Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 21/6, giá xăng tại Việt Nam chính thức tạo nên kỳ lục cao nhất từ trước tới nay. Thời điểm đó, xăng RON95 là 32.870 đồng/lít, xăng E5 RON92 ở mức 31.300 đồng/lít.
Kể từ đó đến nay, giá xăng đã trải qua 5 kỳ điều chỉnh giảm liên tiếp để trở về mức 23.000 đồng/lít và đứng trước khả năng giảm tiếp lần thứ 6. Nhìn lại 5 lần điều chỉnh giá xăng gần nhất để tìm ra nguyên nhân khiên giá xăng tại Việt Nam liên tục giảm.
Gía xăng giảm gần 10.000 đồng/lít sau 5 lần giảm liên tiếp.
Kỳ điều hành giá xăng dầu hôm 1/7, giá xăng chính thức quay đầu giảm nhẹ sau 7 lần tăng liên tục.
Cụ thể, giá xăng E5 RON92 giảm 411 đồng/lít, giá bán ra không cao hơn 30.891 đồng/lít còn xăng RON95 giảm 110 đồng, giá bán ra không cao hơn 32.763 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu diesel giảm 404 đồng, bán ra không cao hơn 29.615 đồng/lít. Dầu hỏa giảm 432 đồng, xuống 28.353 đồng/lít. Dầu mazut giảm 1.013 đồng, bán ra không cao hơn 19.722 đồng/kg.
Tại thời điểm này mỗi lít xăng, dầu tại Việt Nam vẫn chịu 4 loại thuế gồm: thuế nhập khẩu 10%; thuế tiêu thụ đặc biệt (xăng RON 95 là 10%, E5 RON 92 là 8%, không thu thuế với các loại dầu); thuế bảo vệ môi trường (1.900 - 2.000 đồng với xăng; 1.000 đồng/1 lít với dầu) và thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%. Ngoài ra, còn có khoản lợi nhuận định mức 300 đồng mỗi lít xăng, dầu và chi phí định mức 1.050 - 1.250 đồng một lít xăng; 600 - 950 đồng một lít, kg, tùy loại dầu.
Như vậy sau nhiều lần tăng giá đến mức kỷ lục, giá xăng có tín hiệu tích cực khi quay đầu giảm giá. Nhưng thời điểm này, người tiêu dùng vẫn cho rằng mức giảm quá ít. Còn nhiều chuyên gia cho rằng cần giảm thêm nhiều loại thuế phí để kìm giá xăng dầu.
Ngay tại kỳ điều hành tiếp theo, ngày 11/7, liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giảm mạnh giá xăng dầu, thực hiện đồng bộ với việc áp dụng điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, xăng E5RON92 có giá 27.788 đồng/lít, sau khi giảm 3.103 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Xăng RON95-III giá 29.675 đồng/lít, sau khi giảm 3.088 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành.
Dầu diesel 0.05S có mức giá 26.593 đồng/lít, giảm 3.022 đồng/lít; dầu hỏa có mức giá 26.345 đồng/lít, sau khi giảm 2.008 đồng/lít; dầu madut 180CST 3.5S có mức giá 17.712 đồng/kg, sau khi giảm 2.010 đồng/kg.
Nhà điều hành đã thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá với các loại xăng ở mức 950 đồng/lít và dầu diesel ở mức 550 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 800 đồng/lít, dầu madut ở mức 950 đồng/kg. Đồng thời thực hiện dừng chi sử dụng quỹ bình ổn giá.
Giá xăng giảm mạnh trong lần giảm thứ 2 về dưới mức 30.000 đồng/lít, tuy nhiên vẫn còn ở mức cao. Nguyên nhân được cho là do giá dầu thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khiến giá xăng dầu nhập khẩu vào nước ta vẫn còn cao.
Tiếp đó, ngày 21/7, giá xăng tiếp tục giảm mạnh trong lần giảm thứ 3 liên tiếp. Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới giảm và các nhà điều hành triển khai Nghị quyết của Quốc hội về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu… giá xăng trong nước đã giảm tới hơn 3.600 đồng/lít.
