Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

4.000 hộ dân quay quắt chờ 'giải thoát' khỏi dự án treo Bình Quới - Thanh Đa

(VTC News) -

Hơn 30 năm nay, khoảng 4.000 hộ dân sống tại "siêu dự án" treo Bình Quới - Thanh Đa (TP.HCM) quay quắt chờ ngày được "giải thoát".

Bán đảo Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh, TP.HCM) tách biệt trung tâm thành phố bằng cây cầu Kinh Thanh Đa. Ít ai ngờ rằng, đằng sau một bán đảo có vị trí đắc địa ngay trung tâm thành phố, có sông Sài Gòn bao quanh là cuộc sống khốn khổ của hơn 4.000 hộ dân, đã kéo dài hơn 3 thập kỷ. 

Hơn 30 năm trước, lãnh đạo TP.HCM đã muốn "biến" bán đảo Thanh Đa thành khu đô thị hiện đại bậc nhất thành phố. Để hiện thực hóa giấc mơ đó, đầu năm 1992, UBND TP.HCM chính thức phê duyệt dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với tổng diện tích khoảng 426,93ha (bao gồm toàn bộ phường 28).  

Đầu năm 2004, thành phố giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, sau thời gian dài giậm chân tại chỗ, đến năm 2010, TP.HCM có quyết định thu hồi. Cuối năm 2015, Liên doanh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC được UBND TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với tổng vốn khoảng 30.700 tỷ đồng.

Thế nhưng, ghi nhận của PV VTC News giữa 3/2022, sau hơn 3 thập kỷ được phê duyệt, hiện "siêu dự án" Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa vẫn đang tiếp tục "treo". Sống trên "giấc mơ" của Tập đoàn Bitexco, khoảng 4.000 hộ dân tại đây chỉ còn biết tự kiếm kế sinh nhai bằng cách đào ao thả cá, trồng lúa, nuôi gà... và chờ ngày được "giải thoát".

Nguyên do bởi dự án nằm trong khu vực đã có quyết định thu hồi đất nên việc phân lô, tách thửa, cấp phép xây dựng của người dân đều bị cấm.

"Làng quê yên bình" bị tách biệt, kìm hãm giữa trung tâm thành phố TP.HCM.

Khung cảnh của "siêu dự án" Bình Quới - Thanh Đa hiện tại không khác gì vùng thôn quê chưa được khai hoang những năm 90. 

Theo nhiều hộ dân phường 28, kể từ khi dự án được UBND TP.HCM phê duyệt, người dân vẫn chưa một lần được “nhìn thấy mặt” nhà đầu tư. Cũng từ đó đến nay, người dân chưa nhận được thông báo đo đạc, kiểm kê tài sản để thực hiện đền bù.

Những căn nhà lụp xụp của các hộ dân mang mác "dân Sài Gòn".

Dù nhà cửa xuống cấp nghiêm trọng, người dân chỉ biết "câm nín" sửa sơ sài chứ không được xây mới.

Mùa mưa sắp đến, người dân tại đây lại sắp phải đối mặt với nỗi lo nước ngập, nhà dột, côn trùng hoành hành.

"Mang tiếng dân Sài Gòn, có đất Sài Gòn nhưng anh chị nhìn chúng tôi đi, có khác nào thôn quê đâu. Dự án nếu không triển khai được thì bỏ đi, đừng kìm hãm sự phát triển của chúng tôi như thế này chứ. Chúng tôi quằn quại 30 năm là quá đủ rồi, xin thương chúng tôi, cho chúng tôi được làm ăn với", một người dân ngụ phường 28 bức xúc.

Cũng nằm trong bán đảo Thanh Đa, khu cư xá Thanh Đa (phường 27) hiện là cụm chung cư được thành phố cảnh báo xuống cấp trầm trọng, cần tháo dỡ để xây mới.

Năm 2016, quận Bình Thạnh đã di dời, tháo dỡ hai lô số 4 và 6 vì bị nghiêng, có thể sập bất cứ lúc nào. Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện cư xá Thanh Đa có 4/22 lô là cấp B, còn lại là cấp C. 

Tháng 3/2019, UBND TP.HCM cho biết đã có 10 đơn vị, là các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp liên doanh và cả doanh nghiệp nội địa xin tham gia đấu thầu dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa.

UBND TP.HCM đã có chủ trương rà soát lại quy hoạch cũ trước đây để nghiên cứu rà soát, điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tế. Ngoài ra, thành phố và Sở KH&ĐT cũng đang nghiên cứu để chọn những tiêu chí ổn nhất nhằm tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

Tuy nhiên, đến nay thành phố vẫn chưa có động thái cụ thể nào để "giải thoát" 4.000 hộ dân tại đây.

Thy Huệ

Tin mới