Theo số liệu mới nhất, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam năm 2023 đã đạt 20,5 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2022. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, giá trị giao dịch thương mại điện tử ước đạt 13,2 tỷ USD, tăng khoảng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến đến năm 2025, con số này sẽ tăng lên 35 tỷ USD, chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Tuy nhiên, đằng sau sự tăng trưởng ấn tượng này là những thách thức không nhỏ về môi trường. "Tăng trưởng nhanh của thương mại điện tử đang dẫn đến sự gia tăng đáng kể lượng rác thải bao bì và vật liệu nhựa" bà Nguyễn Thúy Anh, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, nhận định.
Thực trạng đáng báo động
Theo báo cáo của WWF và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, năm 2023, tổng số gói, kiện hàng hóa ước khoảng 1,84 tỷ đơn vị. Thương mại điện tử Việt Nam sử dụng khoảng 332 nghìn tấn bao bì, trong đó khối lượng bao bì nhựa chiếm tới 171 nghìn tấn. Với tốc độ tăng trưởng trên 25% mỗi năm, dự báo đến năm 2030, lượng rác thải nhựa có thể vượt 800 nghìn tấn.
So sánh với các nước phát triển, tại Hoa Kỳ, mua sắm trực tuyến tốn lượng giấy carton nhiều gấp 7 lần so với mua hàng truyền thống. Tại Hàn Quốc, con số này là 4,8 lần. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc có những giải pháp kịp thời để giảm thiểu tác động môi trường.
Giao hàng phát triển trong thời đại kinh tế số.
Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế số mà còn mang đến nhiều thách thức về môi trường.
Ở Việt Nam, lượng rác thải nhựa từ bao bì và vật liệu đóng gói đang gia tăng đáng kể cùng với sự bùng nổ của các giao dịch trực tuyến. Theo bà Nguyễn Thúy Anh, Cục Thương mại điện tử, Bộ Công Thương: “Phát triển thương mại điện tử không thể chỉ tập trung vào tăng trưởng mà cần hướng đến bền vững, cân bằng giữa ba yếu tố: phát triển kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”.
Trước thực trạng này, “xanh hóa” sàn thương mại điện tử đang trở thành xu hướng tất yếu, là giải pháp không chỉ bảo vệ hành tinh mà còn tạo ra cơ hội cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
Hướng đi mới cho phát triển bền vững
Tại dự thảo Kế hoạch tổng thể phát triển Thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026 – 2030, Bộ công thương nhấn mạnh quan điểm: “Phát triển Thương mại điện tử chú trọng đến phát triển bền vững, hướng đến tối ưu hoá quá trình từ sản xuất, kinh doanh đến trải nghiệm người tiêu dùng bằng các giải pháp có tác động tích cực và cân bằng giữa ba yếu tố phát triển kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”.
Theo thông tin của Bộ Công Thương, có 05 nhóm chủ thể chính trong lĩnh vực này, gồm: các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, người tiêu dùng và các cơ quan truyền thông. Mỗi bên đều có vai trò và trách nhiệm quan trọng trong việc xây dựng và duy trì một hệ sinh thái thương mại điện tử thân thiện với môi trường.
Chính quyền có trách nhiệm nghiên cứu và xây dựng các tiêu chuẩn, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu rác thải nhựa. “Cần có bộ tiêu chuẩn về đóng gói, cũng như hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp”, bà Thúy Anh đề xuất. Cơ quan Nhà nước cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ xanh và khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo trong vận chuyển.
Đồng tình với quan điểm này, chị Bùi Thị Lan - chủ shop thời trang, mỹ phẩm ở Nam Từ Liêm, Hà Nội - cho rằng, hiện nay các shop như chị đóng hàng theo “khả năng” chứ chưa có sự hướng dẫn theo một tiêu chuẩn nào.
“Nếu có tiêu chuẩn thì chúng tôi sẽ đào tạo nhân viên đóng hàng và mình sẽ tiết kiệm được tiền nguyên vật liệu đóng gói” - chị Lan chia sẻ.
Doanh nghiệp thương mại điện tử và nhà vận chuyển: Các sàn thương mại điện tử có thể áp dụng các chính sách khuyến khích mua sắm xanh, chẳng hạn như giảm phí vận chuyển cho các đơn hàng không sử dụng bao bì nhựa. Các nhà vận chuyển cũng có thể tối ưu hoá lộ trình giao hàng để giảm thiểu lượng nhiên liệu tiêu thụ và lựa chọn phương tiện vận chuyển ít phát thải.
Hiệp hội ngành nghề và tổ chức xã hội: Các tổ chức này đóng vai trò cầu nối giữa chính phủ và doanh nghiệp, đồng thời giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về tiêu dùng bền vững. Hiệp hội có thể tổ chức các cuộc thi và trao giải cho những doanh nghiệp có sáng kiến nổi bật trong việc giảm thiểu rác thải.
Ý thức của người tiêu dùng cũng là một phần không thể thiếu trong quá trình xanh hóa thương mại điện tử. “Người tiêu dùng có thể lựa chọn các sản phẩm có nhãn xanh hoặc yêu cầu không sử dụng bao bì nhựa”, bà Thúy Anh cho biết. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu rác thải mà còn tạo áp lực tích cực đến doanh nghiệp.
Anh Nguyễn Văn Vinh, ở Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, trước đây anh ít quan tâm đến rác thải nhựa. Từ ngày chuyển buôn bán lên các kênh online anh mới nhận ra lượng rác khổng lồ từ những gói đồ.
Sách đã bọc lớp nilon mỏng nhưng vẫn cần đến 2 lần túi chống sốc và hộp.
“Nhà tôi bán sách, văn phòng phẩm. Mặt hàng này cần đóng hàng chỉn chu không thì méo móp khách phản ánh nên là cứ hàng gì cũng bọc túi chống sốc mấy lớp. Tôi cũng đang tìm hiểu những cách để giảm chất liệu nhựa trong đóng gói như có bạn nói với tôi là cái phần lớp lót có thể dùng bằng lá cây sạch thay vì là mình dùng các miếng xốp trắng, tôi thấy cũng hay” - anh Vinh chia sẻ.
Trong 5 nhóm chủ thể này, các kênh truyền thông cần đóng vai trò tiên phong trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng, truyền tải thông tin về lợi ích của thương mại điện tử xanh. “Truyền thông có thể giúp người tiêu dùng nhận thức rõ hơn về tác động của rác thải nhựa và khuyến khích họ tham gia vào chuỗi cung ứng xanh”, bà Thúy Anh nhận định.
Thực hiện các giải pháp “xanh hóa” không chỉ giúp giảm thiểu lượng rác thải nhựa mà còn thúc đẩy hình ảnh của doanh nghiệp. Trong tương lai, khi người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các lựa chọn thân thiện môi trường, những doanh nghiệp thương mại điện tử cam kết bảo vệ hành tinh sẽ là những người dẫn đầu và có được lòng tin của khách hàng.
Để đạt được mục tiêu này, cần có sự đồng bộ trong triển khai các giải pháp từ chính sách đến thực tiễn, từ nhận thức đến hành động của mọi thành phần trong xã hội. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể đảm bảo một tương lai phát triển bền vững cho ngành thương mại điện tử Việt Nam.