Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

5 công ty ở Việt Nam nộp hồ sơ xin cấp phép thuốc điều trị COVID-19

Các công ty này đang triển khai sản xuất thuốc kháng virus Molnupiravir. Đây là thuốc kháng virus được sử dụng cho bệnh nhân COVID-19 ở thể nhẹ.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, nước ta chưa có thuốc kháng virus Molnupiravir được cấp số đăng ký lưu hành. Do đó, cơ quan này đang xem xét để trình Chính phủ chấp thuận cho cấp phép loại thuốc này trong tình huống phòng chống dịch khẩn cấp, với một số điều khoản về hồ sơ được rút gọn.

Nếu được Chính phủ đồng ý, dự kiến 5 số đăng ký được cấp cho 5 sản phẩm thuốc Molnupiravir do các công ty dược trong nước sản xuất.

Trước đó, từ tháng 8, Bộ Y tế đưa thuốc này vào chương trình điều trị thí điểm có kiểm soát F0 trong cộng đồng và tại nhà có triệu chứng nhẹ. Theo Cục Khoa học - Công nghệ và Đào tạo, 34 tỉnh, thành sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nhẹ và không triệu chứng tại nhà.

 

TP.HCM là địa phương đầu tiên sử dụng thuốc này. Để đáp ứng nhu cầu điều trị F0 của TP.HCM, Bộ Y tế cấp phát cho địa phương này thêm 5.000 liều thuốc Molnupiravir. Như vậy, Bộ Y tế đã cấp tổng cộng 110.000 liều thuốc này cho thành phố (gồm 50.000 liều Molnupiravir 400 mg Stella Việt Nam và 60.000 liều Molnupiravir 200 mg Optimus Ấn Độ).

Các kết quả báo cáo giữa kỳ của chương trình thí điểm điều trị bằng Molnupiravir do Bộ Y tế triển khai tại 22 tỉnh, thành phố cho thấy sản phẩm này có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị.

Tỷ lê bệnh nhân sử dụng thuốc có kết quả xét nghiệm rRT-PCR sau 5 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 từ 72,1% đến 99,1%.

Tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm rRT-PCR sau 14 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 gần 100%.

Tỷ lệ chuyển nặng rất thấp từ 0,02%-0,06% và không có ca nào dẫn đến tử vong.

Bộ Y tế đánh giá kết quả rất khả quan của chương trình đã đóng góp hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch của TP.HCM và các địa phương có dịch.

Nguồn: Zing News

Tin mới