Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

5 bộ phận nào của lợn không nên ăn nhiều?

(VTC News) -

Thường xuyên ăn lòng lợn, phổi lợn, tiết lợn có thể sẽ tích tụ nhiều cholesterol xấu, độc tố, vi khuẩn gây ra nhiều bệnh nguy hiểm đối với sức khoẻ.

Theo nghiên cứu của các nhà dinh dưỡng hiện đại, thịt lợn chứa nhiều carbohydrate, chất béo và protein, nó cũng chứa các khoáng chất như ion natri và sắt, có thể duy trì trao đổi chất của cơ thể, thúc đẩy sản xuất hemoglobin, tăng sức mạnh của xương.

Mặc dù thịt lợn rất tốt nhưng không phải bộ phận nào cũng ăn được, các bác sĩ khuyên bạn nên ăn ít những bộ phận dưới đây của lợn:

Thịt cổ lợn

Báo Thanh Niên dẫn lời bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thu Hà - Bệnh viện Đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn - cho biết, hàm lượng chất béo trong cổ lợn rất lớn, ăn quá nhiều không chỉ khiến tăng cân đột ngột mà còn gây ra nhiều vấn đề về tim và mạch máu não.

Ngoài ra, cổ lợn cũng có các hạch bạch huyết, một hệ thống của cơ thể có chức năng lọc và bẫy giữ các vi sinh vật lạ, tế bào viêm, độc chất, ăn thường xuyên có thể gây ra nhiều chứng bệnh.

“Thịt cổ lợn có hệ thống hạch phức tạp, khó loại bỏ hết hoàn toàn khi chế biến. Cơ thể người sẽ tiếp nạp một lượng lớn vi khuẩn và chất độc khi ăn, có thể dẫn đến ngộ độc hoặc nguy cơ mắc phải các bệnh truyền nhiễm”, bác sĩ Hà phân tích.

Phổi lợn

Theo bác sĩ Hà, lợn có thói quen thường hít thở sát đất nên hít vào phổi một lượng rất lớn bụi bẩn và vi khuẩn hằng ngày vào phế nang phổi, đây được xem là nơi dễ dàng nhất để tích tụ và lắng đọng các chất độc hại.

Vì vậy, phổi lợn tiềm ẩn rất nhiều vi khuẩn, độc tố và không dễ làm sạch do cấu trúc tổ ong phức tạp của phế nang. Nếu ăn thường xuyên và không được chế biến kỹ sẽ dẫn đến hàm lượng kim loại nặng, độc tố tích tụ trong cơ thể vượt mức cho phép, tăng nguy cơ mắc ung thư.

Thận lợn và phổi lợn là hai bộ phận không nên ăn nhiều

Lòng lợn

Báo Dân trí dẫn lời BS Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trong phần ruột non của lợn chứa nhiều dưỡng chất như: protein, chất béo, vitamin và khoáng chất, song cũng không thể phủ nhận sự hiện diện của các chất độc hại từ môi trường hoặc thức ăn của lợn.

Trong khi đó, ruột già của lợn là nơi chứa chất thải từ quá trình tiêu hóa. Do đó, đây là bộ phận tiềm ẩn nhiều nguy cơ chứa chất bẩn, độc hại hơn.

Thận lợn (cật)

Thận lợn nhiều cholesterol. Nếu ăn với số lượng lớn trong thời gian dài dễ gây xơ vữa động mạch vành. Những người thích ăn cật lợn nên chú ý hơn.

Thay đổi thói quen ăn uống phù hợp có lợi cho sức khỏe, đặc biệt những người có hàm lượng cholesterol cao càng phải chú ý, thường xuyên ăn thận lợn có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh mạch vành và có thể gây ra các cơn đau thắt ngực, vì vậy người bệnh tim cũng nên chú ý hơn, ăn ít nhất có thể. Tốt nhất bệnh nhân nhồi máu cơ tim không nên ăn thận lợn.

Da lợn

Da lợn được chế biến thành những món ăn phổ biến và được nhiều người ưa thích, nhưng nó chứa các protein khó tiêu (keratin, elastin,...) và nhiều cholesterol xấu gây ra bệnh tim mạch, đột quỵ, cao huyết áp và béo phì.

Ngoài ra, nếu không được cạo sạch lông và chế biến sạch sẽ, nang lông ở da lợn sẽ mang nhiều ký sinh trùng và độc tố gây bệnh cho cơ thể người. Ăn quá nhiều da lợn cũng sẽ gây tăng cân, tạo gánh nặng cho dạ dày và gây ra các triệu chứng tiêu hóa như đau bụng, khó tiêu, tiêu chảy.

Thanh Thanh (Tổng hợp)

Tin mới