Chiều 11/3, phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm tiếp tục với phần xét hỏi của Viện KSND TP.HCM.
Đại diện VKS xét hỏi bà Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước) và Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB).
Nhận tiền 4 lần mà sao thụ động?
Đại diện VKS hỏi bị cáo Đỗ Thị Nhàn về vai trò của Trương Mỹ Lan tại Ngân hàng SCB.
Bà Nhàn cho rằng, lúc đầu bị cáo nghĩ bà Lan là khách hàng lớn của SCB, chủ đầu tư của SCB. Lúc bị bắt và làm việc với Cơ quan CSĐT mới biết vai trò Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát rất lớn tại SCB.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn. (Ảnh: Ngọc Dương)
Bị cáo Nhàn khai gặp bà Lan theo yêu cầu của Võ Tấn Hoàng Văn (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng SCB), đề nghị bà Lan bán bớt tài sản để trả nợ cho ngân hàng.
HĐXX hỏi, khi ban hành kết luận thanh tra, bị cáo Nhàn đã bàn bạc và gặp Trương Mỹ Lan bao nhiêu lần?
Trả lời, bị cáo Nhàn cho rằng gặp 2 lần và trong cuộc gặp không trao đổi với Trương Mỹ Lan gì về nội dung không đưa SCB vào kiểm soát đặc biệt.
Bị cáo Nhàn nói tiếp, bản thân mình nhận tiền từ bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn là "hoàn toàn thụ động". Nhận tiền xong nhưng chưa dùng đến và đã nhiều lần liên hệ với Văn để trả lại nhưng không được.
"Làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo đã tự động nộp. Bị cáo ăn năn hối cải, mong HĐXX cho bị cáo được hưởng khoan hồng pháp luật", bà Nhàn nói và đặt câu hỏi khi nhiều người trong đoàn thanh tra cũng nhận tiền giống mình nhưng chỉ mỗi bị cáo bị truy tố tội Nhận hối lộ.
Trước ý kiến này, chủ toạ đã ngắt lời và cho rằng, Võ Tấn Hoàng Văn nhờ bị cáo đi gặp Trương Mỹ Lan thì chứng tỏ bị cáo biết rõ vai trò, vị trí của Trương Mỹ Lan tại SCB.
Về lời khai bà Nhàn cho rằng nhận 4 lần tổng cộng 5,2 triệu USD nhưng thụ động, vị chủ toạ gay gắt: "Nhận tiền 4 lần mà sao thụ động? Nếu không có ý thức nhận thì nhận lần đầu rồi đem trả, nhưng vẫn nhận lần thêm những lần khác nữa".
"Bị cáo nhận tiền từ người của SCB tới 4 lần, với tổng số tiền lên tới 5,2 triệu USD thì khác so với những bị cáo khác", chủ toạ phân tích thêm.
Đặt niềm tin sai người
Khi được VKS hỏi cách thức rút tiền của Trương Mỹ Lan, bị cáo Dung cho biết, khi cần rút tiền của SCB, Trương Mỹ Lan chỉ đạo các bị cáo khác tạo lập hồ sơ, phương án vay vốn khống để hợp thức.
Theo lời bà Dung, trong các buổi gặp có cả sự hiện diện của bị cáo Trương Huệ Vân, nhưng bị cáo Vân thường im lặng, không trao đổi gì. Chỉ khi gặp khó khăn về việc giải ngân tiền, bà Trương Mỹ Lan mới chỉ đạo Trương Huệ Vân thành lập công ty “ma” để rút tiền.
Sau đó, đưa các cá nhân được thuê, nhờ đứng tên khoản vay, đứng tên tài sản, đại diện công ty "ma" đến ký vào hồ sơ vay vốn khống, hồ sơ thế chấp, hầu hết là ký vào các tờ giấy trắng đã được đánh dấu sẵn vị trí cần ký.
Các đại diện pháp nhân và cá nhân đứng tên khoản vay đều không được thụ hưởng và sử dụng tiền, không biết mình vay và nợ SCB số tiền đặc biệt lớn, những người đứng tên tài sản đều xác nhận không phải tài sản của họ.
Bị cáo Trương Thị Mỹ Lan.
Trần Thị Mỹ Dung trình bày không tham gia vào việc thành lập các công ty “ma”, mỗi khi bà Lan cần tiền sẽ gặp bị cáo. Sau đó bị cáo liên lạc với bị cáo Nguyễn Phương Anh (Phó Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula) để nhận các thông tin vay.
Dung khai làm việc tại SCB từ năm 2010 (trước khi hợp nhất), trải qua rất nhiều thời kỳ lãnh đạo và đã tin tưởng vào đạo đức, tài năng của bà Lan, không nghi ngờ, Trương Mỹ Lan chỉ đạo gì thì làm như vậy.
Bị cáo cũng thừa nhận, giữa năm 2022, theo chỉ đạo của bà Lan, đã lập bản báo cáo thực trạng tài chính, dư nợ cho Trương Mỹ Lan.
Lúc đó, Trương Mỹ Lan có làm việc với Chính phủ, báo cáo về tình hình của SCB, nên yêu cầu Dung làm thống kê này để đối chiếu số liệu dư nợ của các khoản vay thuộc nhóm bà Lan và các khoản vay thông thường không liên quan đến Vạn Thịnh Phát.
Theo bị cáo Dung, sáng nay nghe phần trình bày của bị cáo Trương Mỹ Lan về việc đổ lỗi cho nhóm bị cáo ở SCB, Dung nói không trách bị cáo Lan, chỉ trách bản thân mình đặt niềm tin sai người.
"Lúc đó bị cáo và nhiều anh em ở SCB động viên nhau là cố gắng hết sức để giúp chị Lan vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhưng sau phần khai của chị Lan, bị cáo thấy thất vọng", bị cáo Dung nói.
Theo cáo trạng, Trần Thị Mỹ Dung trực tiếp nhận chỉ đạo, thường xuyên trao đổi, bàn bạc với Trương Mỹ Lan để truyền đạt, chỉ đạo các thành viên khác tại Ngân hàng SCB hợp thức hồ sơ khống, giải ngân để rút tiền cho Lan sử dụng.
Bị cáo Dung biết rõ, các khoản vay của Trương Mỹ Lan nhưng đứng tên các cá nhân, công ty "ma", giải ngân, rút tiền của SCB ra trước, sau đó mới hoàn thiện hợp thức hồ sơ cho vay. Các đơn vị tại Ngân hàng SCB không có việc thẩm định khách hàng, thẩm định tài sản bảo đảm, không quan tâm phương án vay vốn, bỏ qua quy trình cho vay thông thường theo quy định pháp luật.
Với hành vi, lợi dụng chức vụ quyền hạn, Trần Thị Mỹ Dung đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền hơn 200.690 tỷ đồng và gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số nợ lãi phát sinh 69 tỷ đồng.
Cũng như một số cựu lãnh đạo khác trong Ngân hàng SCB, bị cáo Dung được Trương Mỹ Lan cho 300.000 cổ phần tại SCB, tương đương 3 tỷ đồng.