Giữa thời đại kỷ nguyên 4.0 như hiện nay, bên cạnh tính năng tiện lợi của mạng lưới công nghệ, kỹ thuật, còn là những mặt tối về tính bảo mật về dữ liệu, thông tin cá nhân. Công nghệ ngày càng phát triển cũng kéo theo đó những rủi ro tiềm ẩn về tội phạm công nghệ cao. Đó có thể đến từ việc bị đánh cắp dữ liệu, hình ảnh khi đem điện thoại, máy tính đi sửa, hoặc bị đột nhập bởi tin tặc, hacker.
Vậy làm sao để bảo vệ bản thân trước những nguy cơ bị lộ thông tin, dữ liệu cá nhân?
Hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân
(Ảnh: Freepik)
Nguyên tắc đầu tiên mà mọi người phải thuộc lòng: không nên chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên internet, nhất là những loại thông tin như mật khẩu tài khoản cá nhân, số thẻ tín dụng, hình ảnh, địa chỉ riêng, ảnh chụp bằng lái, giấy tờ... qua email, mạng xã hội. Chỉ cung cấp các thông tin cá nhân khi thực sự cần thiết và chỉ cung cấp cho các đơn vị uy tín, có thẩm quyền.
Đặt mật khẩu kết hợp và thay đổi thường xuyên
Mật khẩu phải kết hợp các chuỗi ký tự viết hoa và viết thường, số và ký hiệu để khiến việc bẻ khóa khó hơn nhiều so với mật khẩu đơn giản.
(Ảnh: Freepik)
Cần thay đổi mật khẩu thường xuyên định kỳ, hoặc thay đổi ngay khi có nghi ngờ. Không sử dụng cùng một mật khẩu cho các địa chỉ khác nhau. Mật khẩu cần đặt ở chế độ mạnh. Tuyệt đối không cung cấp hay để lọt mật khẩu cho bất kỳ ai. Nếu trong trường hợp buộc phải nêu mật khẩu cá nhân cho ai đó, hãy nhớ thay đổi ngay lập tức sau khi xong việc.
Thận trọng khi truy cập wifi công cộng
Cân nhắc trước khi truy cập vào các wifi miễn phí, wifi nơi công cộng... Khảo sát an ninh mạng cho thấy, sử dụng wifi công cộng miễn phí có nguy cơ bị tấn công nghe lén, tấn công lừa đảo và đánh cắp các thông tin cá nhân.
Không tùy tiện kết nối vào các mạng WiFi công cộng, nhất là khi đăng nhập vào tài khoản mạng xã hội hoặc ngân hàng trực tuyến, thanh toán online để tránh rò rỉ thông tin. Tắt kết nối WiFi khi không còn dùng đến.
(Ảnh: Freepik)
Không lưu trữ mật khẩu tự động
Một trong những tiện ích công nghệ thường được sử dụng đó là tự động lưu trữ mật khẩu. Đây là một tiện ích mà người dùng nên hạn chế sử dụng vì điều này không chỉ tiện lợi cho người sử dụng mà còn hỗ trợ cho những người có ý đồ xấu khi muốn truy cập vào thiết bị cá nhân của bạn.
Để hạn chế rủi ro, sau khi sử dụng tài khoản xã hội thì người sử dụng cần đăng xuất khỏi tài khoản khi không sử dụng. Nhiều người dùng sẽ thấy phiền về điều này nhưng đây lại là một cách cực kỳ hiệu quả và phổ biến cho cả trường hợp sử dụng trên máy cá nhân lẫn máy tính công cộng.
(Ảnh: storyset)
Đừng nghĩ rằng máy của mình thì an toàn, việc ghi nhớ, vẫn còn trạng thái đăng nhập luôn tồn tại các thông tin là chìa khóa cho các hacker, các chương trình virus hay trojan lợi dụng xâm nhập và lấy cắp tài khoản.
Kích hoạt tính năng xác thực 2 bước
Tính năng xác minh 2 bước (2-Step Verification hay 2FA) hiện rất phổ biến và được sử dụng rộng rãi ở cả các dịch vụ của các hãng công nghệ lớn. Đây được xem là một phương pháp hiệu quả để bảo vệ tài khoản của người dùng.
Do đó, đây là điều tuyệt đối cần thiết bạn nên làm để tăng khả năng bảo mật cho tài khoản của mình. Những ai cố tình đăng nhập vào tài khoản của bạn đều được báo về máy, hoặc có mã bảo mật thứ 2 rất khó xâm phạm.
(Ảnh: Freepik)
Không để dữ liệu riêng tư trong ổ cứng/bộ nhớ khi đem máy đi sửa
Các hình ảnh nhạy cảm, dữ liệu riêng tư bạn có thể đăng tải lên các không gian lưu trữ có mã bảo mật, tránh lưu trữ trong bộ nhớ, ổ cứng khi đem máy đi sửa chữa. Để có thể xem được những hình ảnh này, người sửa điện thoại cần phải có mật khẩu. Nếu bạn không vô tình để lộ mật khẩu thì việc xem được những hình ảnh này là vô cùng khó.
Sau khi lấy máy về bạn nên đổi các tài khoản lưu trữ này để nâng cao mức cảnh giác phòng trường hợp mật khẩu của bạn đã bị lộ vào tay thợ sửa chữa điện thoại.