Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

55 năm phát sóng Bản Thông cáo đặc biệt về tin Bác Hồ mất trên VOV

Bản tin đặc biệt thông báo sự ra đi của Bác Hồ trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam cách đây 55 năm còn in đậm trong lòng thế hệ phát thanh viên và thính giả cả nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, biểu tượng sáng ngời về đạo đức cách mạng, tấm gương hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc đã trút hơi thở cuối cùng cách đây tròn 55 năm. 

Sáng sớm ngày 4/9/1969, Đài Tiếng nói Việt Nam đã truyền đi Thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Ủy ban thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo tin Bác Hồ đã từ trần đến nhân dân cả nước.

Sau khi nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, nhân dân Hà Nội đã tới trước Phủ Chủ tịch và Quảng trường Ba Đình để tưởng nhớ Người. (Ảnh: TTXVN)

Sau khi nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, nhân dân Hà Nội đã tới trước Phủ Chủ tịch và Quảng trường Ba Đình để tưởng nhớ Người. (Ảnh: TTXVN)

Thông tin đau xót này gây nên nỗi xúc động to lớn đối với hàng triệu người dân khắp mọi miền Tổ quốc, trong đó có nhân dân thủ đô Hà Nội. 

Ông Nguyễn Mạnh Trường (67 tuổi ở phố Khâm Thiên, Hà Nội) vẫn nhớ cảm xúc bàng hoàng khi nghe tin Bác Hồ ra đi cách đây 55 năm. Cậu bé 12 tuổi khi ấy lần đầu chứng kiến bầu không khí đau thương lớn lao và nhiều người òa khóc đến thế.

“Nghe Đài báo tin Bác Hồ mất, cảm giác lúc ấy bàng hoàng lắm. Tôi nhớ cảnh mọi người đứng chết lặng xung quanh cột loa phóng thanh, rồi rất nhiều người òa lên khóc. Năm ấy đúng là "đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa", không khí đau buồn cứ thế kéo dài” – ông Trường hồi tưởng.

Bà Phạm Thị Tuất (85 tuổi, ở phố Trần Quốc Toản, Hà Nội) nhớ lại tác động to lớn khi thông tin Bác Hồ ra đi được công bố: “Nghe bản tin trên Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi chỉ biết khóc. Mọi người xung quanh cũng khóc. Ai cũng cảm thấy vô cùng đau xót và tiếc thương Bác Hồ”.

Cán bộ và công nhân cảng Hải Phòng theo dõi thông báo sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Cán bộ và công nhân cảng Hải Phòng theo dõi thông báo sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Đài Tiếng nói Việt Nam là nơi đầu tiên truyền đi bản tin phát thanh về thông tin Bác Hồ mất. Khi đó, lựa chọn một phát thanh viên để chuyển tải Thông cáo đặc biệt này quả là không dễ. 

Nhà báo NSƯT Hà Phương, nguyên Trưởng phòng Phát thanh viên, Đài Tiếng nói Việt Nam nhớ lại: “Khi nghe tin Bác mất, mọi người đều bàng hoàng, tất cả ôm nhau khóc, không ai nghĩ đến diễn biến nhanh như vậy, dù trước đó Đài đã thông tin rằng, tình hình sức khỏe của Bác Hồ không được ổn định”.

Cuốn băng tư liệu ghi lại "Thông cáo đặc biệt về sự ra đi của Bác Hồ" được lưu giữ tại Trung tâm Sản xuất và Lưu trữ chương trình, Đài Tiếng nói Việt Nam. (Ảnh: Bảo Long)

Theo NSƯT Hà Phương, phát thanh viên được lựa chọn để đọc Thông cáo đặc biệt phải là người biết tiết chế cảm xúc cá nhân.

“Với tâm thế và tâm cảm của người trực tiếp loan báo tin tức chấn động cho cả nước và thế giới biết, sức ép với người phát thanh viên là vô cùng lớn. Lúc ấy, họ phải là người từng trải và rất giỏi tiết chế cảm xúc thì mới đọc được” - Nhà báo Hà Phương chia sẻ.

