Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'5 cán bộ hải quan Hải Phòng chỉ bị khiển trách vì nhận hối lộ như cái tát vào công cuộc chống tham nhũng'

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng khi cuộc chiến chống tham nhũng vào cao trào thì việc 5 cán bộ Hải Quan ở Hải Phòng chỉ bị khiển trách cho hành vi nhận hối lộ như cái tát vào cuộc chiến chống tham nhũng.

Sáng 13/6, phát biểu góp ý cho Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), đại biểu Phạm Trọng Nhân, Bình Dương cho rằng công cuộc phòng chống tham nhũng thời gian vừa qua đã thu được những kết quả bước đầu.

"Chúng ta đau vì mất nhiều cán bộ, chúng ta cũng đau vì tài sản nhà nước bị thất thoát quá nhiều nhưng chúng ta vui mừng vì căn bệnh tham nhũng tưởng như trầm kha mãn tính thì nay đã bắt đầu phản ứng tốt với những phương thuốc đúng liều. Một trong những biệt dược là Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi", đại biểu Nhân nói.

 Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương)

Ông Nhân cho rằng nếu tính tham nhũng là một phương trình có 4 ẩn số thì phải giải cho bằng được 4 ẩn số đó. Đó là không dám, không thể, không cần, không muốn tham nhũng.

"4 ẩn số này đã được Singapore tìm ra để trở thành một trong những đất nước minh bạch nhất thế giới. Phương pháp của họ là làm đúng ngay từ đầu, công khai, minh bạch, không phân biệt công tư và phải rất nghiêm minh bên cạnh các thiết chế độc lập về kiểm toán, kiểm soát, thuế quan...Có thể so sánh 2 quốc gia là khập khiễng nhưng mô hình trên là điều chúng ta kỳ vọng và hướng tới", Phó đoàn đại biểu tỉnh Bình Dương chia sẻ.

Tuy nhiên, khi đọc dự thảo luật, ông Nhân thấy rằng dường như tính khả thi của dự luật vẫn chưa cao.  "Nhiều ẩn số được đánh giá tiếp tục là ẩn số nếu không được giải thích thoả đáng", đại biểu Nhân khẳng định.

Trước hết, về việc không dám tham nhũng, chế định này phải được xem là quan trọng nhất, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật để người ta có ý định run sợ khi nhen nhóm ý định "nhúng chàm".

"Khi cuộc chiến chống tham nhũng vào cao trào thì việc 5 cán bộ Hải Quan ở Hải Phòng chỉ bị khiển trách cho hành vi nhận hối lộ như cái tát vào cuộc chiến chống tham nhũng. Mức kỷ luật này chẳng khác nào việc dung dưỡng cho cái ác, cái xấu tiếp tục lộng hành, gặm nhấm niềm tin của người dân.

Với kỷ luật trên, thì hiểu rằng người ta có dám tham nhũng hay không. Chế định nào đủ sức răng đe hơn để bổ sung trong dự luật này", đại biểu Nhân bày tỏ.

Vị Phó đoàn đại biểu Bình Dương cho rằng phòng chống tham nhũng thực chất là kiểm soát dòng tiền trong xã hội, giám sát nguồn chi tiêu, giám sát nguồn tiền bất thường.

"Nếu chỉ kiểm soát tài sản của người trong diện kê khai mà không kiểm soát tài sản của người thân, vợ con, họ hàng của người đó thì công tác chống tham nhũng không có hiệu quả", đại biểu Nhân nêu ý kiến.

Trong khi đó, chúng ta từng bước xây dựng công dân số nhưng việc liên kết giữa công và tư về quản lý thuế chưa được quan tâm đồng bộ. Vì vậy, nhiều chỗ trong dự luận vẫn còn cắt khúc chưa đồng bộ trong hệ thống.

"Nếu không ứng dụng công nghệ điện tử thì không có nguồn lực nào có thể kiểm soát được dòng tiền trong xã hội", ông Nhân nói.

Về không thể tham nhũng, đại biểu Nhân cho rằng phải cải cách chế độ tiền lương để theo lộ trình đến năm 2021, lương của Bộ trưởng phải trên 35 triệu đồng/tháng.

"Hiện tại, nếu chúng ta làm được 10 đồng thì phải chi 8 đồng duy trì bộ máy. Hai đồng còn lại cũng không thấm vào đâu đối với "cơ thể kinh tế một quốc gia đang tuổi sức ăn, sức lớn".

Hàng loạt vấn đề cần giải quyết, nhất là phải đảm bảo mức lương cho người thực thi công vụ chỉ chuyên tâm cho việc phục vụ lợi ích quốc gia", vị đại biểu Bình Dương nêu ý kiến.

Ông Nhân cũng chỉ ra không hiếm trường hợp doanh nghiệp tặng nhà, xe sang cho quan chức khiến dư luận bức xúc thời gian vừa qua. Vì vậy, nếu dự luật này không mới thì không thể ngăn được những hạn chế trong thời gian qua.

Video: Vì sao vẫn đánh thuế 45% đối với tài sản không giải trình được nguồn gốc?

Minh Đức

Tin mới