Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

5 máy bay quân sự giúp Mỹ đối phó Nga và Trung Quốc

(VTC News) -

Quân đội Mỹ hiện có ít nhất 5 chương trình máy bay chiến đấu thế hệ mới đang được phát triển giúp Washington đối phó cùng lúc cả Nga và Trung Quốc.

Với mục tiêu tập trung vào việc kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương và nguy cơ an ninh từ Nga ở châu Âu, quân đội Mỹ hiện có ít nhất 5 máy bay quân sự bí mật cho phép Washington đạt được mục tiêu kiềm chế đối thủ.

Các chương trình này bao gồm từ máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo, máy bay không người lái sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cho đến máy bay tấn công không người lái siêu thanh.

Cùng với sự phát triển của các hệ thống radar cảnh giới và phòng không tiên tiến, không quân Mỹ tin rằng ngay cả chiếc tiêm kích tàng hình F-22 Raptor mạnh nhất cũng không còn đủ khả năng sống sót trước một kẻ thủ ngang hàng với Washington.

Xuất phát từ lý do đó, Mỹ cần một loạt máy bay chiến đấu tấn công và phòng thủ mới để tiếp tục thống trị bầu trời trước nhiều loại máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tàng hình mới đang được Nga và Trung Quốc hối hả phát triển.

Để đối phó với mối đe dọa kép từ hệ thống phòng không và máy bay chiến đấu ngày càng mạnh mẽ của kẻ thù, Mỹ hiện có hai chương trình máy bay ném bom tàng hình khác nhau nhưng có cùng nền tảng phát triển ban đầu. Bên cạnh đó là hai chương trình máy bay chiến đấu tàng hình có mối liên hệ tương tự.

 NGAD không đặt ra mục đích phát triển một máy bay phản lực duy nhất, mà là cả một nhóm hệ thống có thể trải rộng trên nhiều khung máy bay. (Ảnh: Defense News)

Máy bay Chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo (NGAD)

NGAD là chương trình Chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo của không quân Mỹ. Điểm khác biệt của nó so với các mẫu chiến đấu cơ trước đây là khả năng triển khai máy bay không người lái (UAV) đi kèm.

Không giống như những chương trình chế tạo máy bay chiến đấu mới, NGAD không đặt ra mục đích phát triển một máy bay phản lực duy nhất, mà là cả một nhóm hệ thống có thể trải rộng trên nhiều khung máy bay. Nó bao gồm một loạt máy bay không người lái hỗ trợ sẽ bay cùng với máy bay chiến đấu có người lái.

NGAD sẽ chuyên về không chiến với mục tiêu đã nêu rõ là kiểm soát không phận đối phương. Tuy nhiên, giống như hầu hết các máy bay chiến thuật hiện đại, chiến đấu cơ này vẫn có thể thực hiện các nhiệm vụ mở rộng khác.

Theo ước tính của không quân Mỹ, mỗi chiếc NGAD sẽ có giá khoảng 200 triệu USD, chi phí cho các UAV cỡ nhỏ đi kèm sẽ từ 1,3 triệu USD trong giai đoạn đầu đưa vào trang bị. Con số này sẽ giảm xuống còn 100 triệu USD mỗi chiếc sau khi NGAD được biên chế đầy đủ (tương đương tiêm kích tàng hình F-35A).

Nguyên mẫu máy bay ném bom tàng hình B-21 Raider. (Ảnh: Không quân Mỹ)

B-21 Raider: Máy bay ném bom tàng hình tiếp theo

Không quân Mỹ coi B-21 Raider là “xương sống” của lực lượng máy bay ném bom chiến lược trong tương lai và là yếu tố chủ chốt trong kho vũ khí của Mỹ trong nửa thế kỷ tới.

Siêu phẩm B-21 Raider thể hiện sự cống hiến và kỹ năng của hàng nghìn người đang làm việc để xây dựng một tương lai an toàn hơn”, đó là lời thuyết minh của nhà sản xuất vũ khí Northrop Grumman (Mỹ) tại lễ ra mắt hoành tráng và ấn tượng hồi đầu tháng 12 vừa qua. Kể từ thời điểm này, máy bay ném bom tàng hình B-21 Raider đã trở thành “thỏi nam châm” thu hút sự chú ý của dư luận thế giới, bất chấp mức giá đắt đỏ lên tới gần 700 triệu USD mỗi chiếc.

