Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 29, chiều 8/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Trình bày báo cáo công tác chuẩn bị kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định 4 nội dung tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5.
Cụ thể: Xem xét thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Xem xét thông qua dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; Xem xét, quyết định một số vấn đề cấp bách về tài chính, ngân sách Nhà nước.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. (Ảnh: quochoi.vn)
Ngoài ra, ông Bùi Văn Cường thông tin, Chính phủ đã có Tờ trình số 695 trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) và Tờ trình số 698 trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và không đề xuất cụ thể thời điểm trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Trong đó, dự án đường cao tốc đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành, hiện tại vẫn chưa có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền.
"Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thống nhất chưa trình Quốc hội 2 nội dung này tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, chỉ trình Quốc hội 4 nội dung như đã kết luận tại phiên họp thứ 28 (tháng 12/2023)", ông Bùi Văn Cường nói.
Về dự kiến chương trình, Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ, Kỳ họp bất thường lần thứ 5 sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội, trong đó có bố trí thời gian nghỉ 1 ngày để các cơ quan có thời gian tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua tại phiên bế mạc.
Theo đó, dự kiến kỳ họp khai mạc vào ngày 15/1 và bế mạc vào sáng18/1, Quốc hội nghỉ 1 ngày làm việc (ngày 17/1).
Với dự kiến thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Quốc hội dành ngày đầu tiên của kỳ họp để nghe trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật; thảo luận tại hội trường (0,5 ngày/dự án luật), chỉ tập trung vào các điểm mới so với kỳ họp thứ 6 và những nội dung còn ý kiến khác nhau. Hai dự thảo luật này sẽ được biểu quyết thông qua tại phiên bế mạc kỳ họp.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, 2 dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần này là 2 dự án luật khó, đồ sộ.
"Ngày mai (9/1), Ủy ban Kinh tế sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến xem 2 dự án này có đủ điều kiện trình ra Quốc hội hay không", ông Vũ Hồng Thanh nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. (Ảnh: quochoi.vn)
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, vì thời gian chuẩn bị rất ngắn, để đảm bảo tiến độ triển khai công việc tiếp thu, chỉnh lý, cần giới hạn phạm vi thảo luận vào các vấn đề còn ý kiến khác nhau của các dự thảo luật, tránh dàn trải.
Ngoài ra, cần bố trí thời gian hợp lý và thỏa đáng để các cơ quan có thể tiếp thu đầy đủ, toàn diện ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, nhằm hoàn thiện dự thảo luật đạt chất lượng cao.
Cũng bàn luận về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Kinh tế đã nỗ lực tối đa để tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ, sau đó gửi cho Thường trực các Ủy ban của Quốc hội và Chính phủ xin ý kiến. Đồng thời gửi cho Thường trực Ủy ban Pháp luật để rà soát kịp thới, phối hợp với Thường trực Ủy ban Kinh tế và các Bộ có liên quan.
Theo ông Hoàng Thanh Tùng, với quỹ thời gian đã bố trí tại kỳ họp bất thường thì rất khó đủ để tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến. Vì vậy, cần tập trung cho ý kiến có trọng tâm, trọng điểm về những nội dung lớn, quan trọng của 2 dự án luật này.