Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

6 tháng xung đột Nga - Ukraine: Chưa có dấu hiệu kết thúc, châu Âu khủng hoảng

(VTC News) -

Ngày 24/8 đánh dấu thời điểm tròn 6 tháng diễn ra chiến dịch quân sự tại Ukraine, nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy nó sẽ sớm kết thúc trong năm nay.

Sau khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine được phát động hôm 24/2/2022, nhiều ý kiến cho rằng Moskva sẽ chuẩn bị tuyên bố một chiến thắng nhanh chóng ở Ukraine. Nhưng các kế hoạch sớm có sự thay đổi.

Đến hiện tại, nhiều nhà phân tích dự đoán cuộc xung đột sẽ là "cuộc chiến tranh tiêu hao" kéo dài ở Ukraine. Chưa biết ai sẽ giành chiến thắng, song cả Nga và Ukraine đều đang chịu thiệt hại từ cuộc chiến.

Tình hình thực địa tính đến ngày 23/8. 

Những diễn biến trên chiến trường

Trên thực địa, Nga vẫn chưa kiểm soát hoàn toàn Donbass. Ukraine đang đặt mục tiêu tấn công ở một số điểm nóng, đặc biệt là Crimea. Thế nhưng, kế hoạch này không rõ ràng khi nhiều ngày qua, Ukraine không giành được lợi thế cụ thể nào.

Theo Al Jazeera, trước cuộc xung đột, bán đảo Crimea trên biển Đen, được sáp nhập năm 2014, thuộc quyền kiểm soát của Nga. Trong khi đó, các khu vực ở miền Đông Donbass do lực lượng ly khai kiểm soát. Giao tranh ở miền Đông Ukraine giữa phe ly khai thân Nga và lực lượng Ukraine thường xuyên diễn ra. 

Những bước đi đầu tiên cho thấy cuộc chiến Nga - Ukraine bắt đầu khi lực lượng của Moskva tập trận dọc biên giới với Ukraine vào năm 2021. Đến cuối năm, các hình ảnh vệ tinh cho thấy 100.000 quân Nga, cùng xe tăng và khí tài quân sự đã tập hợp ở biên giới.

Bất chấp những nỗ lực ngoại giao vào đầu năm 2022, căng thẳng giữa Nga, Ukraine và NATO tiếp tục leo thang. NATO đưa quân vào chế độ chờ.

Hôm 21/2, Nga công nhận hai khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine - Luhansk và Donetsk - là các quốc gia độc lập và gửi quân đến đó để "hoạt động gìn giữ hòa bình". Ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu và tuyên bố khởi động một "chiến dịch quân sự đặc biệt".

Các lực lượng mặt đất của Nga tiến vào Ukraine từ bốn mặt trận chính: Phía Bắc, từ Belarus tiến về Kiev; phía Đông Bắc, từ Nga tiến theo hướng Kiev; phía Đông, từ Donbass tiến về Kharkov; phía Nam, từ Crimea tiến về Odessa, Zaporizhzhia và Mariupol.

Các vụ nổ xuất hiện trên khắp Ukraine, pháo binh và tên lửa Nga bắn trúng nhiều mục tiêu. Kiev tuyên bố thiết quân luật.

Trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến, quân đội Nga tiến về các thành phố lớn nhất của Ukraine bao gồm Kiev, Kharkov và Kherson. Các lực lượng Ukraine kháng cự gay gắt.

Thành phố Kherson phía Nam, là trung tâm đô thị trọng điểm đầu tiên thất thủ vào ngày 2/3. Cùng lúc đó, ở miền Đông Ukraine, các lực lượng Nga kiểm soát nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu ở Zaporizhzhia. Ngày 4/3, một đám cháy bùng phát trong vụ pháo kích vào nhà máy điện, làm dấy lên lo ngại về thảm họa hạt nhân ở châu Âu.

Thành phố Kherson thất thủ. (Ảnh: AP).

Diễn biến lớn thứ hai xảy ra ở Bucha, ngoại ô Kiev, khi nơi này trở thành một cứ điểm chiến lược cho nỗ lực tiến về thủ đô của Nga. Tuy nhiên, sau khi Nga rút quân, Ukraine cáo buộc Nga gây ra các vụ dân thường bị sát hại và tra tấn. Trong khi đó, Moskva từ đầu và trong suốt chiến dịch luôn khẳng định không nhắm vào các mục tiêu dân sự.

Sau khi rút quân khỏi Bắc Ukraine, Nga tập trung vào Donbass và đẩy mạnh lực lượng về phía Mariupol trong giai đoạn thứ hai của cuộc chiến.

Cuối tháng 4, điện Kremlin công bố một loạt mục tiêu của giai đoạn này, với 4 mục tiêu chính, bao gồm tiếp quản Donbass; tạo hành lang đất liền từ khu vực tới Crimea; phong tỏa các cảng Biển Đen của Ukraine; giành quyền kiểm soát miền nam Ukraine để tạo ra một lối đi tới Transnistria.