Theo Defense News, B-21 Raider là loại máy bay ném bom chiến lược công nghệ cao, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, có thể cất cánh mà không cần phi hành đoàn. Sự ra đời của B-21 Raider đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc định hình lại lực lượng máy bay ném bom đang suy yếu của không quân Mỹ, nhất là trong bối cảnh Washington đang muốn phô trương sức mạnh quân sự như một thông điệp răn đe gửi tới các đối thủ của mình.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, tầm hoạt động của B-21 Raider cho phép máy bay ném bom thực hiện nhiệm vụ mà không cần phải tập kết gần thực địa, cũng như không cần hỗ trợ hậu cần trong quá trình hoạt động. Khả năng tàng hình của nó có nghĩa là “ngay cả những hệ thống phòng không tinh vi nhất cũng sẽ phải vật lộn để phát hiện B-21 Raider trên bầu trời”.

Công nghệ kiến trúc mở giúp B-21 Raider có khả năng thích ứng cao, dễ dàng được cập nhật và có thể kết hợp với "các loại vũ khí mới thậm chí còn chưa được phát minh ra". B-21 Raider là loại chiến đấu cơ đa năng, có thể được sử dụng để thu thập thông tin tình báo, trinh sát, giám sát, tấn công điện tử, liên lạc...

Là một phần của chương trình NGAD, F/A-XX được phát triển riêng cho hải quân Mỹ. (Ảnh: Rodrigo Avella)

F/A-XX: Máy bay chiến đấu tàng hình mới

F/A-XX là một trong số các hệ thống được phát triển trong chương trình Chiếm ưu thế trên không thế hệ kế tiếp (NGAD) của hải quân Mỹ. Không quân nước này cũng có một chương trình với tên gọi tương tự. Đến nay, các thành phần của NGAD hầu như được giữ kín, gồm cả việc phát triển F/A-XX.

Tuy nhiên, theo tài liệu "Tầm nhìn không lực hải quân 2030 - 2035" được công bố hồi năm 2021, hải quân Mỹ dự tính thay thế các chiến đấu cơ F/A-18 E/F Super Hornet đang hoạt động trên các tàu sân bay bằng F/A-XX vào thập niên 2030.

Bên cạnh sự tăng cường cần thiết về khả năng tàng hình và chia sẻ dữ liệu mà Mỹ ưu tiên trong các chương trình máy bay chiến đấu mới, F/A-XX của hải quân Mỹ cũng sẽ cần mang lại sự gia tăng đáng kể về tầm hoạt động so với F/A-18 E/F và F-35C hiện đang được biên chế.

Ở Thái Bình Dương và cùng biển lân cận Trung Quốc, tàu sân bay Mỹ dường như đang gặp rào cản về tầm hoạt động khi chúng nằm trong tầm bắn của tên lửa Bắc Kinh. Trong đó các thế hệ tên lửa Dongfeng đều lớn hơn 1.500 km trong khi các máy bay của hải quân Mỹ như F/A-18E và F-35C có bán kính chiến đấu chỉ hơn 1.000 km.

Điều đó có nghĩa là các tàu sân bay Mỹ  không thể di chuyển đủ gần Trung Quốc để thực hiện các phi vụ chiến đấu mà không đặt các tàu sân bay vào nguy cơ bị đánh chìm.

F/A-XX dự kiến ​​sẽ giải quyết khoảng cách năng lực này với khả năng mang theo nhiều nhiên liệu hơn kết hợp với hệ thống động cơ phản lực mới.

Hải quân Mỹ vẫn chưa công bố ước tính chi phí cho F/A-XX nhưng nó có thể sẽ có giá tương đương với NGAD.

Máy bay ném bom không người lái một giải pháp giúp không quân Mỹ mở rộng tầm tác chiến cho các phi đội B-21.

Máy bay ném bom tàng hình không người Wingman

Trong bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị chuyên đề về tác chiến năm 2022, Bộ trưởng không quân Mỹ Frank Kendall tiết lộ rằng Mỹ đang lên kế hoạch phát triển một thế hệ máy bay ném bom tàng hình không người lái. Điều đặc biệt là mẫu máy bay này có thể thực hiện các nhiệm vụ tương tự các dòng máy bay ném bom có người lái.

Mục tiêu của Mỹ khi phát triển UAV ném bom là dọn đường cho các máy bay ném bom B-21 trước các chiến dịch không kích quy mô lớn.

Dựa trên yêu cầu của không quân Mỹ gửi cho các nhà thầu quốc phòng, UAV ném bom phải có khả năng cất cánh tối thiểu 1,8 tấn và có tầm hoạt động hơn 2.400 km. Tuy nhiên nhiều chuyên gia quân sự nhận định tầm hoạt động của UAV này thấp nhất cũng phải bằng B-21 nếu muốn đóng vai trò hỗ trợ tác chiến tầm xa.

Mẫu máy bay ném bom không người lái này có giá ước tính lên đến 300 triệu USD mỗi chiếc, bằng một nửa giá của mỗi chiếc B-21. Dù vậy giá trị chúng mang lại sẽ lớn hơn nhiều các dòng chiếu cơ tàng hình thông thường.

Với việc B-21 dự kiến ​​sẽ thay thế  cả  B-2 Spirit và B-1B Lancer, Mỹ nên xem xét trang bị các máy bay ném bom tàng hình không người lái rẻ hơn như một sự bổ sung cho phi đội máy bay ném bom thế hệ tiếp theo của mình.

Chương trình này vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, các quan chức không quân Mỹ hiện đang đánh giá hệ thống nào của B-21 nên được chuyển sang máy bay không người lái tàng hình và hệ thống nào không thể do hạn chế về chi phí.

Mayhem là chương trình phát triển phương tiện bay siêu thanh bí ẩn nhất của không quân Mỹ.

UAV tàng hình siêu thanh

Ẩn mình trong danh sách dài các chương trình vũ khí siêu thanh được Lầu Năm Góc đổ hàng tỷ USD vào trong vài năm trở lại gần đây là Chương trình UAV siêu thanh Mayhem.

Mayhem do Phòng thí nghiệm nghiên cứu không quân thực hiện, trong đó bao gồm cả phát triển một hệ thống động cơ đẩy phản lực hai chu kỳ.

Mặc dù Mayhem thường được xem như một chương trình tên lửa nhưng các yêu cầu phát triển phương tiện siêu thanh này cho thấy nó mang thiết kế của một UAV siêu thanh không người lái có thể tái sử dụng.

Mục tiêu của không quân Mỹ với Mayhem là thực hiện các nhiệm vụ tấn công, thu thập tình báo.

Nói cách khác, Mayhem là một phương tiện bay sử dụng động cơ phản lực có thể thực hiện các hành trình bay từ cận âm cho đến siêu thanh.

Mỹ hiện có UAV Reaper và Global Hawk phụ trách trinh sát, cả hai đều không thể thực hiện nhiệm vụ ở tốc độ cao. Mayhem sẽ lấp đầy khoảng trống này.

Trong quá khứ từng xuất hiện máy bay trinh sát siêu nhanh, nổi tiếng nhất là SR-71 Blackbirds, A-12 và U-2.

Sự phát triển của công nghệ giúp chương trình Mayhem hứa hẹn hơn những người tiền nhiệm. Ví dụ như loại bỏ phi công cũng giúp thu nhỏ kích thước tổng thể, cho phép máy bay không bị ràng buộc bởi việc phải giữ mạng sống cho con người.

Hệ thống trinh sát hình ảnh, công nghệ xử lý và truyền dữ liệu không dây đều được cải tiến mạnh mẽ trong nhiều thập kỷ qua cho phép chụp và lưu trữ hình ảnh chất lượng cao mặc dù chụp ảnh rõ nét ở tốc độ cao còn gặp trở ngại.

Trà Khánh (Tổng hợp)

Tin mới