Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

42.000 tấn quặng bị tạm giữ: Gần 1 năm chưa giải quyết xong

(VTC News) -

42.000 tấn quặng bauxite của Công ty Bảo Nguyên bị Hải quan tạm giữ gần 1 năm nay nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Công ty Bảo Nguyên là chủ đầu tư khai thác và chế biến bauxite tại mỏ Léo Cao thuộc xã Tân Mỹ (huyện Văn Lãng - Lạng Sơn). Đơn vị có giấy phép khai thác khoáng sản mỏ Léo Cao số 1526/GP-UBND ngày 15/08/2009 của UBND tỉnh Lạng Sơn và Quyết định điều chỉnh Giấy phép khai thác số 949/QĐ-UBND ngày 23/05/2018 của UBND tỉnh Lạng Sơn.

Theo đó, Bảo Nguyên được phép xuất khẩu tinh quặng bauxite hàm lượng AL2O3 ≥ 49% theo văn bản 748/BCT-CNNg ngày 24/01/2014 và văn bản số 8228/BCT-CNNg ngày 25/08/2014 của Bộ Công thương.

Hàng năm Công ty Bảo Nguyên đều có báo cáo kế hoạch khai thác và đã được UBND tỉnh Lạng Sơn ra quyết định phê duyệt kế hoạch khai thác, chế biến và xuất khẩu quặng bauxit. Việc xuất khẩu của Công ty Bảo Nguyên đã được tiến hành từ năm 2015 cho đến ngày lô hàng 42.000 tấn bị tạm giữ.

42.000 tấn quặng bị tạm giữ: Gần 1 năm vừa chưa giải quyết xong. (Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết).

Ngày 17/10/2019, Công ty Bảo Nguyên mở tờ khai hải quan số 302816355500/B11 với nội dung khai báo là 42.000 tấn quặng bauxit tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả, Quảng Ninh. Trước khi xuất khẩu, doanh nghiệp đã gửi mẫu của lô hàng đến Vinacontrol (là đơn vị có phòng thí nghiệm được cấp tiêu chuẩn Vilas) để phân tích mẫu.

Ngày 18/10/2019, Vinacontrol trả kết quả thể hiện hàm lượng AL2O3 đạt 50,36%.

Ngày 22/10/2019, khi đang hoàn thiện thủ tục xuất khẩu lô hàng thì Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) có điện fax số 16/ĐTCBL-HĐ1 gửi Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả với nội dung nghi vấn lô hàng ghi sai số lượng, chủng loại nên yêu cầu giữ toàn bộ lô hàng 42.000 tấn và toàn bộ phương tiện.

Sau khi lô hàng bị tạm giữ gần 3 tháng, ngày 26/12/2019, Công ty Bảo Nguyên mới được CĐTCBL mời xuống làm việc với lực lượng hải quan tại Cẩm Phả, đại diện của CĐTCBL công bố lô hàng trên là quặng bauxite dạng thô.

Ngày 3/1/2020, Hải đội Kiểm soát trên biển khu vực miền Bắc lập biên bản tạm giữ tang vật vi phạm hành chính, sau đó ra quyết định số 02/QĐ-TGTV tạm giữ tạm giữ tang vật vi phạm hành chính trong thời hạn 7 ngày. Lý do tạm giữ là “để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có ra quyết định xử phạt theo quy định tại khoản a, khoản 1, điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính”.

Hết thời hạn tạm giữ 07 ngày, Hải đội Kiểm soát trên biển khu vực miền Bắc tiếp tục ra quyết định kéo dài thời gian tạm giữ lô hàng thêm 30 ngày với lý do “do có nhiều tình tiết phức tạp cần tiến hành xác minh để xử lý theo quy định của pháp luật”.

Ngày 31/01/2020, Cục ĐTCBL ban hành Quyết định số 03/QĐ-ĐTCBL về việc gia hạn thời gian tạm giữ tang vật vi phạm hành chính thêm 30 ngày, kể từ ngày 02/02/2020. Tại phần căn cứ có nội dung: “Xét thấy cần gia hạn thời hạn tạm giữ tang vật vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan để đảm bảo công tác điều tra, xác minh và xử lý theo quy định”.

Công ty Bảo Nguyên đã nhiều lần có công văn gửi Cục ĐTCBL đề nghị giải quyết dứt điểm sự việc. Tuy nhiên, Cục Điều tra chống buôn lậu tiếp tục cho rằng đây là quặng bauxit dạng thô và trích dẫn Chỉ thị số 03 CT – TTg ngày 30/03/2015 của Thủ tướng Chính phủ chỉ thị “không xuất khẩu khoáng sản thô”.

Để xác định rõ lô hàng này là quặng bauxit dạng thô hay tinh quặng bauxit, Công ty Bảo Nguyên đã có công văn hỏi Bộ Công thương.

Ngày 14/01/2020, Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) có Công văn số 15/CN-KSLK trả lời Công ty Bảo Nguyên cho rằng: “Trong khi chưa có quy định cụ thể về xác định quặng thô, quặng tinh, chủng loại sản phẩm quặng tinh bauxit đã chế biến đạt hàm lượng Al2O3 ≥ 48% được coi là tinh quặng”.

Liên quan đến vấn đề này, thông tin trên báo Hải Quan, Cục ĐTCBL cho biết: "Kết quả kiểm tra thực tế và lấy mẫu của cơ quan Hải quan gửi giám định tại Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) kết luận lô hàng quặng bauxit xuất khẩu của Công ty Bảo Nguyên là “quặng bauxit dạng thô”.

Trong văn bản trả lời báo chí của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, đơn vị này vẫn khẳng định lô hàng trên là “quặng bauxit thô” nhưng ở phần kết quả phân tích hóa lại cho thấy hàm lượng Al2O3  trung bình 48,7%.

Trong khi đó, theo thông tư 02/2006/TT-BCN của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) tại Danh mục, tiêu chuẩn chất lượng và điều kiện khoáng sản xuất khẩu. Theo đó, tinh quặng bauxite có hàm lượng Al2O3 ≥ 48%.

Như vậy, có thể thấy việc xác định lô hàng là quặng bauxite dạng thô hay tinh quặng bauxite hiện vẫn còn rất nhiều điểm mâu thuẫn, cần các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để làm rõ.

Điều đáng nói, lô hàng này hiện đã bị tạm giữ gần 1 năm nay khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

“Công ty phải dừng hoạt động khai thác, tổn thất lớn về đầu tư sản xuất, khấu hao máy móc, thiết bị. Hàng trăm lao động của công ty bị mất việc làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng hàng trăm hộ gia đình. Thiệt hại về phía doanh nghiệp ước tính được đến nay là khoảng 40 tỷ đồng. Đối tác mua hàng đã cắt hợp đồng và đòi phạt công ty vì không thực hiện đúng hợp đồng đã ký”, Công ty Bảo Nguyên cho hay.

Bảo Linh

Tin mới