Tổng hợp từ 53 dự án thuộc 12 tập đoàn và doanh nghiệp, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM chỉ ra có đến 28.324 căn nhà và căn hộ officetel đang bị chậm cấp sổ hồng.
Con số này được tính trong 490 dự án nhà ở trong giai đoạn 2015-2019, chưa bao gồm các dự án đã triển khai từ trước năm 2015.
Hiệp hội cho rằng nếu thống kê đầy đủ số liệu của hàng trăm dự án đã bàn giao nhưng chưa được tính tiền sử dụng đất thì số lượng nhà bị chậm cấp sổ hồng còn lớn hơn nhiều lần.
Nhiều năm trước cũng có một số chủ đầu tư thiếu trách nhiệm và năng lực, thậm chí có trường hợp vi phạm pháp luật, dẫn đến dự án không đủ điều kiện thực hiện thủ tục cấp sổ hồng, làm thiệt hại cho người mua nhà.
Trong các năm gần đây, các chủ đầu tư cũng đã rất nỗ lực đáp ứng đủ điều kiện làm thủ tục cấp sổ hồng cho khách hàng mua nhà, tuy nhiên lại lệ thuộc vào việc xem xét giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền.
Sở Tài nguyên Môi trường cũng cho biết hiện còn hơn 100 dự án đã nộp hồ sơ đề nghị tính tiền sử dụng đất nhưng chưa được giải quyết.
HoREA nhận định tình trạng chậm cấp sổ hồng cho khách hàng mua nhà tại các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố đã xảy ra trong nhiều năm và dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực.
Cư dân dự án Lexington Residences của Tập đoàn Novaland tại quận 2 treo băng rôn yêu cầu được cấp sổ hồng. (Ảnh: TL).
Thứ nhất, không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, đồng thời gây tâm lý hoang mang, bất an cho khách hàng mua nhà. Đã có một số trường hợp người mua nhà khiếu kiện gay gắt, phát sinh tụ tập đông người, căng băng rôn, biểu ngữ, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Bên cạnh đó làm giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước với số thu tiền sử dụng đất bị sụt giảm liên tục từ năm 2018 đến nay.
Các chủ đầu tư không những không thu được 5% giá trị hợp đồng còn lại mà còn bị mang tiến "bội tín" với khách hàng, ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu.
HoREA cho rằng có 2 vấn đề cần tách bạch để xử lý phù hợp.
Thứ nhất, người mua nhà là bên ngay tình, vô can, nếu đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng mua nhà, thì phải được “ưu tiên” giải quyết cấp “sổ hồng” trước.
Thứ hai, về nghĩa vụ tài chính, tiền sử dụng đất bổ sung (nếu có) giữa chủ đầu tư dự án với Nhà nước, thì tách ra xử lý riêng, với điều kiện chủ đầu tư cam kết và có giải pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước.