Các quan chức Ukraine ước tính khoảng 42.000 người có nguy cơ bị lũ lụt, dự kiến sẽ đạt đỉnh vào hôm 7/6.
Tại thành phố Kherson, cách đập khoảng 60 km về phía hạ lưu, mực nước dâng cao 3,5 m vào hôm 5/6, buộc người dân phải lội nước ngập đến đầu gối để sơ tán. Xe buýt, xe lửa và các phương tiện cá nhân đã được điều động để chở người dân đến nơi an toàn.
Khoảng 42.000 người được cho sẽ gặp rủi ro sau vụ vỡ đập khi lũ dự kiến sẽ đạt đỉnh vào hôm 7/6. (Ảnh: Reuters)
Giám đốc cơ quan cứu trợ của Liên hợp quốc Martin Griffiths nói với Hội đồng Bảo an rằng vụ vỡ đập Kakhovka "sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng và sâu rộng đối với hàng nghìn người ở miền nam Ukraine ở cả hai bên chiến tuyến do mất nhà cửa, lương thực, nước sạch và sinh kế".
"Mức độ nghiêm trọng của thảm họa sẽ được cảm nhận đầy đủ trong những ngày tới", Giám đốc cơ quan cứu trợ của Liên hợp quốc Martin Griffiths nói.
Đến thời điểm này, chưa có trường hợp tử vong nào được báo cáo. Tuy nhiên, người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết lũ lụt có thể đã gây ra "nhiều cái chết".
Tổng thống Vladimir Zelensky cho biết Ukraine có kế hoạch kiện Nga lên Tòa Hình sự quốc tế (ICC) ở Hague (Hà Lan) về sự cố tại nhà máy thủy điện Kakhovka. Ông mô tả vụ vỡ đập Kakhovka ở miền nam Ukraine hôm 6/6 là “quả bom huỷ hoại môi trường”, nhấn mạnh chỉ có giải phóng Ukraine mới có thể đảm bảo chống lại các hành động “khủng bố” mới.
Đập thủy điện Kakhovka trên sông Dnipro, thuộc khu vực Nga kiểm soát ở tỉnh Kherson, bị phá hủy một phần ngày 6/6, khiến dòng nước ồ ạt trút xuống hạ lưu. Ukraine cáo buộc Nga cho nổ đập Kakhovka, trong khi điện Kremlin cho rằng chính Ukraine đã phá hoại con đập này.