

Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL và ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương trao giải A cho 3 tác giả Lưu Vĩ Lân, Phạm Pa Ri, Phạm Văn Hòa. 

Sau khi tổng hợp các tác phẩm dự giải, Hội đồng giám khảo chuyên ngành đã xét trao 62 giải cho các tác phẩm trong năm 2021, gồm 3 giải A, 14 giải B, 16 giải C, 27 giải Khuyến khích và 2 giải dành cho tác giả trẻ. Giải thưởng phân bố trong các chuyên ngành như sau: Văn học (26 tác phẩm), Mỹ thuật (11 tác phẩm), Âm nhạc (6 tác phẩm), Điện ảnh (2 tác phẩm), Kiến trúc (2 tác phẩm), Nhiếp ảnh (9 tác phẩm), Múa (2 tác phẩm), Văn nghệ dân gian (4 tác phẩm).

Ngoài ra còn 9 giải thưởng cho tác giả xuất sắc của 9 Hội VHNT chuyên ngành Trung ương, 1 giải Xuất sắc về đề tài phòng chống COVID-19 cho Hội VHNT Vĩnh Phúc.

Đánh giá chung về chất lượng Giải thưởng VHNT 2021, BTC cho biết: Giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2021 đã lựa chọn được những tác phẩm xuất sắc trong năm. Các tác giả là hội viên của các Hội VHNT tỉnh, thành phố vẫn duy trì và đi theo khuynh hướng truyền thống. Các tác giả trẻ có tìm tòi, đổi mới trong cách thể hiện nhưng nội dung, chủ đề vẫn bám sát đời sống và truyền thống đạo lí của dân tộc. Đặc biệt, nhiều tác phẩm đi vào đề tài thời sự của đất nước như vấn đề bảo vệ chủ quyền biên giới và hải đảo.

Giải B được trao cho 14 tác giả.

Về văn xuôi, nổi bật là tiểu thuyết “Nghiệp chướng” của tác giả Lưu Vĩ Lân (giải A). Tác giả đã có cái nhìn độc lập, khách quan về những tháng năm đầu tiên thống nhất đất nước (1975-1980). Văn viết mạch lạc, kết cấu nhiều tầng vỉa nên chỉ qua vài trăm trang sách nhưng mở ra nhiều vấn đề về triết luận, thẩm mĩ và yêu thương thán phục.

Về thơ, nhìn chung mặt bằng khá, có chiều sâu, các tập thơ đều có chất lượng tốt. Đề tài đa dạng, phong phú, đề cập tới nhiều góc cạnh, những vấn đề quan trọng trong đời sống con người và xã hội đương đại. Thơ không có giải A.

Về lý luận phê bình văn học nghệ thuật cũng không có giải A. Giải B cho tác phẩm “Thơ Vua và suy ngẫm” của tác giả Nguyễn Phước Hải. Cuốn sách là một sự nỗ lực đầy hứng khởi trong việc tìm về vốn cổ, góp phần đắc lực vào việc bao tồn và phát huy di sản văn hoá tinh thần của ông cha.

16 tác giả đoạt giải C giải thưởng Văn học Nghệ thuật 2021.

Về mỹ thuật, Hội đồng giải thưởng Mỹ thuật đã cân nhắc, lựa chọn những tác giả, tác phẩm có tính đại diện cao cho hoạt động mỹ thuật ở các địa phương, vùng miền có dấu ấn rõ nét về bản sắc văn hoá riêng để trao giải.

Về âm nhạc, nhìn chung, các tác phẩm tham gia dự thi chưa có nhiều điểm mới nổi trội, cách viết còn cũ, chung chung, ngôn ngữ nghệ thuật ít sáng tạo, không có phát hiện mới.Tuy nhiên, cũng có những tác phẩm nổi bật như: ca khúc “Cánh chim Việt Bắc” của Lê Anh Hà, “Xây dựng nông thôn mới” của Bùi Thanh Tú, “Đẹp nhất bông sen” của nhạc sĩ Trương Quang Lục...