Cụ thể, giá xăng RON95 giảm 3.605 đồng/lít, về mức 26.070 đồng/lít; giá xăng E5 RON92 giảm 2.715 đồng/lít, về mức 25.073 đồng/lít.
Tương tự, dầu diesel giảm 1.735 đồng/lít, giá bán ra không cao hơn 24.858 đồng/lít. Dầu hỏa giảm 1.099 đồng/lít, còn 25.246 đồng/lít. Dầu mazut không cao hơn 16.548 đồng/kg, tương đương mức giảm 1.164 đồng/kg.
Ở kỳ này, cơ quan điều hành vẫn giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với mặt hàng xăng ở mức 950 đồng/lít, dầu diesel 550 đồng/lít, dầu mazut 950 đồng/kg và dầu hỏa 500 đồng/lít như kỳ điều hành trước đó.
Giá xăng giảm mạnh liên tiếp tạo tín hiệu tích cực cho nền kinh tế trong nước. Những áp lực thị trường liên quan đến xăng dầu cũng giảm rõ rệt. Đây là kết quả của việc nỗ lực giảm nhiều loại thuế phí đối với giá xăng dầu cho các nhà điều hành nghiên cứu và được Chính phủ phê duyệt.
Tại 2 kỳ điều hành gần nhất ngày 1/8 và 11/8, giá xăng tiếp tục giảm nhẹ ở mức 500 đến hơn 900 đồng/lít đưa giá xăng E5 RON92 có giá bán tối đa là 23.725 đồng/lít, xăng RON95 là 24.669 đồng/lít, dầu diesel là 22.908 đồng/lít, dầu hỏa: 23.320 đồng/lít và dầu mazut: 16.548 đồng/kg.
Tương tự, các loại dầu cũng giảm giá. Trong đó, dầu diesel giảm 1.000 đồng/lít, dầu hỏa giảm 1.213 đồng/lít, dầu mazut giữ nguyên giá.
Trong các kỳ điều hành gần đây, cơ quan quản lý đã chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá cho các mặt hàng xăng và dầu với mức chi 100-1.500 đồng/lít. Tuy nhiên, trong kỳ điều chỉnh ngày 11/8, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã không chi, nhưng lại thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với xăng E5 RON 92 ở mức 700 đồng/lít, với xăng RON 95 ở mức 750 đồng/lít. Đồng thời, thực hiện không chi Quỹ Bình ổn giá đối với các loại xăng dầu.
Như vậy, với việc giá xăng dầu thế giới hạ nhiệt, cùng với việc các nhà điều hành triển khai giảm nhiều loại thuế phí đối với xăng dầu, giá xăng trong nước đã giảm tới gần 10.000 đồng/lít, giảm 5 lần liên tiếp trong vòng hơn 1 tháng, quay trở lại tương đương mức giá thời điểm tháng 1/2022.
Tại kỳ điều hành giá tiếp theo vào ngày 21/8, giá xăng dầu đang đứng trước cơ hội có lần thứ 6 giảm giá liên tiếp. Cụ thể, thời điểm 7h ngày 14/8 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ giao dịch ở mức 92,09 USD/thùng, giảm 2,25 USD, tương đương 2,3%. Trong khi đó, giá dầu thô Brent giao dịch ở mức 98,15 USD/thùng, giảm 1,4%, tương đương 1,4 USD.
Với việc giá dầu thế giới giữ mức ổn định dưới 100 USD/thùng, duy trì liên tục giảm nên hỗ trợ giá xăng nhập cũng giảm ổn định. Thông tin từ dữ liệu Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng nhập từ Singapore ở mức 106-107 USD/thùng, tương đương hồi đầu tháng 2. Tại thời điểm đó, giá xăng trong nước ở mức 24.360 đồng/lít. Nếu loại bỏ thuế bảo vệ môi trường 3.300 đồng, giá xăng chỉ còn 21.000 đồng.
Như vậy, sau 5 lần giảm giá liên tiếp, giá xăng dầu trong nước vẫn đứng trước khả năng giảm giá lần thứ 6.