Ngay sau khi kiểm soát được dịch COVID-19, cùng với các cơ chế, chính sách đặc thù, ngành Y tế không ngừng nỗ lực triển khai nhiều chính sách thiết thực hướng đến mục tiêu tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Cùng điểm lại một số sự kiện y tế nổi bật trong suốt thời gian qua.
Dịch COVID-19 bùng phát bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn trong công tác khám chữa bệnh do thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, dịch vụ khám chữa bệnh, nguyên liệu làm thuốc.
Trước bối cảnh đó, đầu tháng 1/2023, Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường để thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Việc thông qua luật hết sức cần thiết, kỳ vọng giải quyết được các vấn đề cấp bách trong đời sống hiện nay là đảm bảo việc khám, chữa bệnh, điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm có 12 Chương, 121 Điều quy định về quyền, nghĩa vụ của người bệnh; người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh.
Luật quy định về khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận; chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh...
Các đại biểu bấm nút thông qua Luật khám chữa bệnh (sửa đổi). (Ảnh: QH)
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), SARS-CoV-2 vẫn là virus có tốc độ lây truyền nhanh. Tuy nhiên, tại Việt Nam, số ca mắc và tỷ lệ tử vong giảm mạnh, tương đương hoặc thấp hơn tỷ lệ tử vong của một số bệnh truyền nhiễm nhóm B trong 5 năm gần đây như sốt xuất huyết, sốt rét, bạch hầu, ho gà.
Theo các chuyên gia y tế, COVID-19 hiện đáp ứng các tiêu chí thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B theo quy định tại Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Từ những lý do trên, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế ký quyết định số 3896 quyết định chuyển COVID-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A mà chuyển sang thuộc nhóm B của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
Quyết định của Bộ Y tế nêu rõ, điều chỉnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B theo quy định Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
Theo đó, các hoạt động phòng, chống COVID-19 được thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.
Ngày 3/3 Chính phủ ban hành Nghị định số 07 về quản lý trang thiết bị y tế. Nghị định là căn cứ để các cơ sở y tế, doanh nghiệp xác định trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ nhằm góp phần cung cấp cho ngành y tế trang thiết bị có chất lượng, đúng giá trị và sử dụng hiệu quả.
Theo các bệnh viện, nghị định ra đời, một phần vướng mắc trong công tác mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế đã được giải quyết.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi) với nhiều điểm mới được thay thế, bổ sung so với quy định hiện hành.
Luật mới này dành một chương riêng để quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm và thiết bị y tế.
Các quy định mới kể trên được áp dụng theo hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở y tế công lập trong việc quyết định mua sắm thuốc, thiết bị y tế, tạo thuận lợi cho hoạt động mua thuốc, thiết bị y tế có tính đặc thù, phù hợp với hoạt động chuyên môn của ngành y tế.
Bên cạnh đó, giải quyết những vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, thiết bị, vật tư y tế đã phát sinh trong thời gian qua như: Bổ sung quy định nhằm giải quyết triệt để vướng mắc trong việc mua hóa chất kèm theo yêu cầu nhà thầu phải cung cấp thiết bị y tế để sử dụng hóa chất đó (“mô hình máy đặt, máy mượn”).
Luật ra đời cũng giúp hoàn thiện quy định ưu đãi thuốc cho sản xuất trong nước theo hướng vừa đảm bảo quyền lợi của người bệnh trong tiếp cận thuốc có chất lượng tốt, vừa khuyến khích doanh nghiệp đầu tư dây chuyền công nghệ, nguyên liệu để sản xuất thuốc chất lượng. Các quy định thanh toán chi phí mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.
Chính phủ ban hành Nghị định số 75 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Nghị định mới này có những quy định mang tính đột phá, gỡ được các "nút thắt" vướng mắc trong cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Từ đó giúp tạo thuận lợi cho công tác khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Nghị định 75 cũng bổ sung, nâng mức hưởng từ 80% lên 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho một số nhóm đối tượng là người có công với cách mạng.
Với những người phục vụ người có công với cách mạng sống ở gia đình nâng mức hưởng từ 80% lên 95% chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Nhân viên y tế thăm khám cho người bệnh. (Ảnh: Như Loan)
Bộ Y tế quyết liệt chỉ đạo các đơn vị, địa phương, phối hợp Bộ, ban ngành liên quan, đẩy mạnh các hoạt động đảm bảo nguồn cung vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Trong quá trình chờ hoàn tất các thủ tục mua sắm vaccine theo nguồn ngân sách nhà nước, Bộ Y tế chủ động tìm nguồn viện trợ, tài trợ vaccine từ các tổ chức Quốc tế, trong nước cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Cuối tháng 8/2023, được sự viện trợ, tài trợ từ WHO, UNICEF và các tổ chức khác, Bộ Y tế đã tiếp nhận 258.000 liều vaccine 5 trong 1. Chính phủ Australia sẽ viện trợ cho Việt Nam 490.600 liều vaccine 5 trong 1.