Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

500 tàu du lịch Hạ Long nằm 'chờ chết', bán không ai mua

(VTC News) -

Hơn 500 con tàu du lịch ở Hạ Long (Quảng Ninh) đang trong cảnh nằm "chờ chết" vì phải dừng hoạt động quá nhiều lần giữa đại dịch COVID-19.

Video: Hàng loạt tàu du lịch nằm bất động bên Vịnh Hạ Long 

Các doanh nghiệp và hộ kinh doanh tàu du lịch tham quan vịnh Hạ Long đang bị thiệt hại nặng nề với hơn 500 con tàu du lịch phải dừng hoạt động. Nguy cơ phá sản hiện hữu trước mắt các doanh nghiệp. Điều thê thảm hơn là hiện giờ muốn bán tàu cũng không ai mua, cho dù đa số họ đã chấp nhận cắt lỗ đến 50%. Không một ai trong số họ có thể ngờ được tàu có, vịnh đó, nhưng họ lại chôn chân "chết đứng" ở trên bờ.

Bên bờ vực thẳm, tàu bán không ai mua

Nhà ga đón khách Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long hiu hắt, buồn thảm, chỉ lác đác vài nhân viên an ninh làm việc. Phía sau nhà ga là hệ thống cầu cảng, nơi hơn 200 tàu du lịch đang nằm im lìm. Con đường dẫn từ đầu đến cuối cảng thi thoảng có một vài phương tiện của chủ tàu ra kiểm tra rồi lại về.  

Hàng trăm chiếc tàu du lịch đang neo đậu tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.

Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long thường đón các siêu du thuyền quốc tế với hàng nghìn du khách và thủy thủ đoàn đến tham quan vịnh Hạ Long, giờ đây biến thành nơi neo đậu của các tàu khách nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long mà chưa biết ngày nào mới hoạt động trở lại.

Tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, không khí hoang vắng, lặng lẽ bao trùm từ đường vào nhà điều hành, nhà chờ cho đến cầu cảng đón, trả khách không một bóng người, không một phương tiện. Trong khu vực âu cảng, hơn 300 tàu du lịch với đủ loại từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng đang nằm "đắp chiếu" bất động. 

Nhìn cảnh tượng tại 2 cảng tàu khách lớn nhất nước không khỏi xót xa khi hàng chục, hàng trăm tỷ đồng được doanh nghiệp đầu tư mua sắm, đóng mới những con tàu sang trọng, hiện đại, phục vụ khách tham quan, du lịch giờ đang lâm vào cảnh 'chờ chết' trên vịnh Hạ Long. 

Hơn 500 tàu du lịch đang nằm "đắp chiếu" bởi dịch bệnh COVID-19.

“Chết đói rồi”, đó là câu thở than của chị Hậu – chủ tàu du lịch Phương Hằng, thuộc Chi hội tàu du lịch Hạ Long (Quảng Ninh).

Chị Hậu có 3 tàu du lịch với hơn 10 lao động được thuê để hoạt động. Tuy nhiên, từ khi có dịch, các nhân viên lần lượt phải nghỉ đi xin việc khác làm vì tàu không có khách. Chị Hậu chỉ thường xuyên thuê 1 công nhân làm nhiệm vụ trông tàu. 

“Không phải chỉ cá nhân tôi mà tất cả chủ tàu du lịch đều đứng bên bờ vực thẳm. Dịch bệnh COVID-19 kéo dài suốt từ đầu 2020, hết đợt này chưa xong lại đến đợt khác, cứ liên miên không biết bao giờ dừng”, chị Hậu nói.

Chị Hậu cho biết thêm, đã có nhiều người không cầm cự được nên buộc phải rao bán tàu nhưng giá “COVID”, giá bán giảm đi quá nửa nhưng không mấy ai mua, vì mua có khách đâu mà mua.

Thời điểm chưa có dịch bệnh COVID-19, tàu gỗ có giá dao động khoảng 2,8 tỷ đến trên 3 tỷ/tàu, nhưng giờ chỉ rao bán 1,5 tỷ. Con tàu vỏ sắt đóng mới khoảng hơn 6 tỷ giờ cũng chỉ rao bán 4 tỷ nhưng không ai thèm mua, không ai dám mua đâu. Thà người ta để tiền đó gửi ngân hàng còn được vài chục triệu một tháng còn hơn là mua tàu về mà nằm chờ chết. Mua tàu để mà chạy chứ mua tàu để mà đỗ à”, chị Hậu bày tỏ.

Hơn 300 tàu du lịch với đủ các loại từ tàu tham quan theo tiếng, có giá trị vài tỷ đồng đến tàu ngủ đêm trên vịnh Hạ Long với giá hàng chục tỷ đồng đang neo đậu tại âu cảng Tuần Châu đều chung một số phận "chờ chết". 

Chị Hậu cho biết, cuối tháng 8/2020, chị mới đóng xong 3 chiếc tàu vỏ thép với giá trị khoảng 18 tỷ đồng, những tưởng dịch COVID-19 sẽ được ngăn chặn và chấm dứt để những chiếc tàu mới này được phục vụ khách du lịch tham quan vịnh Hạ Long từ năm 2021. Tuy nhiên giáp Tết Nguyên đán, dịch bệnh lại bùng phát trở lại khiến chị Hậu xót xa khi nhìn cảnh hàng trăm con tàu đậu im lìm trong cảng. 

