Theo chương trình nghị sự tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra từ 6 - 8/6, được truyền hình và phát thanh trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.
Nội dung được lựa chọn để chất vấn tại kỳ họp này liên quan đến 4 nhóm vấn đề: Lao động, Thương binh và Xã hội; Dân tộc; Khoa học và Công nghệ; Giao thông Vận tải.
Thành viên Chính phủ đăng đàn đầu tiên vào ngày 6/6 là Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung sẽ trả lời về giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.
Thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay. Giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm, chi sai chế độ…); công tác quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội; giải pháp khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng.
Bên cạnh vai trò trả lời chính của Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ… cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề liên quan.
Sau phiên đăng đàn của Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh sẽ trả lời về nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực dân tộc.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.
Bộ trưởng Hầu A Lềnh sẽ trả lời về trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và công tác phối hợp với các bộ, ngành trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030).
Chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Việc giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, khắc phục tình trạng du cư, du canh tự phát, chặt phá rừng.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường; Thống đốc Ngân hàng nhà nước sẽ "chia lửa" với ông Hầu A Lềnh.
Thành viên Chính phủ thứ ba trả lời chất vấn là Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ sẽ trả lời về chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và triển khai những thành tựu, sản phẩm khoa học, công nghệ tiên tiến vào cuộc sống. Việc ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc bố trí, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho nghiên cứu khoa học thời gian qua. Việc quản lý, sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.
Hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường của các đơn vị nghiên cứu, viện, trường, đơn vị sự nghiệp công lập. Cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn liên quan nhóm vấn đề này.
Giao thông Vận tải là nhóm vấn đề cuối cùng được chất vấn trước Quốc hội. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng sẽ trả lời về giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạn chế tai nạn giao thông trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng.
Trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm định; giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa. Quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi và quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Công an, Quốc phòng cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề liên quan.
Sau phiên đăng đàn của 4 Bộ trưởng, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sẽ có 90 phút báo cáo làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu.
Liên quan đến phiên chất vấn, chiều 2/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì buổi làm việc với các cơ quan về rà soát công tác chuẩn bị tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, với tinh thần cộng đồng trách nhiệm, chất vấn là để cùng làm rõ vấn đề, cùng tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
"Chất vấn không phải sát hạch hay "đánh đố" các Bộ trưởng, Trưởng ngành", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, góp phần thành công của phiên chất vấn không chỉ ở vai trò của người trả lời mà người hỏi cũng góp phần quan trọng. Theo đó, muốn có được câu trả lời hay thì trước hết phải hỏi đúng, hỏi trúng với tinh thần xây dựng.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, quá trình phát triển không tránh khỏi có những nội dung chính sách, pháp luật cần sửa đổi, bổ sung nhưng không vì thế mà "đổ thừa" những vướng mắc, khó khăn đều do thể chế, pháp luật.
"Nếu vướng do pháp luật thì phải chỉ rõ nội dung vướng mắc, bất cập và đề xuất sửa đổi cụ thể điều nào, khoản nào. Mục tiêu cuối cùng là giải quyết được những bức xúc, những vướng mắc thực tiễn, đáp ứng mong mỏi của cử tri và nhân dân. Nội dung trả lời của các Bộ trưởng, Trưởng ngành, dự thảo các kết luận, nghị quyết chất vấn cũng phải đi thẳng vào những việc phải làm, không nói chung chung", Chủ tịch Quốc hội nói.