Về văn nghệ dân gian, tác phẩm xuất sắc là công trình “Người Dao Tiền ở Việt Nam” của tác giả Lý Hành Sơn. Đây là một công trình giàu có về nội dung, khảo sát thực địa công phu, phản ánh đầy đủ giá trị văn hoá của người Dao tiền ở Việt Nam.

27 tác giả đoạt giải Khuyến khích. 

Về nhiếp ảnh, tác phẩm đoạt giải A là “Vụ xuân trên núi” của tác giả Phạm Pa Ri. Tác phẩm xuất sắc của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đề nghị Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao giải là “Chốt kiểm soát bảo vệ biên giới phòng chống COVID-19” của tác giả Huỳnh Văn Truyền. Tác phẩm được chụp tại cột mốc Axan, Tây Giang, Quảng Nam. Sự vượt khó bám trụ của chiến sĩ biên phòng giúp dân chống dịch và giữ vững vùng biên, gùi hàng vượt đường xa để trao đổi giúp những người anh em bên kia cột mốc, cho người xem cảm giác ấm áp và tự hào.

Năm nay, chuyên ngành ân khấu có 5 tác phẩm dự thi nhưng không có tác phẩm nào đoạt giải. Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam giới thiệu tác phẩm “Làng song sinh” của đạo diễn, NSND Nguyễn Trung Hiếu, tác giả nhà văn Xuân Đức, Nhà hát Kịch Hà Nội dàn dựng, đã từng đoạt Huy chương Vàng Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và PGS.TS Đỗ Hồng Quân trao giải thưởng cho các tác giả xuất sắc của 9 Hội VHNT chuyên ngành Trung ương.

Chuyên ngành điện ảnh có giải xuất sắc cho phim tài liệu “Thành trì cuối cùng” của đạo diễn Ngô Quang Thịnh phản ánh công cuộc phòng chống đại dịch COVID-19 tại TP.HCM trong những ngày tháng cam go, khốc liệt vừa qua. Giải B cho phim tài liệu “Chuyện những người xa xứ” của đạo diễn Nguyễn Mộng Long; Giải C trao cho phim “Những chiến binh thầm lặng” về đề tài phòng chống COVID-19 của tác giả Tuấn Khanh – Khải Hưng.

Chuyên ngành múa có 2 tác phẩm được trao giải: giải B cho tác phẩm “Thanh trà hiến quả” của biên đạo Mai Trung, Diệu Hy, Phan Hoàng; giải C cho tác phẩm “Diễn tập” của biên đạo Âu Thanh Thanh. Cả hai tác phẩm đều có giá trị tốt về tư tưởng, có tìm tòi sáng tạo trong nghệ thuật. Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đề nghị trao giải xuất sắc cho tổ khúc múa “Ánh sáng tâm hồn”, chỉ đạo nghệ thuật: TS.NSND Phạm Anh Phương, tác giả và tổng đạo diễn: ThS. Nguyễn Thị Tuyết Minh và tập thể biên đạo.

Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc nhận giải xuất sắc về đề tài phòng chống COVID-19. 

Sau nhiều năm không có tác phẩm tham dự, năm nay, chuyên ngành kiến trúc có 2 tác phẩm đoạt giải: giải B cho tác phẩm “Thiết kế đô thị cho đường Tôn Thất Tùng kéo dài” của nhóm tác giả Hoàng Đình Viên Phương – Nguyễn Phương. Giải C trao cho công trình “Nhà hàng tre trúc” của KTS Mạnh Hùng. Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị trao giải xuất sắc cho công trình “Cầu vàng” (Đà Nẵng). Đây là tác phẩm kiến trúc độc đáo, hài hoà với cảnh quan xung quanh, kết nối một cách thân thiện, nhân văn giữa con người với thiên nhiên huyền ảo, thơ mộng.

Thanh Thanh-Hạnh Lê (Vov.vn)

Tin mới