Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

6 câu nói độc hại của bố mẹ mà các bé trai thường phải nghe

(VTC News) -

Rất nhiều ông bố, bà mẹ hay nói với con những lời độc hại này mà vẫn tưởng mình đang dạy con trở thành người đàn ông đúng nghĩa.

Nhiều khi, những câu nói cửa miệng của các bậc cha mẹ đối với bé trai lại truyền tải thông điệp tiêu cực và có thể gây hại cho con trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến những cụm từ mình sử dụng khi trò chuyện với con trai.

“Con yếu đuối quá đấy”

Câu nói cửa miệng này hay được các cha mẹ sử dụng khi cách một cậu bé hoặc chàng trai thể hiện cảm xúc của mình. Khi cha mẹ nói điều gì đó chẳng hạn như “Con yếu đuối quá” hoặc “Con nhạy cảm quá”, họ đang gửi thông điệp sai lệch đến cho con mình. Thông điệp đó là, con trai không bao giờ nên bị nói rằng chúng thể hiện “quá” bất cứ điều gì.

Mỗi người đều khác nhau và thể hiện bản thân theo một cách khác nhau. Những cậu bé có xu hướng giàu cảm xúc, nhạy cảm, quan tâm, tình cảm thì không có nghĩa là bị khiển trách, mắng mỏ vì những phẩm chất đáng yêu này. Khi cảm xúc của một cậu bé bị tổn thương và cậu phản ứng với điều đó, thì việc cha mẹ nói với cậu bé rằng cậu “quá nhạy cảm/yếu đuối” sẽ không tốt chút nào. Điều đó gửi thông điệp rằng, cậu nên tránh cảm xúc này.

 

“Con trai không được khóc”

Đây là câu nói cửa miệng mà hầu hết các cha mẹ đều nói với con trai của mình mà không biết nó gây hại thế nào đến các bé. Cảm giác và cảm xúc là phản ứng tự nhiên của con người đối với với môi trường mà chúng ta ở trong đó; và nếu một cậu bé khóc về điều gì đó, cậu chỉ đơn giản thể hiện bản thân một cách thô sơ, vô tư, ngay thẳng.

Các bé trai thường được dạy rằng không được khóc hoặc phải tránh thể hiện bất kỳ dấu hiệu nào của sự yếu đuối hoặc dễ bị tổn thương. Kiểu suy nghĩ này khiến các bé trai nghĩ rằng những cảm xúc được gọi là “mềm mại” này chỉ thuộc về con gái và đối với chúng, chỉ những cảm xúc nhất định mới được cho phép hoặc chấp nhận. Điều này rõ ràng là không đúng sự thật và rất phản tác dụng đối với sự phát triển sau này của các bé trai.

Đừng nói với bé rằng con trai không được khóc.

“Con trai phải thế”

Thông điệp đằng sau câu nói “con trai thì phải thế” có hại hơn nhiều so với tưởng tượng của cha mẹ. Điều này phần nào gửi thông điệp đến các cậu bé rằng, có một lá chắn vô hình họ có thể núp đằng sau nó và vì vậy, bằng cách nào đó, trẻ được miễn trách nhiệm cho những hành động của mình. Rõ ràng là điều này vừa gây hại trong cách giáo dục trẻ vừa hoàn toàn không chính xác.

 Trên thực tế, với câu nói này của cha mẹ, khi một cậu bé hành động thái quá, hành xử hung hăng hoặc phá hoại hay đáp trả, phản bác lại lời của người khác thì trẻ sẽ nghĩ rằng chúng sẽ được bỏ qua cho những hành động của mình. Bởi vì câu nói của cha mẹ gửi thông điệp rằng chúng không cần phải chịu trách nhiệm về hành vi xấu của mình.

“Con… như con gái ấy”

Khoảng trống này có thể được điền bằng bất kỳ số lượng động từ nào và là hầu hết câu nói cửa miệng của các bậc cha mẹ với bé trai. Cho dù chúng ta nói với con trai rằng đừng “ném bóng như con gái” hoặc “cư xử như con gái” hay nói rằng “khóc như con gái” thì đây là một thông điệp sai.

Thông điệp độc hại này dễ dẫn đến việc các cậu bé nghĩ rằng phụ nữ “kém” hơn họ. Và khi bị nói với câu nói tiêu cực thì sẽ làm giảm mức độ tôn trọng mà đứa trẻ dành cho nữ giới nói chung. Đây có thể là một lối suy nghĩ rất nguy hiểm đối với trẻ em trai, khiến trẻ em gái và phụ nữ thường bị coi là thấp kém hơn.

“Hãy đàn ông/mạnh mẽ lên”

Khi một cậu bé được bố mẹ bảo rằng “Hãy đàn ông” hoặc “Hãy mạnh mẽ lên” thì một thông điệp sai về vai trò và hành vi giới tính đang được gửi đến cậu bé. Điều này có thể dẫn đến những thông điệp độc hại ảnh hưởng đến cách nghĩ của trẻ về vai trò của giới tính. Câu nói này chỉ ra cho đứa trẻ rằng, những cậu bé và người đàn ông mạnh mẽ chỉ được chấp nhận những hành vi nhất định chẳng hạn như cách thể hiện sức mạnh.

Nuôi dạy con trai trở thành người đàn ông mạnh mẽ và cứng nhắc bằng cách yêu cầu chúng “mạnh mẽ, đàn ông lên” là một cách gạt bỏ cảm xúc và nước mắt sang một bên, cướp đi việc thể hiện cảm xúc của trẻ. Thêm vào đó, có thể dẫn đến các vấn đề như tức giận, lo lắng và nhận thức méo mó khi hiểu về “thế giới của đàn ông” ở trẻ.

“Búp bê chỉ dành cho con gái”

Nói với một cậu bé rằng “búp bê chỉ dành cho con gái” sẽ buộc chúng phải hạn chế sự quan tâm thực sự của mình với món đồ chơi này. Nó buộc phụ nữ vào vai trò nội trợ và đồng thời làm “ô nhiễm” tâm trí trẻ em trai đang phát triển bằng cách buộc chúng tin rằng, chúng chỉ có thể chơi những món đồ chơi, theo nghề nghiệp hoặc sở thích nhất định mà đáp ứng tiêu chí nam tính và xứng đáng với nam giới. Điều này hoàn toàn làm giảm khả năng thể hiện cá nhân của trẻ và làm giảm khả năng nhìn thế giới của trẻ với sự cân bằng giới tính.

Lý Nam/VOV.VN

Tin mới