Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM, cho biết, những địa phương đã gửi danh mục tuyến đường đủ điều kiện sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè gồm quận 1, quận 3, quận 5, quận 10 và huyện Bình Chánh.
5 tuyến đường ở TP.HCM đã đủ điều kiện thu phí vỉa hè, lòng đường.
Theo ông Đường, đơn vị đang rà soát, nghiên cứu thí điểm 5 tuyến đường đủ điều kiện để làm bãi đậu xe dưới lòng đường có thu phí.
Liên quan đến việc sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, các tuyến đường, khu vực có nhu cầu sử dụng lòng đường, hè phố cao sẽ được ưu tiên chọn thí điểm như các khu vực trung tâm.
Cũng theo Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, vịêc nghiên cứu thí điểm 5 tuyến đường đủ điều kiện để làm bãi đậu xe dưới lòng đường có thu phí sẽ góp phần giải quyết nhu cầu gửi xe của người dân ở các khu vực này.
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết thêm, sau khi có kế hoạch chi tiết, Sở sẽ tổ chức đấu thầu đơn vị thu phí và dự kiến nộp vào ngân sách thành phố trung bình khoảng 30 tỷ đồng/năm. Về mức phí giữ xe, doanh nghiệp trúng thầu không được phép thu cao hơn mức giá trần mà UBND TP.HCM quy định.
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cũng đề nghị các địa phương công bố công khai đến người dân về danh mục tuyến đường cho phép để tự quản.
"Các địa phương cần rà soát và công bố ngay những tuyến đường được phép để xe tự quản là không thu phí nhưng phải minh bạch. Cụ thể, vỉa hè nếu như không công bố thì đồng nghĩa với việc chỉ dành cho đi bộ và lưu thông. Chỗ nào để xe tự quản của người dân, doanh nghiệp thì địa phương phải công bố sớm để người dân được biết đây là điểm gửi xe tự quản và không phải mất phí.
Còn ngoài ra những chức năng khác đều phải có phép và phải đóng phí hoặc không đóng phí tuỳ theo tuỳ theo chức năng", ông Trần Quang Lâm nói.
Thu phí vỉa hè góp phần lập lại trật tự, mỹ quan đô thị
Việc thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè nhằm hoàn chỉnh các quy định trong công tác quản lý nhà nước, góp phần lập lại trật tự và mỹ quan đô thị, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.
Qua đó, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố; bảo đảm giao thông an toàn, vệ sinh môi trường đô thị; có cơ sở khai thác hiệu quả lòng đường, hè phố, phù hợp với đặc thù đô thị TP.HCM.
Đồng thời bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố.