Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

4 thách thức với Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

(VTC News) -

Ngành y tế đang phải đối diện nhiều khó khăn cần tháo gỡ liên quan công tác phòng, chống dịch bệnh, nhân viên y tế nghỉ việc, thiếu thuốc, vật tư y tế.

Ngày 15/7, bà Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, được Bộ Chính trị điều động làm Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế và Thủ tướng giao quyền Bộ trưởng Bộ Y tế. Những khó khăn của ngành đỏi hỏi người đứng đầu ngành y tế cũng như các cơ quan, ban ngành phải vào cuộc tìm giải pháp tháo gỡ.

Nhân viên y tế nghỉ việc do thu nhập thấp

Thời gian qua, hàng loạt nhân viên y tế xin nghỉ việc. Đặc biệt, sự dịch chuyển từ khu vực y tế công sang y tế tư nhân đã làm dấy lên lo ngại thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao tại các bệnh viện công. Điều này về lâu dài sẽ khiến bệnh nhân nghèo thiệt thòi hơn cả. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên dẫn báo cáo của các địa phương (giai đoạn 2021 và 6 tháng đầu năm 2022), cho hay, có 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc. Trong đó, năm 2021 là 5.284 người; 6 tháng đầu năm 2022 là 4.113 người (3.756 viên chức thuộc quản lý của các Sở Y tế và 357 viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế).

Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như: TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng…

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, nguyên nhân chủ yếu khiến nhân viên y tế nghỉ việc là thu nhập thấp, lương cùng chế độ phụ cấp chưa bảo đảm và chính sách thu hút nguồn nhân lực tốt của hệ thống y tế tư nhân, nhất là đối với nhân lực có trình độ cao, chuyên môn sâu.

Trả lời VTC News về vấn đề này, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), chia sẻ, trong môi trường bệnh viện công, một bác sĩ cần 2 yếu tố để ở lại. Đó là môi trường làm việc phải đảm bảo đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và chế độ đãi ngộ. Nhưng hiện nay, bệnh viện công đang thiếu cả 2 yếu tố này.

Trong khi đó, bệnh viện tư có thể đáp ứng tốt các yêu cầu trên. Như vậy, theo quy luật tự nhiên, bệnh viện tư sẽ dễ dàng thu hút nguồn cán bộ có chất lượng từ khối bệnh viện công sang. Việc dịch chuyển này sẽ gây thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống y tế công lập.

“Bệnh viện tư chỉ có thể điều trị được cho khối người từ thu nhập trung bình khá đến thu nhập cao. Trong khi đó, vào bệnh viện công là những người nghèo, đối tượng chính sách... Nguồn nhân lực cao bị thiếu hụt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác khám, chữa bệnh”, PGS.TS Đào Xuân Cơ nói.

Ông Cơ cũng cho rằng, bài giải triệt để cho tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc chính là chế độ đãi ngộ.

"Các bệnh viện công đang được giao tự chủ về tài chính, vấn đề giá viện phí, bảo hiểm y tế phải tính đúng tính đủ thì mới giúp các bệnh viện hạch toán thu chi, lấy thu bù chi để có nguồn tái đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, khoa học kỹ thuật cho bệnh viện và đầu tư nguồn lực, đầu tư cho con người", PGS.TS Đào Xuân Cơ cho hay.

Ông cũng cho rằng, do trượt giá nên giá viện phí thanh toán bảo hiểm y tế cần phải thay đổi cho phù hợp tình hình thực tiễn. Cụ thể, giá thanh toán bảo hiểm y tế cần sớm được tính đúng, tính đủ 7/7 yếu tố cấu thành giá viện phí.

Ông Cơ đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành khung giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu để các bệnh viện có căn cứ pháp lý thực hiện. Ngoài ra, cần có chế độ đãi ngộ phù hợp cho cán bộ y tế.

 

Trong môi trường bệnh viện công, một bác sĩ cần 2 yếu tố để ở lại, đó là môi trường làm việc phải đảm bảo đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và chế độ đãi ngộ. Nhưng hiện nay, bệnh viện công thiếu cả 2 yếu tố này.

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai

Thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh

Không chỉ "chảy máu" chất xám khi nguồn nhân lực y tế nghỉ việc hàng loạt, việc thiếu thuốc, vật tư y tế cũng là bài toán nan giải hiện nay của ngành y tế.

Tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ Y tế với các bệnh viện về thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế một phần do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng. Một số nước áp dụng các biện pháp chống lạm phát…, ảnh hưởng đến việc cung ứng và giá thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. 

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân chủ quan là chính. Cụ thể là do việc tổ chức đấu thầu tập trung chậm được triển khai; chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát với tình hình thực tế thị trường; chậm gia hạn đăng ký thuốc; công tác kiểm tra, thúc đẩy việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa tích cực, quyết liệt; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ; một số cán bộ, ngành, địa phương thiếu mạnh mẽ, sợ trách nhiệm, không dám làm…

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), thông tin, thống kê đối với 34/63 Sở Y tế, 21/39 bệnh viện tuyến trung ương và 2 bệnh viện trực thuộc trường đại học cho thấy, 28/34 Sở Y tế báo cáo hiện có tình trạng thiếu thuốc tại địa phương. 12/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc tại đơn vị. Các thuốc thiếu tại cơ sở khám, chữa bệnh bao gồm một số loại kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền.

Bên cạnh đó, 26/34 Sở Y tế và 15/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất. Mặt hàng vật tư tiêu hao, hóa chất báo cáo thiếu chủ yếu là hóa chất dùng xét nghiệm. 14/34 Sở Y tế và 8/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế như các trang thiết bị y tế chuyên sâu: Thiết bị phòng mổ, thiết bị chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi tai mũi họng, mắt, tiêu hóa, hô hấp, hồi sức tích cực, thiết bị chẩn đoán hình ảnh, thiết bị xét nghiệm chuyên sâu.

Trong lần trả lời phóng viên VTC News về vấn đề thiếu thuốc, đại diện Bệnh viện Thanh Nhàn nêu rõ một số vướng mắc dẫn đến thực trạng này.

Thứ nhất, do hết số visa mà chưa được gia hạn.

Thứ hai, do giá kế hoạch thấp hơn giá chào thầu. Giá kế hoạch được xây dựng trên cơ sở giá trúng thầu trong vòng 12 tháng tại các đơn vị được công khai trên trang web của Cục quản lý Dược còn giá chào thầu tăng vì giá nhiên liệu tăng, giá cước vận chuyển tăng ...

Thứ ba là vấn đề nguyên liệu sản xuất. Các thuốc nghiện hướng tâm thần được sản xuất trong nước như diazepam, morphine, là các thuốc dùng nhiều trong các bệnh viện nhưng các bệnh viện cũng không mua được. Lý do vì công ty cung ứng không nhập được nguyên liệu để sản xuất nên không có hàng cung ứng.

Thứ tư, thời gian thực hiện quy trình thầu mất 5-6 tháng nên ảnh hưởng đến việc cung ứng thuốc.

Vị đại diện này kiến nghị tất cả thuốc nên đưa vào đấu thầu tập trung để các đơn vị y tế có thời gian giành riêng cho chuyên môn. Ngoài ra, cần rà soát lại luật đấu thầu, mua sắm cho phù hợp với thực tế.

Tư tưởng chủ quan trong phòng, chống dịch COVID-19

Một khó khăn nữa cũng đặt ra đối với ngành y tế hiện nay đó là công tác phòng chống dịch COVID-19. Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Tổ chức Y tế thế giới và các nhà khoa học nhận định, dịch vẫn còn diễn biến phức tạp và nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới nên chúng ta không lơ là chủ quan được.

Ông Tuyên cũng nêu thực trạng người dân đang có tư tưởng chủ quan trong phòng chống dịch, cụ thể là việc tiêm vaccine COVID-19. Bộ Y tế đề nghị người dân tích cực chủ động tiêm mũi 3 và mũi 4, nếu mọi người chủ quan không tiêm vaccine theo hướng dẫn thì rất dễ nguy cơ dịch bùng phát trở lại.

Ông Trần Đắc Phu, Nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nhấn mạnh: "Người dân vẫn phải thực hiện tốt dự phòng, hạn chế tính chủ quan, phải thực hiện việc tiêm vaccine đầy đủ để phòng chống dịch bệnh. Việc tiêm mũi nhắc lại vaccine COVID-19 là cần thiết vì sau một thời gian tiêm vaccine, miễn dịch giảm đi, hiệu quả sau tiêm vaccine cũng giảm theo thời gian do đó, tiêm mũi bổ sung sẽ tăng miễn dịch".

Nếu mọi người chủ quan không tiêm vaccine phòng COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, dịch có nguy cơ bùng phát trở lại. (Ảnh: Ngọc Diễm).

Tốc độ tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 và 4 chậm

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các vaccine được cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao, làm giảm nguy cơ chuyển nặng đối với tất cả các biến thể SARS-CoV-2 (bao gồm cả biến thể phụ BA.5). Do đó, các quốc gia cần duy trì biện pháp ứng phó, như tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ họ tránh bệnh trở nặng.

Theo số liệu của Bộ Y tế, đến ngày 15/7, hơn 238 triệu liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm, trong đó, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là hơn 209 triệu liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là hơn 19 triệu liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là hơn 10 triệu liều.

Hiện nay, Việt Nam là một trong số những quốc gia có tỉ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới. Tuy nhiên, Bộ Y tế đánh giá tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19 vẫn còn chậm, nhất là tiêm mũi 3 và mũi 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, dẫn tới nguy cơ hết hạn phải hủy bỏ nếu không đẩy mạnh tiếp nhận vaccine và triển khai tiêm chủng trong thời gian tới.

Bộ Y tế nhận định, tốc độ gia tăng số mắc hàng ngày của COVID-19 phụ thuộc nhiều yếu tố khác nhau, như bản chất của biến thể về khả năng lây nhiễm (SARS-CoV-2 thường xuyên biến đổi, không ổn định); khả năng bảo vệ miễn dịch (mắc phải hoặc do tiêm vaccine) giảm theo thời gian và độ bao phủ vaccine; khối cảm nhiễm; khả năng đáp ứng và các biện pháp phòng, chống của Việt Nam. Do đó khó dự báo được mức độ tăng cụ thể trong thời gian tới.

Do vậy, hệ thống giám sát, đáp ứng phòng, chống dịch từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.

Chia sẻ sau khi nhận nhiệm vụ mới, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nói: "Tôi được phân công nhận nhiệm vụ vào thời điểm này, bản thân không phải xuất phát từ ngành y, công việc đều rất mới. Nhưng trách nhiệm trước Đảng, nhân dân và thay mặt 500 nghìn cán bộ, nhân viên ngành y tế, tôi sẽ nỗ lực phấn đấu hết mình, duy trì sự đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể, sự tâm huyết của các thế hệ y, bác sĩ, nhân viên ngành y tế; huy động sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia của ngành để tham mưu, tổ chức thực hiện những giải pháp".

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng cho biết, nhiệm vụ rất nhiều, cần phải triển khai đồng thời, bởi sức khỏe của nhân dân là vốn quý, nếu chờ đợi một giây có thể sẽ ảnh hưởng tính mạng của nhiều người.

"Điều quan trọng là phân công để từng đơn vị trong Bộ Y tế, với trách nhiệm và vai trò của mình, sẽ làm tốt nhiệm vụ trên từng lĩnh vực (từ công tác phòng, chống dịch đến tiêm chủng, hay công tác y tế dự phòng và khám, chữa bệnh…). Tất cả việc này đều quan trọng như nhau và sự phát triển trong tất cả lĩnh vực đó mới tạo được sự phát triển của ngành y tế", bà Đào Hồng Lan nói.

Thanh Hải

Tin mới