Những ngày nghỉ lễ, lịch sinh hoạt của chúng ta thay đổi. Thói quen tắm gội cũng vì thế có sự điều chỉnh cho phù hợp các hoạt động trong ngày. Tết Nguyên đán của miền Bắc thường lạnh tới rét, bạn cần lưu ý những điều sau đây khi tắm để cơ thể luôn khỏe mạnh trong năm mới.
Ngày lễ Tết, đồ uống có cồn là thứ không thể thiếu trên mâm cơm của nhiều gia đình. Nhiều người có thói quen tắm sau khi ăn, uống cho sảng khoái trong ngày Tết. Tuy nhiên, thói quen này có thể gây nguy hiểm tới tính mạng.
Theo PGS.TS Phạm Văn Tiến - nguyên Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện 103, Hà Nội - người say rượu tuyệt đối không được tắm dù nước nóng hay lạnh. Tắm nước nóng sẽ khiến nhiệt độ tập trung trong cơ thể không thoát ra ngoài, khiến cho tình trạng say trở nên nghiêm trọng hơn, gây buồn nôn, thậm chí đau đầu, chóng mặt, choáng váng.
Tắm nước lạnh khiến gan không kịp bổ sung lượng đường glucose tiêu hao trong máu, cùng với sự kích thích bởi nước lạnh, khiến huyết quản co vào, có thể dẫn đến vỡ mạch máu, cảm lạnh.
Các bác sĩ khuyến cáo chúng ta không nên tắm sau khi uống rượu. Ảnh: Freepik.
Khi đói, lượng đường huyết của cơ thể xuống mức thấp nhất. Tắm là việc tiêu hao nhiệt lượng lớn, cơ thể đang đói có thể không đáp ứng được điều này, dễ gây hạ đường huyết, thậm chí ngất xỉu.
Trong khi đó, tắm ngay sau khi ăn no cũng không có lợi cho sức khỏe. Tắm là hành động tăng thân nhiệt, kích thích hệ miễn dịch, thư giãn thần kinh và tuyến mồ hôi để thải độc.
Tuy nhiên, cơ thể tăng nhiệt nhẹ sau khi ăn no, lưu lượng máu tới hệ tiêu hóa cũng tỷ lệ thuận theo nhiệt độ này. Do đó, tắm ngay sau khi ăn no có thể làm tăng nhịp tim, gây cảm giác khó chịu cho bụng.
Bước ra khỏi phòng tắm, dưới tác động của nước, mạch máu ở lớp biểu bì giãn nở, cơ thể hạ nhiệt. Lượng máu phải đổ dồn về đây để bù nhiệt. Điều này vô tình khiến quá trình cấp máu cho khoang bụng để tiêu hóa thực ăn bị thiếu hụt. Kết quả, cơ thể tiêu hóa chậm lại, gây nên hiện tượng khó chịu, rối loạn, đầy bụng.
Chúng ta nên tắm vào thời điểm 45-60 phút sau ăn, để cơ thể tiêu hóa lượng thức ăn vừa nạp vào cơ thể.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tắm là hoạt động giúp cải thiện giấc ngủ. Tuy nhiên, bạn không nên đi ngủ ngay sau khi tắm. Bởi lúc này, nhiệt độ cơ thể tăng cao, không có lợi cho việc tiết hormone melatonin. Đây là hormone giúp giấc ngủ ngon hơn, sâu hơn.
Sau khi tắm xong, bạn nên nghỉ từ 1 đến 2 giờ, tận dụng thời gian để nghe nhạc nhẹ, dưỡng da. Ngoài ra, khi ngủ, bạn tuyệt đối không nên để đầu ướt. Nếu tóc ướt đi ngủ, chúng ta có thể bị ảnh hưởng tới giấc ngủ, gặp một số bệnh lý như đau đầu, cảm lạnh…
Bạn nên nghỉ ngơi khoảng 1-2 tiếng sau khi tắm rồi mới đi ngủ để cơ thể khỏe mạnh hơn. (Ảnh: Freepik)
Tương tự tắm sau khi uống rượu, tắm đêm muộn dù bằng nước lạnh hay nước nóng cũng có thể dẫn tới phản xạ co mạch ngoại vi, làm tăng huyết áp đột ngột. Đây được gọi là các cơn tăng huyết áp kịch phát, làm vỡ mạch máu não, gây đột quỵ.
Các bác sĩ khuyến cáo bạn nên tắm ở nhiệt độ 36-37 độ C, đồng thời, chênh lệch nhiệt giữa trong và ngoài phòng tắm không nên quá cao. Khi tắm, bạn nên dội nước từ từ từng bộ phận của cơ thể, trước tiên là chân, tay, sau đó mới đến đầu, thân người và cả người.
Thời điểm không nên tắm trong những ngày năm mới đó là từ 23h đến 3h. Đây là thời điểm khí lạnh dễ xâm nhập cơ thể và gây cảm. Sau khi tắm bạn không nên ra gió hay ngồi phòng máy lạnh. Điều này dễ khiến nhiệt độ cơ thể hạ xuống, ảnh hưởng lưu thông máu.
Ngoài ra, bạn có thể uống thêm trà gừng, nước ấm, vừa giúp cơ thể thư thái, vừa đẹp da trong những ngày Tết ăn uống nhiều dầu mỡ.