Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

6 vấn đề sức khỏe biểu hiện qua móng tay: Quan sát hàng ngày giúp phát hiện bệnh

(VTC News) -

Chúng ta cần dựa vào các dấu hiệu nào ở móng tay để đánh giá đúng sức khỏe của cơ thể?

Những đốm trắng trên móng tay chứng tỏ bạn ăn chưa đủ rau xanh và thiếu vitamin.

Các đường dọc trên móng tay cho thấy cơ thể bạn không đủ dinh dưỡng và chất lượng giấc ngủ kém.

Hình lưỡi liềm ở móng tay càng rõ ràng thì sức khỏe của bạn càng tốt.

Có rất nhiều thuyết "huyền học" xung quanh móng tay. Ở một mức độ nào đó, chúng quả thực phản ánh được một số vấn đề về sức khỏe của bạn. Song đây vẫn chỉ là thuyết truyền miệng, có đúng có sai. Vậy chúng ta cần dựa vào các dấu hiệu nào ở móng tay để đánh giá đúng sức khỏe của cơ thể? 

Hình lưỡi liềm trên móng tay càng rõ, bạn càng khỏe?

Nếu chúng ta quan sát kỹ móng tay, đặc biệt là ngón cái sẽ thấy một hình lưỡi liềm màu trắng ở gốc móng tay. Hình lưỡi liềm trắng này còn có tên khoa học là "lunula", trong tiếng Latin có nghĩa là "mặt trăng nhỏ". Về bản chất, đây là phần móng tay chưa mọc cứng và trở nên trong suốt. Hình lưỡi liềm càng trắng thì móng tay càng mới.

Vậy tại sao có người có nhiều hình lưỡi liềm này ở móng tay, có người lại ít? Liệu có phải những người có nhiều hình lưỡi liềm ở móng tay thì sẽ khỏe mạnh hơn?

 

Đầu tiên là liên quan đến tần suất sử dụng ngón tay của mỗi người, nếu bạn sử dụng ngón tay cái nhiều, móng tay sẽ nhanh mòn, kích thích tốc độ phát triển của móng, dẫn đến hình trăng lưỡi liềm sẽ rõ ràng hơn.

Thứ hai là liên quan đến nhóm metyl, nếu nhóm metyl mọc ẩn, cộng thêm tốc độ mọc móng chậm thì hình trăng lưỡi liềm sẽ bị che khuất và không dễ nhìn thấy.

Nói cách khác, kích thước và số lượng hình lưỡi liềm ở móng tay mỗi người là khác nhau, không có tiêu chuẩn nào cho thấy những người có nhiều hình lưỡi liềm ở móng tay hơn thì sẽ khỏe mạnh hơn.

Tuy nhiên vẫn cần chú ý, nếu hình lưỡi liềm trên móng tay của bạn có những thay đổi lớn trong thời gian ngắn, chẳng hạn như trở nên lớn hơn, nhỏ hơn, nhiều hơn hoặc biến mất, thì có thể liên quan đến tuyến giáp, bạn cần hết sức đề phòng, tốt nhất nên đến bệnh viện thăm khám để loại trừ những vấn đề về tuyến giáp.

6 vấn đề sức khỏe biểu hiện qua móng tay

Móng tay khỏe mạnh thường có màu hồng, nếu cơ thể gặp vấn đề móng sẽ đổi màu. Vì vậy, chúng ta có thể sử dụng móng tay như một "máy dự báo" để đánh giá tình hình sức khỏe của bản thân.

1. Móng tay chuyển sang màu đen

Nếu xuất hiện đường sọc đen, vết đen ở móng tay, đây có thể là dấu hiệu của u ác tính.

 

2. Móng tay chuyển sang màu vàng

Móng tay chuyển màu vàng có liên quan đến bệnh thận, bệnh tuyến giáp, viêm khớp dạng thấp và thậm chí là ung thư.

