(VTC News) - Bộ GD-ĐT cho biết từ năm 2010 đến nay đã có tới 7.735 học sinh, sinh viên tham gia đánh nhau, bị xử lý kỷ luật.
Ngày 5/8, trong hội thảo tập huấn công tác bảo đảm an ninh, trật tự trường học và công tác học sinh, sinh viên năm 2014-2015, ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng công tác học sinh sinh viên cho biết tình hình phạm pháp của bộ phận này tiếp tục gia tăng về tính chất, mức độ lẫn sự nghiêm trọng của các vụ việc.
Tuy nhiên nguyên nhân dẫn đến phạm pháp của học sinh, sinh viên rất đơn giản như thiếu tiều chơi điện tử, chat, ăn chơi, đua đòi.
Hàng loạt vụ nữ sinh đánh nhau khiến dư luận cảm thấy lo lắng đạo đức học sinh |
Thống kê chưa đầy đủ từ năm 2009 đến nay, tổng số học sinh sinh viên liên quan đến pháp luật hình sự trên 8.000 vụ việc, trong đó, gây rối trật tự công cộng là 935 vụ; tội phạm ma túy 357 trường hợp; giết người 37 vụ; cướp, trộm cắp tài sản là 6000 vụ...
Vấn đề bạo lực học đường tuy đã được kiềm chế nhưng vẫn xảy ra tại nhiều địa phương. Từ năm 2010 đến nay đã có tới 7.735 học sinh, sinh viên tham gia đánh nhau, bị xử lý kỷ luật.
Tệ nạn ma túy trong nhà trường cũng diễn biến rất phức tạp. Theo điều tra của liên ngành giáo dục - công an, năm 2010 số lượng học sinh sinh viên sử dụng ma tuy lên đến 538 người.
Đáng chú ý, tình hình sử dụng ma túy tổng hợp, đặc biệt là ma túy đá đang có xu hướng tăng mạnh tại các thành phố lớn. Tình trạng đánh bạc trong ký túc xá đã được ngăn chặn, đẩy lùi do sự quản lý chặt chẽ của các nhà trường nhưng việc học sinh, sinh viên ở ngoại trú chơi lô đề, cá độ bóng đá, đánh bạc rất khó kiểm soát. Nhiều trường hợp do quá đam mê lô đề dẫn đến bỏ học, tham gia trộm cướp.
Bên cạnh đó, tình trạng cán bộ, nhà giáo phạm tội, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, vi phạm đạo đức nghề nghiệp gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của ngành.
Cá biệt có những vụ việc nghiêm trọng như giết người, cướp tài sản, buôn bán ma túy, tống tiền, cưỡng dâm trẻ chưa thành niên, khủng bố đồng nghiệp bằng tin nhắn.
Theo thống kê, hiện nay còn khoảng hơn 100 giáo viên vi phạm tệ nạn ma túy, trong đó có 14 người phạm tội buôn bán, tàng trữ ma túy bị xử lý hình sự.
Theo báo cáo của 38 Sở GD-ĐT, 312 trường ĐH, CĐ và TCCN hiện tại, có 9 cán bộ giáo viên phạm tội giết người, 12 người cướp tài sản, 8 đối tượng bị ngồi tù vì phạm tội hiếp dâm.
Đặc biệt, gần đây nhiều vụ việc cho thấy sự suy thoái nghiêm trọng về đạo đức của một vài cán bộ, nhà giáo như dùng uy thế để cưỡng dâm học sinh, quấy rối tình dục, tống tiền, gạ tình nữ sinh. Theo báo cáo, các trường đã xử lý, kỷ luật 13 người có hành vi quấy rối tình dục học sinh, sinh viên.
Ngoài ra, hiện tượng cán bộ tham nhũng, ăn tiền của người học để làm sai lệch kết quả thi, kiểm tra vẫn còn tồn tại.
Để nâng cao hơn nữa công tác bảo đảm an ninh, trật tự trường học, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, chủ trì hội thảo, nhấn mạnh: “Các cơ sở giáo dục đào tạo phải luôn đẩy mạnh công tác bảo đảm an ninh trật tự trường học”.
Mỗi nhà trường cần có sự đầu tư thỏa đáng cả về nhân lực và vật lực để thực hiện tốt đầy đủ các nội dung của công tác này.
Tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của học sinh, sinh viên. Đồng thời, chủ động trang bị các kiến thức, kỹ năng để các em tự phòng tránh tiêu cực ngoài xã hội.
Các trường cần tiếp tục tổ chức, định hướng, hỗ trợ để phát triển hệ thống các câu lạc bộ nghề nghiệp, công tác xã hội, văn hóa, văn nghệ; xây dựng tiêu chí đánh giá rèn luyện của học sinh, sinh viên và tăng cường công tác rà soát, hỗ trợ giúp đỡ những em có hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục tại các địa phương cần quan tâm và đẩy mạnh tới công tác giáo dục thể chất, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao trong trường học, tăng cường công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho các em, giúp các em phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.