Chiều 13/5, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân trong bài phát biểu Bế mạc Hội nghị nhấn mạnh, Hội nghị đã thành công tốt đẹp và đạt được những kết quả quan trọng, trong đó có tuyên bố của đồng chủ tọa Hội nghị. Đây sẽ là căn cứ hợp tác và triển khai các hoạt động trong thời gian tới.
Cũng theo Thứ trưởng, qua 02 ngày làm việc, nhiều báo cáo tham luận và nội dung thảo luận tại các phiên chuyên đề góp phần giúp nhận thức sâu sắc hơn nữa tầm quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển xanh bền vững có khả năng chống chịu trước các thách thức và rủi ro an ninh liên quan đến khí hậu.
Đồng thời qua Hội nghị này, tăng cường sự hiểu biết, chia sẻ các nỗ lực chung và thúc đẩy các cơ hội hợp tác vì sức khỏe của đại dương, phúc lợi cho người dân thế hệ hôm nay và mai sau.
Tại hội nghị các bên đã cùng nhau đưa ra 5 cam kết. Một là, kiến tạo chính sách và môi trường pháp lý quốc tế cho một nền kinh tế biển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt với các nước và các bên liên quan dễ bị tổn thương.
Hội nghị quốc tế về Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hai là, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu toàn diện do Liên hợp quốc quản lý về tác động đa chiều của biến đổi khí hậu, của nước biển dâng, của rác thải nhựa nhằm hỗ trợ xây dựng chính sách ứng phó toàn cầu.
Ba là, giải quyết các thách thức và rủi ro an ninh liên quan đến biến đổi khí hậu thông qua thúc đẩy và xây dựng các cơ chế hợp tác an ninh toàn cầu và khu vực thiết thực và hiệu quả, có tính đến các yếu tố về kinh tế, xã hội, tâm lý, giới và các khía cạnh khác.
Bốn là, tăng cường khả năng phục hồi phát triển kinh tế biển bền vững sau COVID-19 và khả năng thích ứng của các quốc gia, cộng đồng và các bên liên quan dễ bị tổn thương, bao gồm các hộ nông dân sản xuất nhỏ và ngư dân, để xây dựng và phát triển các ngành kinh tế biển quan trọng như giao thông vận tải biển, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản, du lịch biển/ven biển, và các nguồn năng lượng tái tạo.
Năm là, khuyến khích đầu tư, nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ biển, chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo biển xanh mới và giám sát quản lý sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển, nâng cao nhận thức về kinh tế biển bền vững, sự tham gia rộng rãi của các bên trong xây dựng quyết định và chính sách về kinh tế biển bền vững.
“Là một quốc gia biển, Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực hợp tác cùng các nước trong việc giải quyết và ứng phó với các thách thức toàn cầu vì một biển xanh, trong lành và kinh tế đại dương bền vững. Chúng tôi cam kết sẽ quản lý tốt và loại trừ rác thải nhựa theo lộ trình phù hợp.
Chúng tôi tin tưởng rằng các kết quả của Hội nghị tại Hà Nội sẽ tiếp tục được phát triển và hoàn thiện, đóng góp cho Hội nghị Đại dương do Na Uy và Palau tổ chức vào thời gian tới cũng như các diễn đàn và sáng kiến khu vực và toàn cầu khác về kinh tế đại dương bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu”, Thứ trưởng nhấn mạnh.