3. Các đốm trắng xuất hiện trên móng tay

Móng tay xuất hiện đốm trắng có thể là do chấn thương, chẳng hạn như bị vật nặng đập vào, hoặc vật cứng chọc vào. Ngoài ra, cũng cần xem xét nguyên nhân đến từ các bệnh lý như xơ gan, lắng đọng huyết sắc tố, hạ canxi máu…

4. Có rãnh ngang trên móng

Nếu trên bề mặt móng có vết lõm nhưng không phải do chấn thương thì có khả năng liên quan đến như các bệnh ngoài da, tay chân miệng.

 

5. Móng tay xuất hiện các sọc dọc

Móng tay bình thường sẽ có những đường dọc sinh lý, nhưng so với chúng các đường sọc dọc này nổi lên rõ ràng hơn. Nếu ở đầu ngón tay có những vết tách hoặc nứt thì bạn nên cảnh giác, đây là bệnh móng tay giòn, rất dễ gây gãy móng tay.

Nếu xuất hiện những chấm đỏ theo đường sọc dọc, chỉ cần chà xát hoặc ấn nhẹ sẽ gây đau dữ dội, rất có thể là u cuộn mạch dưới móng, trường hợp này cần đi khám kịp thời.

6. Móng tay hình thìa

Móng tay hình thìa thường gặp ở người thiếu máu do thiếu sắt, và cũng có thể xảy ra ở những người bị bệnh tim mạch vành, thấp khớp và cường giáp. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể xảy ra nếu tiếp xúc lâu dài với chất tẩy rửa hoặc hóa chất có tính kiềm mạnh.

Nhìn ngón tay dự đoán sức khỏe

Đôi khi không chỉ móng tay mà một số bất thường ở ngón tay cũng có thể là dấu hiệu của bệnh..

1. Ngón tay dùi trống

Theo ông You Changxuan, Chủ nhiệm Khoa Ung bướu Bệnh viện Đại học Y Nam Phương, TQ, nếu các đầu ngón tay nở to ra (còn gọi là ngón tay dùi trống) là biểu hiện ban đầu của một số bệnh phổi, thường gặp ở ung thư phổi, u trung thất, giãn phế quản, áp xe phổi và xơ phổi lan tỏa.

Ngoài các bệnh về đường hô hấp, một số ít sẽ mắc các bệnh tim mạch như tim bẩm sinh có tím, chứng phình động mạch vô danh, và các bệnh về hệ tiêu hóa như xơ gan, ung thư thực quản, ung thư ruột kết.

 

2. Tê các ngón tay

Nếu bị tê tay, tê chân nhưng không phải do bị chèn ép vật lý, khiến máu lưu thông kém, thì cần nghĩ đến bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Tình trạng tê bì do thoái hóa đốt sống cổ thường là mãn tính, tái phát nhiều lần, tê một bên cánh tay, ngón tay, kèm theo đau mỏi vai gáy, tê cứng, khó chịu.

Nên làm gì để có móng tay khỏe mạnh?

Bàn tay và móng tay là những bộ phận rất quan trọng của cơ thể, vì vậy việc chăm sóc móng rất quan trọng và không thể tách rời với chế độ tập luyện và ăn uống lành mạnh.

Chế độ ăn uống lành mạnh

Bạn có thể ăn thêm các thực phẩm bổ máu như huyết lợn, huyết vịt, chà là, long nhãn,… Ngoài ra, cũng cần bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều đạm như sữa, cá, đậu đỗ...

 

Tập thể dục

Bàn tay và bàn chân nằm ở vị trí giao nhau của các tĩnh mạch toàn thân, vì vậy cần chú ý vận động tay chân nhiều hơn. Người cao tuổi có thể chơi các loại bóng tập yoga, lắc tay để thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu ở tay.

Nhìn chung, móng tay dù rất nhỏ nhưng có thể phản ánh các vấn đề khác nhau của cơ thể. Do đó, đừng bỏ qua sức khỏe của móng tay, nếu có những thay đổi lạ bạn nên chủ động đi khám.

Lan Hương (Nguồn: Sohu)

Tin mới