Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết, hiện Bộ nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định của 4 nhà xuất bản, gồm Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Đại học Sư phạm, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia TP.HCM.
Tổng cộng có 33 bản mẫu sách giáo khoa của đầy đủ 9 môn học và hoạt động giáo dục lớp 2 đã được gửi về. Trong số này, môn Toán có 4 bản mẫu sách giáo khoa; môn tự chọn Tiếng Anh có 8 bản; các môn còn lại gồm: tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên - xã hội, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ Thuật, Hoạt động trải nghiệm mỗi môn có 3 bản mẫu.
Giáo viên trực tiếp thẩm định
Để đảm bảo công tác thẩm định, Bộ trưởng GD&ĐT ban hành quyết định thành lập 9 Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa lớp 2. Thành phần bao gồm các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các tổ chức có liên quan. Đặc biệt, có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy môn học/hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng.
Giáo viên tham khảo các bộ sách giáo khoa lớp 1. (Ảnh: H.C)
Ông Tài cho biết, trong ngày 18/8, các Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa lớp 2 lần lượt nghe đại diện nhóm tác giả sách giáo khoa trình bày quan điểm, ý tưởng biên soạn, thảo luận, trả lời câu hỏi của hội đồng và trình bày các học liệu bổ trợ đi kèm sách giáo khoa.
Từ ngày 19/8, hội đồng sẽ nghe thành viên trình bày nhận xét về từng bản mẫu, thảo luận và thống nhất ý kiến về kết luận chung của hội đồng với từng bản mẫu sách giáo khoa; bỏ phiếu đánh giá chất lượng từng bản mẫu. Quá trình này diễn ra không quá 5 ngày/bản mẫu.
Trong quá trình thẩm định, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa có thể mời đại diện tác giả bản mẫu sách giáo khoa đến để trao đổi hoặc tham vấn ý kiến các nhà khoa học độc lập khi cần thiết, trước khi thông báo kết luận.
Tổ chức thẩm định sách giáo khoa trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ GD&ĐT thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Tất cả thành viên Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa tập trung về Hà Nội làm việc đều được rà soát lịch sử dịch tễ để đảm bảo không ai liên quan đến vùng dịch. Mỗi buổi, trước khi vào khu vực làm việc, các thành viên được đo thân nhiệt, yêu cầu rửa tay sát khuẩn và sử dụng khẩu trang y tế.
Trong phòng làm việc riêng của mỗi Hội đồng, các chỗ ngồi được bố trí đảm bảo giãn cách. Ban tổ chức cũng nhiều lần đề nghị các thành viên tự nâng cao ý thức phòng chống dịch COVID-19 để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, tập thể và cộng đồng xung quanh, ông Tài cho hay.
Thẩm định 2 đợt/năm
Để làm chặt chẽ hơn quy định về thẩm định sách giáo khoa và giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn Bộ GD&ĐT ban hành thông tư 23 (sửa đổi bổ sung một số điều của thông tư 33). Thông tư mới có hiệu lực từ 21/9 trong thời gian thẩm định sách giáo khoa lớp 2.
Lưu ý một số điểm mới trong thông tư 23, ông Thái Văn Tài cho biết, mỗi năm Bộ GD&ĐT tổ chức thẩm định sách giáo khoa nhiều nhất là 2 đợt; mỗi đợt thẩm định không quá 2 vòng, thay vì 3 vòng thẩm định như với sách giáo khoa lớp 1. Lý do của việc thay đổi này là để đảm bảo có đủ sách giáo khoa, kịp tiến độ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc thẩm định kéo dài 3 vòng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ phê duyệt, lựa chọn, in ấn, phát hành sách giáo khoa.
Giáo viên nghiên cứu lựa chọn sách giáo khoa lớp 1. (Ảnh: H.C)
Theo thông tư 23, các bản mẫu sách giáo khoa ở vòng thẩm định thứ 2 được Hội đồng quốc gia đánh giá là “Không đạt” và “Đạt nhưng cần sửa chữa” đều sẽ bị loại do không còn vòng thứ 3.
Các bản mẫu sách giáo khoa được đánh giá “Đạt nhưng cần sửa chữa” ở vòng 2 (đợt 1) có thể tiếp tục nộp hồ sơ đề nghị thẩm định vào đợt 2, cùng với các bản mẫu sách giáo khoa của những môn học/hoạt động giáo dục mà đợt 1 chưa có và các bản mẫu sách giáo khoa mới.
Quy trình thẩm định sách giáo khoa của đợt 2 được thực hiện giống đợt 1. Trong trường hợp môn học nào đó không có đơn vị đăng ký thẩm định bản mẫu sách giáo khoa, Bộ GD&ĐT sẽ chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ chức biên soạn.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học lưu ý, trong quá trình thẩm định sách giáo khoa, các Hội đồng cần tăng cường vai trò chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng, thư ký giám sát. Hoạt động thẩm định cần chuẩn mực và dứt khoát về mặt chuyên môn, công khai, minh bạch, công bằng giữa các nhóm tác giả và không chịu tác động từ bên ngoài.
Hầu hết thành viên Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa lớp 2 đều có kinh nghiệm thẩm định sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới khi đã tham gia Hội đồng thẩm định sách giáo khoa lớp 1.
Đây lợi thế lớn, nhưng ông Tài đề nghị các thành viên không vì thế mà chủ quan. Tất cả các công việc liên quan đến thẩm định sách giáo khoa cần thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, quy trình mà Bộ GD&ĐT quy định.