Thành phố cảng Mariupol bị bao vây từ tháng 3, với nhiều nỗ lực thất bại về tạo hành lang nhân đạo trong bối cảnh pháo kích liên tục. Điện Kremlin coi Mariupol là cầu nối với bán đảo Crimea. Bên cạnh việc thiết lập hành lang trên bộ, Mariupol cũng là một phần quan trọng trong kế hoạch của Nga nhằm tạo sức ép đối với nền kinh tế Ukraine.

Khu vực nhà máy thép Azovstal, Mariupol trong cuộc chiến. (Ảnh: AP).

Nhà máy thép Azovstal ở Mariupol, một trong những nhà máy luyện kim lớn nhất ở châu Âu, trở thành tâm điểm của cuộc giao tranh vào tháng 4 và tháng 5. Khu phức hợp này được sử dụng làm nơi trú ẩn của các lực lượng và dân thường Ukraine. Theo các nhà chức trách Ukraine, có thời điểm 1.000 dân thường ẩn náu tại nhà máy.

Ngày 21/4, Tổng thống Putin ra lệnh cho các lực lượng Nga phong tỏa các máy bay chiến đấu của Ukraine bên trong thành phố. Máy bay chiến đấu Ukraine đã ở bên trong nhà máy hơn 80 ngày. Tuy nhiên, vào giữa tháng 5, khoảng 1.700 binh sĩ Ukraine đầu hàng và ít nhất 1.000 người được chuyển đến Nga, dẫn đến sự thất thủ của Mariupol.

Sau khi định hướng lại lực lượng sang phía đông Ukraine, các cuộc tiến công của Nga không thu được nhiều kết quả kể từ tháng 5. Các cuộc tiến công lớn diễn ra ít thường xuyên hơn. Dù vậy, Nga tuyên bố giành chiến thắng ở thành phố Lysychansk và vượt qua vùng Luhansk vào đầu tháng 7.

Binh sĩ Nga ở Donetsk. (Ảnh: Anadolu Agency).

Phần lớn cuộc giao tranh trong những tháng gần đây tập trung ở các khu vực phía đông và nam của Ukraine, xung quanh Kharkov, Severodonetsk và Izyum, cũng như Mykolaiv, Kherson và Zaporizhzhia - nơi giao tranh gần một nhà máy điện hạt nhân đã làm dấy lên lo ngại về một thảm họa hạt nhân. Các lực lượng Ukraine cố gắng giành lại kiểm soát ở Kherson, trong khi các lực lượng Nga cố gắng tiến công ở Donetsk.

Nga hiện tập trung vào toàn bộ khu vực Donetsk ở Donbass. Các quan chức Nga tuyên bố rằng lực lượng của họ đang chiến đấu “để giải phóng hoàn toàn” Donbass.

Ngày 9/8, một loạt vụ nổ đã làm rung chuyển căn cứ không quân của Nga ở bán đảo Crimea. Theo thống đốc Crimea, một người chết và 14 người khác bị thương. Hình ảnh vệ tinh cho thấy một số máy bay chiến đấu đã bị phá hủy trong các vụ nổ và căn cứ bị thiệt hại nặng nề.

Kiev không nhận trách nhiệm về các vụ nổ nhưng nếu lực lượng Ukraine đứng sau, điều đó sẽ thể hiện sự leo thang đáng kể trong cuộc chiến.

Tổng thống Ukraine Zelensky, trong một bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Nền tảng Crimea, cam kết làm những gì có thể để giành lại bán đảo Crimea, và nói cuộc chiến sẽ kết thúc ở đây.

Tổng thống Ukraine Zelensky. (Ảnh: Getty).

Các nỗ lực đàm phán bế tắc

Từ khi chiến dịch quân sự bắt đầu, các cuộc đàm phán giữa hai bên - đôi khi có sự tham dự của bên thứ ba trung gian - diễn ra liên tục song chưa đạt được kết quả đáng kể có thể dẫn đến thỏa thuận hòa bình. Những thành quả nổi bật nhất của các cuộc đàm phán là việc thành lập hành lang nhân đạo và thỏa thuận sắp xếp để vận chuyển ngũ cốc ra khỏi Ukraine.

Nga luôn phản đối việc NATO - liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu - mở rộng về phía Đông, xem đây là mối đe dọa an ninh với Moskva và muốn Ukraine tuyên bố trung lập, không tham gia liên minh này. Trong khi đó, Ukraine từng đề cập việc áp dụng một mô hình trung lập, nhưng khẳng định sẽ không “nhượng bộ” về vấn đề lãnh thổ.

Ngoài những điểm bất đồng, nỗ lực đàm phán còn bị cản trở bởi tình hình trên chiến trường, khi Nga và Ukraine tố lẫn nhau tấn công vào các mục tiêu dân sự và gây ra tội ác chiến tranh. Vụ việc ở Bucha là một trong những lần tiến trình hòa đàm bị phá vỡ.

Nga cũng lên án việc châu Âu và Mỹ liên tục cung cấp vũ khí số lượng lớn cho Ukraine, cho rằng đây là những động thái khiêu khích và làm căng thẳng tình hình.