Càng tàu khách quốc tế Tuần Châu im lìm, không một bóng người giữa đợt COVID-19 lần thứ 4. 

Trong khi đó, chia sẻ với PV VTC News, Ông B.Đ.L, Giám đốc Công ty H.H cho biết, doanh nghiệp của ông hiện có 5 tàu du lịch và một số tàu đang đầu tư đóng mới dở dang với mức 30 tỷ đến 80 tỷ đồng/tàu. Nhân sự vận hành trên tàu lưu trú ngủ đêm trên vịnh Hạ Long từ 30-50 người/ tàu. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay doanh nghiệp đã cắt giảm còn 10-15 nhân sự/tàu. Những nhân sự này doanh nghiệp cũng có chính sách giảm lương để giảm chi phí.

Khó khăn lớn nhất doanh nghiệp phải đối mặt hiện nay là nguồn kinh phí đóng tàu vay ngân hàng, chưa kể hàng ngày vẫn phải duy trì các chi phí thường xuyên, nộp thuế, phí, lệ phí bến cảng và BHXH cho nhân viên.

“Tính từ năm 2020 đến nay, chúng tôi phải chịu thiệt hại rất nặng nề. Nếu khách sạn, nhà hàng, hàng không hoặc các phương tiện vận tải trên bờ vẫn được hoạt động thì tàu du lịch gần như bị cấm hoàn toàn. Trong khi đó, các nguồn chi phí thì chúng tôi vẫn phải chi trả thường xuyên. Doanh nghiệp của tôi đã bị mất hàng chục tỷ đồng chỉ trong hơn 1 năm qua".

Những tàu ngủ đêm có giá hàng chục tỷ đồng được doanh nghiệp đầu tư giờ nằm im lìm.

Chúng tôi mong muốn Chính phủ cũng như ngành ngân hàng đồng hành cùng, khoanh nợ, giãn nợ và kéo dài thời gian phải trả nợ. Hiện tại chúng tôi không còn đủ khả năng để trả nợ. Đồng thời, có chính sách ưu đãi đặc biệt cho chúng tôi sau khi dịch COVID-19 chấm dứt, cho chúng tôi được tiếp cận các khoản vay phù hợp, ưu đãi nhất để chúng tôi có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Ngoài ra, mong ngành Thuế có chính sách giãn thuế cho chúng tôi được nợ thuế cũng như nợ BHXH”, ông B.Đ.L. bày tỏ.

Doanh nghiệp yếu lắm rồi!

"Doanh nghiệp yếu lắm rồi, gần như sắp đổ bể hết bởi đa số các tàu du lịch đều vay vốn ngân hàng, giờ tuy khó khăn thiệt hại nhưng vẫn phải xoay xở để thanh toán", ông Nguyễn Văn Phượng – Phó Chi hội tàu du lịch Hạ Long, thành viên Hiệp hội du lịch Quảng Ninh chia sẻ.

Ông Phượng cho biết, những năm gần đây, các doanh nghiệp Quảng Ninh toàn đóng mới những con tàu du lịch đẳng cấp, trong đó có 100 cái có giá trị lớn từ vài chục tỉ đến hơn 200 tỉ đồng. Số tiền này chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh đều phải vay ngân hàng. Khi đầu tư, doanh nghiệp hy vọng đưa tàu vào khai thác để thu hồi vốn và trả lãi, trả nợ vốn vay. Ngờ đâu, từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của COVID-19, các doanh nghiệp thường xuyên lâm vào cảnh đóng cửa, khó khăn nối tiếp khó khăn, nợ chồng nợ.

Những chiếc du thuyền hàng chục tỷ đồng khiến doanh nghiệp nợ chồng nợ.

Theo ông Phượng, sau mỗi một lần dừng hoạt động và khởi động lại phải mất trên 1 tháng thì lúc đó mới có lác đác khách du lịch. Khi khởi động lại, tất cả vốn liếng đều được dồn cho 1 tàu. Do lâu ngày không chạy, thân tàu bị hà bám nhiều, doanh nghiệp phải tân trang, sơn lại thì tàu mới bắt đầu hoạt động được. “Khổ nỗi, tàu ra vịnh hoạt động không được bao lâu thì lại phải dừng, doanh nghiệp giờ không còn khả năng để cầm cự”, ông Phượng chia sẻ.

Khách nước ngoài hiện không có, lại bị dừng hoạt động liên tục thì lấy đâu ra khách, lấy đâu ra tiền trả nợ ngân hàng? Hơn 1 năm nay, có đồng nào dự phòng thì đến bây giờ là hết rồi, không còn tiền, không còn cái gì”, ông Phượng than thở.

Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai do Tập đoàn Sungroup đầu tư hiện đại bậc nhất Việt Nam, đón được cac siêu du thuyền thế giới ghé thăm, giờ đang "cửa đóng then cài".

Ông Phượng cho biết, hiện đã có nhiều hộ kinh doanh không thể cầm cự được phải bán tàu,nhưng bán cũng không mấy ai mua vì không có khách du lịch.

Nếu như nhà nước, Chính phủ không có cơ chế đặc thù hỗ trợ thì các tàu du lịch có nguy cơ chết hẳn”, ông Phượng kiến nghị.

Minh Khang

Tin mới