Boeing
Boeing là hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, hãng này đang đứng trước khả năng tuột ngôi vị này sau khi tập đoàn Mỹ cho biết lượng máy bay được giao hàng trong nửa đầu năm nay giảm hơn 1/3 do tàu bay 737 Max bị đình bay kéo dài.
Cụ thể, lượng máy bay mà Boeing giao hàng trong 6 tháng ít hơn so với đối thủ Airbus. Hôm thứ Ba, Airbus cho biết hãng giao được 389 máy bay trong 2 quý vừa qua, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Boeing 737 Max bị đình bay được cất ở Boeing Field, Seatle, Mỹ. Ảnh: Reuters.
Cùng khoảng thời gian đó, Boeing giao hàng 239 máy bay, giảm 37% so với cùng kỳ 2018.
Kết quả này cho thấy Boeing có thể thua Airbus về số lượng máy bay được giao hàng trong cả năm nay. Nếu vậy, đây sẽ là lần đầu tiên trong 8 năm Boeing đánh mất vị trí hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới.
Boeing 737 Max - dòng sản phẩm bán chạy nhất của Boeing đã bị đình bay trên phạm vi toàn cầu sau hai vụ rơi liên tiếp của dòng máy bay này ở Indonesia hồi tháng 10/2018 và ở Ethiopia hồi tháng 3/2019.
Boeing là một trong những công ty hàng không dân dụng và quân sự hàng đầu thế giới với 170.000 nhân viên, phục vụ khách hàng ở 150 quốc gia. Các dòng máy bay mà Boeing sản xuất gồm: 737, 747, 767 và 777 và Boeing Business Jet, với gần 12.000 máy bay phản lực thương mại đang hoạt động trên toàn thế giới.
Airbus
Airbus là một trong những nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới đáp ứng khoảng một nửa hoặc nhiều đơn đặt hàng cho các máy bay chở khách có hơn 100 chỗ ngồi.
Ảnh: Shutterstock.
Airbus có trụ sở chính tại Toulouse, Pháp và 12 địa điểm ở châu Âu đặt tại Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh. Airbus cũng có ba công ty con ở Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.
Airbus hiện có một dòng sản phẩm gồm 14 loại máy bay phản lực có sức chứa từ 100 đến 525 chỗ ngồi. Hơn 9.200 máy bay của hãng đã được đặt hàng trên toàn thế giới.
Bombardier
Ra đời từ rất sớm (năm 1942), hãng sản xuất máy bay đến từ Canada Bombardier phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt của Boeing và Airbus cho đến khi ra đời dòng Cseries mới thực sự lớn mạnh.
Ảnh: The IrishTimes.
Có mặt ở hơn 60 quốc gia trên 5 châu lục, Bombardier là nhà sản xuất máy bay dân dụng lớn thứ ba thế giới. Bombardier hoạt động với hơn 32.500 người trên toàn thế giới.
Cseries của Bombardier là dòng máy bay phản lực tầm dài (100-150 chỗ) có nhiều điểm giống với hai mẫu nổi tiếng Airbus 320 và Boeing 737 nhưng lại tiết kiệm xăng tới 20% và giá cả lại phải chăng.
Embraer
Thành lập năm 1969 tại Brazil, Embraer là niềm tự hào của quốc gia này. Embraer cũng là một trong những hãng sản xuất máy bay có xu hướng cạnh tranh với Airbus và Boeing. Sản phẩm máy bay tư nhân dành cho các doanh nhân và người nổi tiếng của hãng chiếm tới 19% thị trường toàn cầu.
Ảnh: Robb.
Kể từ năm 1996, Embraer đã sản xuất và giao hơn 1.000 chiếc máy bay cho hơn 37 hãng hàng không tại 24 quốc gia.
Comac
Comac - hãng hàng không đến từ Trung Quốc (thành lập vào năm 2008 tại thành phố Thượng Hải) đang được coi là đối thủ tiềm năng lớn đối với các nhà sản xuất máy bay phương Tây. Năm 2015 Comac lần đầu tiên ra mắt thị trường C919 - máy bay dân dụng cỡ lớn đầu tiên do nước này tự nghiên cứu, chế tạo.
Ảnh: Reuters.
C919 gây ấn tượng bởi thiết kế thon gọn và tiết kiệm nhiên liệu. Comac dự kiến sẽ sản suất 2.000 chiếc C919 trong vòng 2 thập kỷ tới, với mục tiêu nắm giữ 10% thị phần toàn cầu đối với loại máy bay thân hẹp. Đó là bước tiến nhanh như chớp bởi vì hãng này vừa mới được thành lập cách đây 10 năm.
Máy bay C919 đã có chuyến bay thử nghiệm đầu tiên thành công vào ngày 5/5/2017. Từ đó tới nay, C919 đã có thêm nhiều chuyến bay thử nghiệm để đạt mục tiêu bay 4.200 giờ an toàn từ nay tới năm 2020 trước khi máy bay được bàn giao cho khách mua.