Tiết kiệm là đức tính tốt, giúp gia đình bạn có cuộc sống ổn định hơn. Tuy nhiên, có nhiều thứ không nên tiết kiệm quá mức bởi có thể vô tình gây hại cho chính bạn và người thân. Dưới đây là những sai lầm nguy hiểm trong việc tiết kiệm mà rất nhiều bà nội trợ mắc phải.
Tự chế biến dầu thực vật
Cuộc sống hiện đại khiến con người ngày càng tìm đến những sản phẩm organic để nâng cao sức khỏe và để tiết kiệm. Phong trào ép dầu ăn từ các loại hạt đang được nhiều chị em hưởng ứng cùng với sự xuất hiện các loại máy ép dầu mini trên thị trường.
Việc tự ép dầu ăn từ các loại hạt như lạc, hướng dương... có thể giúp tiết kiệm được khoản tiền kha khá. Theo nhiều bà nội trợ, chỉ cần mua 2kg lạc là có thể ép được 1 lít dầu, tiết kiệm chi phí rất đáng kể so với mua dầu lạc.
Tuy nhiên, việc tự sản xuất dầu ăn đem đến nhiều rủi ro. Nếu chẳng may ép phải các hạt bị thối, mốc, chất độc aflatoxin sẽ đi vào thành phẩm, làm tăng nguy cơ ung thư cho bạn. Bên cạnh đó, quá trình ép thủ công khiến dầu đễ bị oxy hóa vì tiếp xúc với không khí và nhiệt độ môi trường.
Tiết kiệm điện, nước quá mức
Điện và nước là 2 sản phẩm cơ bản trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người. Ai cũng lo lắng khi nhìn thấy hóa đơn điện, nước cuối tháng cao bất thường, dẫn đến tâm lý sử dụng tiết kiệm, và nếu thái quá sẽ rất nguy hiểm.
Một số hộ gia đình có thói quen dùng nước tráng bát để lau sàn bếp, bàn bếp. Hình thức tiết kiệm này sẽ làm lây lan vi khuẩn, khiến môi trường sống không sạch sẽ.
Tương tự như vậy, nhiều người thường tiết kiệm điện đến mức hà tiện, bóng đèn cũng không dám bật, nóng không dám bật điều hòa... Hậu quả là sức khỏe của gia đình không đảm bảo.
Ăn trái cây hỏng
Nhiều người có tính "tiếc của giời", hoa quả hơi lên men một chút hoặc mốc vỏ vẫn cố ăn. Thói quen này gây hại lớn đến chính sức khỏe của bạn.
Các loại hoa quả đã lên men hay bị thối có lượng vi sinh vật độc hại cao gấp nhiều lần bình thường. Ngoài ra, nó còn chứa aflatoxin, chất độc từ nấm mốc. Ăn vào, nhẹ thì bạn có thể bị tiêu chảy, buồn nôn, nặng thì ngộ độc. Các chất độc tích tụ trong cơ thể lâu ngày có thể gây tổn thương tế bào và gây ung thư gan.
Ăn thực phẩm để qua ngày
Thói quen cất đồ ăn vào tủ lạnh để hôm sau ăn tiếp được nhiều người áp dụng. Tuy nhiên không phải loại đồ ăn nào cũng có thể bảo quản tốt trong tủ lạnh.
Thức ăn bị giảm giá trị dinh dưỡng khi để qua đêm, kể cả trong tủ lạnh. Ngoài ra, nếu để khoảng 2, 3 ngày mới lấy ra sử dụng, chất nitrat trong thức ăn sẽ chuyển hóa thành nitrite và được cơ thể hấp thụ. Lượng nitrie đạt ngưỡng 300mg sẽ bị oxy hóa, gây ngộ độc và tăng nguy cơ ung thư.
Tốt nhất, thức ăn thừa nên được cho vào hộp kín trước khi đưa vào tủ lạnh và phải hâm nóng lại trước khi ăn.
Lâu thay đũa
Đũa là vật dụng chúng ta tiếp xúc, cho lên miệng hàng ngày. Có nhiều hộ gia đình sử dụng đũa 3-4 năm mới thay một lần, rất nguy hiểm. Đũa dùng lâu ngày sẽ có các vết nứt, nơi nấm mốc phát triển, tạo ra độc tố gây ung thư.
Chỉ cần quan sát bằng mắt thường, bạn cũng có thể thấy được sự biến đổi của đũa. Càng dùng lâu, màu sắc của đũa càng thay đổi, chuyển từ màu nhạt sang màu đậm. Sự thay đổi này chính là do các vi khuẩn tích tụ lâu ngày. Tốt nhất sau khi rửa sạch đũa, bạn nên phơi khô hoặc để ráo nước trước khi cất đi. Theo các chuyên gia khuyến cáo, khoảng thời gian lý tưởng để thay đũa là 3 tháng/lần.
Vừa nấu xong đã tắt hút mùi
Do tiết kiệm điện, nhiều người thường tắt máy hút mùi ngay sau khi nấu ăn xong. Điều này có thể giúp hóa đơn tiền điện cuối tháng giảm đi đôi chút, nhưng hóa đơn tiền thuốc sẽ tăng lên rất nhiều.
Trong quá trình nấu ăn, dầu mỡ được đun sôi sẽ sản sinh ra hydro-cacbon thơm. Nếu không mở hút mùi trong vòng 1 giờ, phổi sẽ chịu tổn thương ngang với việc hút 1 hoặc hay 2 điếu thuốc.
Sau khi nấu ăn, hãy để máy hút mùi chạy thêm khoảng 10 phút, mở cửa sổ thông gió để các chất độc hại bay khỏi căn bếp.