Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

5 hiểu lầm tai hại về những điều cần kiêng cữ khi cho con bú

Trong giai đoạn cho con bú, nhiều mẹ kiêng khem rất kỹ nhưng không phải bất cứ điều kiêng kỵ nào cũng cần thiết.

Dưới đây là những hiểu lầm phổ biến mà nhiều mẹ bỉm sữa mắc phải trong quá trình kiêng khem khi đang cho con bú.

Hiểu lầm 1: Kiêng uống thuốc hoàn toàn

Sự thật là: Bạn không cần thiết phải chịu đựng những cơn đau chỉ vì đang cho con bú. Nghiên cứu của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cho thấy rằng, các loại thuốc giảm đau, hạ sốt như ibuprofen, acetaminophen, và naproxen vẫn có thể dùng được cho các bà mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ. Mặc dù mỗi loại thuốc đều có tỉ lệ phản ứng phụ, tuy nhiên tỉ lệ này rất thấp.

Bên cạnh đó, có một số loại thuốc mà bạn nên tránh sử dụng khi đang cho con bú, như các loại thuốc làm thông mũi có thể khiến cơ thể mẹ giảm tiết sữa, thuốc kháng histamine có thể khiến bạn buồn ngủ và cơ thể giảm khả năng sản xuất sữa.

Điều thông minh nhất mà các bà mẹ nên làm đó là hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc. Việc thận trọng là cần thiết để tránh những rủi ro có thể xảy ra khiến bạn mất sữa.

Hiểu lầm 2: Không được sử dụng sản phẩm khử mũi, giảm tiết mồ hôi

Sự thật là: Có thể bạn nghe nói rằng, thành phần aluminum giúp giảm tiết mồ hôi và ngăn mùi sẽ gây hại cho sữa mẹ. Sự cẩn thận là cần thiết, tuy nhiên theo bác sĩ y khoa Abu-Shamsieh, Phó giáo sư tại trường Đại học California, San Francisco cho rằng: “Không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy một bà mẹ đang cho con bú không được phép dùng các sản phẩm giảm tiết mồ hôi và khử mùi.

Alumium tồn tại cả trong môi trường tự nhiên, chứ không phải chỉ có trong các sản phẩm chăm sóc da. Do đó Aluminum không phải nguyên nhân gây ảnh hưởng tới việc tiết sữa mẹ.

Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý hạn chế sử dụng các sản phẩm có mùi thơm. Bởi chúng thường chứa hương liệu. Mùi thơm có thể lan vào núm vú hoặc gần khu vực núm vú, khiến bé cảm thấy khó chịu và bỏ bú.

Video: Sữa mẹ dưới kính hiển vi tuyệt đẹp gây bão mạng

Hiểu lầm 3: Không được phép uống cà phê

Sự thật là: Nếu bạn cảm thấy quá mệt mỏi với những đêm thức trắng trông con thì đừng ngại tự thưởng cho mình một ly cà phê. Theo bác sĩ Abu-Shamsieh: “Nghiên cứu cho thấy rằng lượng caffeine mà em bé nhận được qua sữa mẹ là rất nhỏ, do đó việc người mẹ uống 1 ly cà phê không ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, nếu bạn uống tới 3 ly cà phê mỗi ngày thì caffeine có thể hấp thụ vào cơ thể bé nhiều hơn, khiến con bồn chồn và cáu gắt”.

Hiểu lầm 4: Cần cắt giảm lượng calo để giảm cân

Sự thật là: Việc cho con bú sẽ giúp bạn tiêu hao đến 500 calo mỗi ngày. Theo bác sĩ Abu-Shamsieh, lượng calo tiêu thụ khi cho con bú đủ để giúp các bà mẹ trở lại cân nặng trước khi mang thai. Vì thế, hãy đảm bảo mình ăn đủ ít nhất 1.800 calo mỗi ngày với đầy đủ các dưỡng chất, nên ăn nhiều trái cây, rau, đậu và thịt nạc.

Điều đó sẽ giúp bạn có đủ sữa cho em bé. Nếu muốn ăn kiêng để giảm cân, bạn chỉ nên áp dụng sau khi sinh 2 tháng để đảm bảo cơ thể bạn đã hoàn toàn phục hồi và có thể tiết sữa đều đặn. Chuyên gia khuyên bạn rằng, hãy lắng nghe cơ thể mình và đảm bảo không bị đói sẽ tốt hơn cho sức khỏe của mẹ.

Hiểu lầm 5: Bạn có thể uống rượu nếu hút sữa và cho con uống bằng bình

Sự thật là: Bạn có thể không muốn từ bỏ rượu và cho rằng một chút rượu sẽ không ảnh hưởng. Tuy nhiên, dù bạn chỉ uống ít thì rượu vẫn gây ảnh hưởng xấu tới sữa mẹ. Theo Tiến sĩ Julie Mennella, nhà nghiên cứu sinh học phát triển ở Monell Chemical Senses Center, Philadelphia cho biết, việc uống rượu sẽ làm giảm khả năng sản xuất sữa của mẹ.

Tệ hơn nữa, theo bác sĩ nhi khoa Laura Riley, giám đốc khoa sản, Bệnh viện đa khoa Massachusetts: rượu là một chất độc thần kinh có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển não bộ của trẻ sơ sinh. Đó là lý do, bác sĩ Laura Riley khuyên rằng: “Cơ thể mỗi người có sự chuyển hóa chất cồn khác nhau và không có cách nào để biết em bé của bạn đang hấp thụ bao nhiêu chất cồn từ rượu mà mẹ uống.

Việc hút sữa ra bình cho con uống cũng không phải là cách hữu hiệu để ngăn chặn việc cơ thể bé hấp thụ cồn trong rượu”. Không khuyến khích bạn uống rượu khi nuôi con, tuy nhiên bạn cũng cần biết những nghiên cứu rõ ràng nói trên.

Như Quỳnh (Theo Parents)

Tin mới