Mới đây, một quan chức ngoại giao cấp cao của Nga đã cảnh báo rằng, Moskva không thấy có khả năng có một giải pháp ngoại giao để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine và dự đoán cuộc xung đột sẽ kéo dài.

Ông Gennady Gatilov, đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc, nói với Financial Times rằng Liên Hợp Quốc nên đóng một vai trò lớn hơn trong nỗ lực chấm dứt xung đột, đồng thời cáo buộc Mỹ và các nước NATO khác đang khiến Ukraine rời khỏi các cuộc đàm phán. Hiện sẽ không có cuộc hội đàm trực tiếp giữa ông Putin ông Zelensky.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người duy trì liên lạc với Kiev và Moskva kể từ đầu xung đột, tới gặp ông Putin ở Sochi trong tháng này và gặp ông Zelensky ở Lvov vào tuần trước cùng Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres trong nỗ lực đóng vai trò hòa giải.

Ông Erdogan nói trong chuyến thăm Ukraine: “Tôi tiếp tục có niềm tin rằng, chiến tranh sẽ kết thúc trên bàn đàm phán. Ông Zelensky và ông Putin có cùng quan điểm”.

Nhưng tuyên bố đó không đề cập bất kỳ diễn biến mới nào có thể dẫn đến các cuộc đàm phán, theo nguồn tin của Financial Times.

Một cuộc đối thoại giữa phái đoàn Nga và Ukraine hồi tháng 3. 

Dòng người di cư

Kể từ khi xung đột quân sự bắt đầu, các thống kê cho biết một phần ba dân số Ukraine đã bị buộc phải rời khỏi nhà của họ. Điều này đã tạo ra một trong những cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất trên thế giới.

Theo cơ quan về vấn đề tị nạn của Liên Hợp Quốc, UNHCR, có hơn 6,6 triệu người tị nạn trên khắp châu Âu và khoảng 7 triệu người phải di tản trong nội bộ Ukraine. EU đã cấp cho người Ukraine quyền ở lại và làm việc tối đa 3 năm trong khu vực 27 quốc gia thành viên.

Những người di rời phần lớn là phụ nữ và trẻ em, vì những người đàn ông trong độ tuổi từ 18 đến 60 được chỉ thị ở lại và chiến đấu.

Kể từ cuối tháng 2, Liên Hợp Quốc đã ghi nhận 11,1 triệu người đi qua biên giới rời Ukraine, nhưng cũng có 4,7 triệu người vượt biên trở lại nước này, khi chiến sự chuyển trọng tâm sang khu vực phía Đông và họ có thể trở về an toàn hơn. Nhiều người Ukraine phải di tản cũng cho biết họ nhớ nhà và mong muốn trở về, bên cạnh đó cũng có những người muốn về chiến đấu.

Khủng hoảng EU

Sáu tháng xung đột đi qua, phản ứng của phương Tây đối với cuộc khủng hoảng rất mạnh mẽ và thống nhất, xung quanh những vấn đề như hỗ trợ tài chính và vũ khí cho Kiev, các thỏa thuận ngừng sử dụng năng lượng Nga, cũng như các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tổng thống Vladimir Putin và những người thân cận.

Tuy nhiên, sự đồng thuận này đã bắt đầu có những dấu hiệu rạn nứt khi châu lục chuẩn bị bước vào một mùa đông ảm đạm với giá lương thực tăng, năng lượng sưởi ấm cho các ngôi nhà hạn chế và khả năng suy thoái thực sự. Ukraine lúc này có thể sẽ khó thu hút sự chú ý của các nhà lãnh đạo châu Âu khi xung đột kéo dài.

Thành phố Berlin Đức trong nỗ lực tiết kiệm điện. 

Cuộc khủng hoảng nhiên liệu mùa đông là điều mà các quan chức và nhà ngoại giao châu Âu đang lo ngại khi Nga chiếm khoảng 55% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu vào năm 2021.

Các nước châu Âu cũng khát dầu của Nga, với gần một nửa lượng dầu xuất khẩu của Nga sang châu lục này. Theo báo cáo, EU đã nhập khẩu 2,2 triệu thùng dầu thô mỗi ngày vào năm 2021.

Một nhà ngoại giao cấp cao của châu Âu cho biết trên tờ FT: “Trong Liên minh châu Âu, sẽ rất khó khăn và chúng tôi phải cố gắng thực hiện lời hứa cắt đứt với Nga trong khi cần duy trì lợi nhuận từ khí đốt và các nguồn khác”. Có một khối Tây Âu được cho là thậm chí hy vọng sẽ trở lại “bình thường” với Nga.

Các quan chức cũng lo ngại rằng, chiến lược trang bị vũ khí cho Ukraine của phương Tây đang trở thành giải pháp ngắn hạn cho một vấn đề dài hạn: một cuộc chiến không có điểm kết thúc rõ ràng.

Bên cạnh những chi phí kinh tế và quân sự ảnh hưởng đến sự hào phóng của phương Tây, mối lo ngại nghiêm trọng khác còn là thế giới đã bắt đầu cảm thấy mệt mỏi vì chiến tranh xung đột.

Phương Anh (Tổng hợp )

Tin mới