Đối với nhiều người thì việc thức dậy đi làm đúng giờ mỗi ngày chẳng khác gì một cuộc chiến. Đến văn phòng, vùi mặt vào máy tính, sổ sách, giấy tờ, những cuộc họp khô khan, email, KPI, bị sếp mắng, đồng nghiệp nói xấu, deadline ngập đầu... Tất cả đều khiến cho chúng ta ngỡ ngàng, mệt mỏi: Hóa ra lớn lên, đi kiếm tiền lại khổ sở đến vậy.
Nếu ví rằng mỗi ngày đi làm là một ngày "ra chiến trường" thì cũng chẳng sai, nhưng "bãi chiến trường" đó cũng mang lại cho chúng ta rất nhiều bài học kinh nghiệm quý giá. Sau vài năm “chinh chiến”, dưới đây là những bài học mà nhiều người trẻ đã chiêm nghiệm được.
Tươi cười và chào hỏi tất cả mọi người
(Ảnh: Pinterest)
Ngoài tài năng, sự chăm chỉ, thì thái độ trong môi trường làm việc cũng quyết định đến sự thành công và vị thế của bạn ở công sở. Bạn tài giỏi, nhưng kênh kiệu, thích tỏ vẻ coi thường người khác, kể cả đồng nghiệp lâu năm, thì liệu có tồn tại bền vững được không? Chưa kể, "gừng càng già càng cay", những người lớn tuổi giàu kinh nghiệm luôn có đủ thứ hay ho để giúp đỡ chúng ta khi gặp khó khăn.
Không phải chuyện gì cũng nên tham gia
Buôn dưa hóng hớt ở văn phòng thì cũng vui, nhưng hậu quả mà nó mang lại có thể là mất bát cơm manh áo nếu sếp bắt quả tang bạn đang tung tin đồn nào đó sai sự thật.
Ở nơi làm việc, đôi khi việc thể hiện nhiều hơn và nói nhiều hơn sẽ mang đến cho bạn nhiều cơ hội hơn. Tuy nhiên, cũng có đôi khi bạn cần học cách giữ im lặng. Ví dụ: không bàn tán về cuộc sống ngoài công việc, không nói xấu đồng nghiệp, không hoạch sách các quyết định của ban lãnh đạo.
Phản hồi ngay sau khi nhận được tin nhắn
(Ảnh: Pinterest)
Trong thời đại thông tin, việc giao tiếp giữa con người với nhau ngày càng trở nên thuận tiện hơn. Nhiều thông báo của công ty không còn giới hạn trong email hay tài liệu giấy. Các ứng dụng liên lạc như cũng trở thành công cụ giao tiếp không thể thiếu trong công việc.
Một số người có thói quen không hồi đáp ngay sau khi đọc tin nhắn, điều này không thực sự có lợi cho công việc. Tiếp nhận và trả lời thông tin kịp thời giúp ích rất nhiều cho việc nâng cao hiệu quả công việc, đồng thời cũng thể hiện sự tôn trọng, thấu hiểu dành cho người gửi.
Hiểu rõ giới hạn với đồng nghiệp
Giữa đồng nghiệp với nhau cũng cần có ranh giới, giới hạn. Đành rằng ai cũng có lúc gặp khó khăn nhưng nếu một khi bạn nhờ vả người khác, người khác giúp bạn là vì họ quý mến bạn, chứ đó tuyệt nhiên không phải là bổn phận.
(Ảnh: Pinterest)
Nhiều người không hiểu được sự thật này. Thành ra khi bị người khác từ chối, họ luôn cảm thấy bực bội, cáu bẳn. Đây là hành vi khuyết thiếu ý thức giới hạn.
Truyền đạt mọi thứ theo lý trí, không phải cảm xúc
Giao tiếp là điều cần thiết ở nơi làm việc, tuy nhiên có đôi khi hiệu quả của giao tiếp lại khiến người ta không hài lòng. Khi giao tiếp, nhiều người không biết đối phương nghĩ gì nên có xu hướng áp đặt cảm xúc của cá nhân mình vào và đồng thời đánh giá quá cao hiệu quả của việc tiếp nhận thông tin từ phía đối phương.
Ở nơi làm việc, những người giỏi nhất sẽ giao tiếp bằng lý trí chứ không phải cảm xúc. Khi lắng nghe đối phương, họ học cách trút bỏ những suy nghĩ của mình để cảm nhận suy nghĩ của đối phương, quan sát nhu cầu của đối phương và đưa ra phản hồi kịp thời.
Làm gì cũng cần ghi chép, lưu giữ
(Ảnh: Pinterest)
Bạn phải học cách ghi chép, lưu trữ chứng cớ công việc của bạn, đặc biệt là những đầu việc quan trọng. Ví dụ, nếu yêu cầu của khách hàng có thể xác nhận bằng văn bản thì tuyệt đối đừng xác nhận bằng miệng. Trong trường hợp khách hàng nhớ nhầm hay ngỏ ý hối tiếc, việc lưu giữ chứng cớ sẽ giúp bạn dễ dàng xử lý mọi chuyện hơn.
Ở nơi làm việc, việc không có ghi chép, lưu giữ công việc còn dễ khiến bạn phải chịu tội thay, hơn nữa có nguy cơ bị coi là không chăm chỉ.