Trong một cuộc khảo sát, các nha sĩ đều cho biết, họ đã thấy sự gia tăng các vấn đề sức khỏe răng miệng phổ biến trên diện rộng, bao gồm đau răng, ê buốt, tích tụ mảng bám, bệnh viêm nướu và sâu răng.
Đôi khi, đã quá muộn để chúng ta có thể khắc phục tình trạng răng miệng của mình. Nhiều người coi việc đánh răng hằng ngày là chuyện nhỏ, đơn giản nhưng đó là việc làm có tác động không nhỏ đến trình trạng sức khỏe răng miệng của chính chúng ta.
Payal Bhalla, một nha sĩ tại Phòng khám Nha khoa Quest Dental Ipswich (Vương Quốc Anh), đưa ra 5 sai lầm phổ biến khi đánh răng mà ai cũng từng mắc phải, bao gồm:
1. Đánh răng quá nhanh
Các chuyên gia nha khoa đưa ra lời khuyên, mỗi người nên đánh răng 2 lần/ngày, mỗi lần 2 phút kèm theo sử dụng chỉ nha khoa. Nếu muốn bảo vệ sức khỏe răng miệng tốt hơn, bạn có thể thực hiện thêm việc súc miệng mỗi ngày 1 lần.
Đánh răng 2 phút/lần và 2 lần/ngày để có thể bảo vệ sức khỏe răng miệng.
Hầu hết, việc đánh răng từ 2-3 phút 2 lần/ngày là khá khó, nhưng điều này có thể giúp bạn tiết kiệm thời gian và chi phí với các vấn đề răng miệng sau này, chẳng hạn như sâu răng, viêm nướu răng hoặc mảng bám ố vàng trên răng.
Nha sĩ Payal nói: “Đúng vậy, tất cả chúng ta đều rất vội vào buổi sáng, tuy nhiên, việc dành thời gian cho thói quen vệ sinh răng miệng là điều bắt buộc và cần thiết.
Thông thường, mọi người dành thời gian đánh răng rất ngắn - trong khoảng 30s. Trong khi đó, đánh răng trong 2 phút theo nguyên tắc chung được xem là khoảng thời gian phù hợp.
Bạn cần đảm bảo chải từng chiếc răng một cách hiệu quả và loại bỏ mọi mảng bám và mảnh vụn thức ăn còn sót, và quá trình này có thể mất ít nhất là 2 phút".
2. Không chải lưỡi
Làm sạch lưỡi không chỉ quan trọng đối với sức khỏe răng miệng mà còn giúp bạn ngăn ngừa bệnh hôi miệng.
Lưỡi được bao phủ bởi những mụn nhỏ gọi là u nhú. Vi khuẩn và thức ăn có thể mắc kẹt giữa chúng khiến lưỡi có màu trắng hoặc có lông. Sự tích tụ này, không có gì đáng ngạc nhiên, có thể gây hôi miệng.
Payal nói: “Sau khi đánh răng, hãy chải lưỡi để loại bỏ cặn bẩn bám trên lưỡi. Bạn cũng có thể sử dụng nước súc miệng vì nó sẽ giúp làm sạch toàn bộ khoang miệng và lưỡi, đồng thời loại bỏ vi khuẩn và mảng bám còn sót lại”.
Thực tế, chúng ta cũng có thể làm sạch lưỡi bằng dụng vệ sinh lưỡi như cạo lưỡi.
3. Bàn chải đánh răng quá cứng
Khi đánh răng, bạn hãy tập trung vào chuyển động hơn là dùng sức lực.
Payal nói: “Nhiều người nghĩ rằng, họ cần phải đánh răng thật mạnh để loại bỏ mảng bám, nhưng đó là về chuyển động và hướng khi chải chứ không phải sức lực.
Hơn nữa, đánh răng quá mạnh có thể gây tổn thương men răng, làm mòn men răng và cũng có thể gây ê buốt răng hoặc các vấn đề về nướu vì chải mạnh hoặc quá mạnh có thể khiến nướu bị tụt hoặc chảy máu”.
Tổn thương men răng có thể dẫn đến ê buốt răng, thưa răng và đổi màu răng. Kỹ thuật chải răng đúng cách là sử dụng các chuyển động vòng tròn nhỏ ở phía trên, phía sau và phía trước của răng, đồng thời không quên chải nướu.
4. Đánh răng cùng 1 vị trí
Đánh răng sai cách đẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Payal nói rằng, mỗi ngày bạn nên thay đổi vùng miệng lúc bắt đầu và kết thúc khi đánh răng.
“Nếu bạn luôn đánh răng theo cùng một kiểu mỗi ngày, chẳng hạn như bắt đầu ở phía trên bên trái và kết thúc ở phía dưới bên phải, thì rất có thể sẽ bỏ sót vài chỗ", Payal cảnh báo.
Để ngăn chặn điều này, bạn nên thay đổi cách đánh răng. Tốt nhất, bạn nên tập trung vào việc đánh răng để đảm bảo răng được làm sạch đúng cách và không có chỗ nào bị bỏ sót.
5. Không thay bàn chải thường xuyên
Bạn có nhớ lần cuối cùng thay bàn chải đánh răng của mình là khi nào không? Payal khuyến cáo: “Tốt nhất, bạn nên thay bàn chải 3 tháng một lần. Nếu bạn sử dụng bàn chải đánh răng điện thì đầu bàn chải cũng nên được thay thường xuyên.
Sử dụng bàn chải đánh răng quá 3 tháng là không hợp vệ sinh. Thêm vào đó, hầu hết bàn chải đánh răng thủ công sẽ mất tác dụng sau một khoảng thời gian nhất định”, cô nói thêm, nếu lông bàn chải đánh răng bung ra và bị biến dạng dạng thì đây là lúc bạn nên mua cái mới để thay thế.