Phát thanh viên Minh Đạo (đã mất) sở hữu chất giọng Nam Bộ đặc biệt, rất cảm động, khiến thính giả lặng đi khi nghe giọng đọc chất chứa nỗi lòng được kìm nén. “Phát thanh viên đọc bằng cảm xúc mà không khóc òa lên, dù nghe giọng bác ấy đọc run rẩy lắm rồi” như nhận xét của nhà báo Hà Phương.

Trung tâm Sản xuất và Lưu trữ chương trình, Đài Tiếng nói Việt Nam hiện đang lưu giữ cuốn băng đề ngày 4/9/1969 với nhãn ghi: “Bản tin đặc biệt 5g15ph ngày 4/9/1969. Thông cáo của BCH.TƯ.Đảng về Bác Hồ từ trần”.

Trong cuốn băng này có Thông cáo đặc biệt về sự ra đi của Bác Hồ qua giọng đọc của phát thanh viên Minh Đạo: "Đồng chí Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã từ trần hồi 9 giờ 47 phút ngày 3/9/1969 sau một cơn đau tim đột ngột rất nặng, thọ 79 tuổi”.

Nhà báo Hà Phương trong cuộc trao đổi với phóng viên. (Ảnh: Quách Khiêm)

Tháng 9 năm 1969, nhà báo Hà Phương liên tục đi – về giữa Hà Nội và Nghệ An, viết bài phản ánh tình cảm của người dân quê hương Bác Hồ và chứng kiến đồng nghiệp ở Đài Tiếng nói Việt Nam nén đau thương để hoàn thành nhiệm vụ.

Nhớ lại guồng quay công việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam trong những ngày Bác Hồ vừa đi xa, ông Hà Phương chẳng thể quên hình ảnh các phát thanh viên của Đài kìm giữ nước mắt để tác nghiệp khi vào phòng thu. Cùng với phát thanh viên Minh Đạo, NSƯT Hà Phương đặc biệt ấn tượng về phát thanh viên Nguyễn Thơ.

Thời điểm ấy, phát thanh viên Nguyễn Thơ đã khiến các đồng nghiệp ở Đài Tiếng nói Việt Nam khâm phục bởi tài năng kiềm chế cảm xúc để hoàn thành nhiệm vụ trong lúc các đồng nghiệp ôm nhau khóc. Từ đó, nhà báo Hà Phương thường gọi phát thanh viên Nguyễn Thơ là “Ông già thép” và ghi lại kỷ niệm ấy trong cuốn sách “Tiếng nói cùng năm tháng” do Đài Tiếng nói Việt Nam ấn hành.

“Cùng với các 'giọng đọc vàng' thời chống Mỹ cứu nước, hai giọng đọc nam xuất sắc (Minh Đạo và Nguyễn Thơ) đã để lại ấn tượng sâu sắc cho thính giả. Đây cũng là những mẫu mực về giọng đọc biểu cảm nghệ thuật cho các lớp đồng nghiệp đàn em sau này” – phát thanh viên, NSƯT Hà Phương nói về ký ức năm xưa.

Cán bộ và công nhân Nhà máy Điện Yên Phụ (Hà Nội) theo dõi thông báo về tình hình sức khỏe của chủ tịch Hồ Chí Minh (1969) qua Đài Tiếng nói Việt Nam. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh mất ngày 2/9/1969, nhưng do trùng ngày Quốc khánh nên Bộ Chính trị lúc bấy giờ thông báo là ngày 3/9. Hai mươi năm sau, toàn văn Di chúc và ngày mất của Bác mới được công bố.

Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Di chúc của Bác đã được công bố. Song do hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ nên có một số điều chưa được công bố.

Dịp kỷ niệm 20 năm ngày mất và chuẩn bị 100 năm ngày sinh của Bác, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VI thấy trách nhiệm phải thông báo về ngày mất và di chúc của Người. Thông tin được công bố trong thông báo của Bộ Chính trị số 151 ngày 19/8/1989.

Bảo Long (VOV.Vn)

Tin mới