Lắng nghe trẻ nói: COVID-19 và việc đóng cửa trường học đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, tâm lý của thanh, thiếu niên. Là một nhà giáo dục, giáo viên cần lắng nghe tâm sự và những mối quan tâm của trẻ. Dù đó là suy nghĩ tích cực hay tiêu cực, bạn vẫn cần lắng nghe, bày tỏ sự thấu hiểu và cảm thông với học sinh của mình. Khi phát hiện các em có biểu hiện bất ổn, giáo viên cần nhanh chóng tìm hướng xử lý và liên hệ với gia đình để bảo vệ sự an toàn của trẻ. (Ảnh: Hartford HealthCare)
Quan sát trẻ: Trước khi dạy nội dung bài mới, thầy cô nên dành thời gian để kiểm tra việc tiếp thu bài vở của học sinh. Điều quan trọng giáo viên cần nhớ là ban đầu các bé có thể mất tập trung do đã quen với việc học qua màn hình máy tính. Trẻ cần thêm thời gian để kết nối với giáo viên và lấy lại thói quen học tập trước đây. UNICEF khuyên bạn có thể cho trẻ nghỉ giải lao, vận động nhiều hơn và khuyến khích học sinh tương tác với bạn bè trong những ngày đầu trở lại lớp. (Ảnh: Educational Directions)
Khuyến khích thay vì trấn an: Khi học sinh cảm thấy lo lắng với việc trở lại trường, giáo viên là người đóng vai trò giúp các em loại bỏ cảm giác bất an. Khi đó, những lời trấn an như "mọi thứ sẽ ổn", "các em không cần lo lắng" sẽ trở nên mất hiệu lực. Thậm chí, lời nói này có thể tạo ra sự nghi ngờ, thiếu chắc chắn và khiến trẻ cần được trấn an nhiều hơn. Giáo viên có thể giúp trẻ hiểu những vấn đề có thể gặp khi học trực tiếp và nói với các em rằng thầy cô, nhà trường đã lên kế hoạch tốt nhất để bảo vệ học sinh khỏi dịch bệnh. Nếu các em vẫn tìm kiếm sự trấn an, thầy cô có thể dẫn dắt trẻ giải quyết vấn đề hoặc đặt ra những giải pháp để các bé lựa chọn, làm theo. (Ảnh: iStock)
Cung cấp thông tin chính xác cho học sinh và phụ huynh: Trẻ em có những suy nghĩ và thắc mắc khác nhau về Covid-19. Giáo viên cần giải thích đơn giản, dễ hiểu để giúp các em nắm rõ thông tin cơ bản liên quan tình hình dịch bệnh tại địa phương. Ngoài ra, bạn cần nhắc trẻ thực hiện các quy tắc phòng dịch, bao gồm đeo khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách an toàn. Đối với phụ huynh, thầy cô phải giữ liên lạc thường xuyên và cung cấp đủ thông tin về tình hình của trẻ tại trường học: Những thay đổi trong công tác dạy học; kế hoạch ngắn hạn; kế hoạch dài hạn; phương án xử lý khi phát hiện ca mắc COVID-19 trong trường. (Ảnh: The Conversation)
Trở thành tấm gương tích cực: Trẻ nhỏ có xu hướng bắt chước hành vi của những người gần gũi như cha mẹ, thầy cô. Vì thế, thái độ, hành động và cách xử lý căng thẳng của giáo viên có thể trở thành tấm gương tốt cho trẻ. Bạn có thể kể cho học trò nghe những trải nghiệm của mình trong đại dịch, từ đó nêu cách xử lý khi đối mặt vấn đề tiêu cực. Những lời bày tỏ sẽ giúp trẻ cảm thấy bớt đơn độc, đồng thời cho các em có thêm kinh nghiệm xử lý tình huống. (Ảnh: MPR News)
Chăm sóc bản thân và biết giới hạn của mình: Khi đón trẻ trở lại trường, khối lượng công việc của giáo viên có thể nhiều thêm, mức độ căng thẳng cũng tăng cao. Nếu làm việc trong tình trạng mệt mỏi, khả năng hỗ trợ, chăm sóc trẻ sẽ bị giới hạn, thậm chí không đạt kết quả cao. Vì thế, các giáo viên cần tự chăm sóc bản thân và giữ sức khỏe để vượt qua giai đoạn dạy học khó khăn này. Các chuyên gia khuyên thầy cô phải duy trì lối sống lành mạnh, tăng cường kết nối với người thân, bạn bè và tìm kiếm hỗ trợ nếu gặp phải các vấn đề tâm lý. (Ảnh: MPR News)