Nước là chất cần thiết cho mọi sự sống và là thành phần quan trọng trong cơ thể con người, chiếm khoảng 50% -60% trọng lượng cơ thể của một người trưởng thành khỏe mạnh.
Tất cả các phản ứng sinh hóa trong cơ thể con người đều phụ thuộc vào nước. Nước cũng có nhiệm vụ vận chuyển chất dinh dưỡng đến các cơ quan trong cơ thể, chuyển các chất chuyển hóa vào máu để phân phối, đồng thời bài tiết các chất thải chuyển hóa qua nước tiểu.
Nước cũng là một thành phần chính của hệ thống điều nhiệt giúp cơ thể duy trì thân nhiệt ổn định, cũng có chức năng bôi trơn các cơ quan và khớp xương.
Nước rất quan trọng với con người, do đó việc uống nước đúng cách là kiến thức mà chúng ta nên tìm hiểu.
Sau khi tăng cường uống nước, điều gì xảy ra với cơ thể con người?
1. Tăng cường uống nước để giảm nguy cơ nhiễm trùng thận và đường tiết niệu
Một nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng cho thấy, sau 12 tháng theo dõi, nhóm người uống thêm 1,5 lít nước mỗi ngày có nguy cơ viêm bàng quang giảm 1,5 lần so với nhóm người còn lại.
2. Tăng lượng nước tiểu có thể làm giảm nguy cơ sỏi thận và sỏi đường tiết niệu
Một phân tích Meta gộp nhiều nghiên cứu phát hiện ra rằng, trong các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng và nghiên cứu quan sát, những bệnh nhân hấp thụ nhiều chất lỏng có nguy cơ bị sỏi thận thấp hơn lần lượt 60% và 51%. Việc hấp thụ nhiều chất lỏng cũng làm giảm nguy cơ tái phát sỏi xuống 60% và 80%.
3. Thường xuyên uống trà có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ung thư dạ dày
Kết quả phân tích các mối tương quan cho thấy, việc uống một tách trà (khoảng 236ml) mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch xuống 4%; giảm nguy cơ tai biến tim mạch xuống 2%. Nếu uống 6 tách trà xanh mỗi ngày, có thể giảm nguy cơ ung thư dạ dày xuống 21%.
Chúng ta cần uống bao nhiêu nước mỗi ngày?
Một người trưởng thành khỏe mạnh trung bình cần hấp thụ khoảng 2700-3000 ml nước mỗi ngày, lượng nước này bao gồm nước được tạo ra từ quá trình trao đổi chất của cơ thể, nước hấp thụ từ thực phẩm và nước uống. Với người trưởng thành hoạt động thể chất nhẹ và sống ở vùng khí hậu ôn hòa, lượng nước tối thiểu cần hấp thụ mỗi ngày được khuyến nghị là 1500-1700 ml (khoảng 7-8 cốc).
Cần lưu ý những người làm việc, tập thể dục trong môi trường nhiệt độ cao vào mùa hè thường đổ nhiều mồ hôi, do đó nên tăng lượng nước uống tùy theo tình trạng thể chất và trạng thái sốc nhiệt.
Với người trưởng thành hoạt động thể chất nhẹ và sống ở vùng khí hậu ôn hòa, lượng nước tối thiểu cần hấp thụ mỗi ngày được khuyến nghị là 1500-1700ml
Phương pháp uống nước đúng cách
Nên tuân thủ ba nguyên tắc sau:
1. Nên uống nước nhiều lần trong ngày, chia thành từng lượng nhỏ, tránh uống quá nhiều cùng một lúc
Nên chia nước thành lượng nhỏ để uống nhiều lần trong ngày, có thể phân bổ thời gian uống nước vào bất kỳ thời điểm nào, mỗi lần uống khoảng 200ml (1 cốc). Chú ý không nên uống quá nhiều nước một lúc, bởi sẽ làm tăng gánh nặng cho dạ dày và ruột, gây loãng dịch vị, làm giảm tác dụng diệt khuẩn của dịch vị và cản trở quá trình tiêu hóa thức ăn.
2. Nên tích cực uống nước, đặc biệt là vào 3 thời điểm này trong ngày
Một trong những nguyên tắc quan trọng của thói quen uống nước lành mạnh là chủ động uống nước, bởi khi bạn cảm thấy khát tức là cơ thể đã phát đi tín hiệu thiếu nước để "cầu cứu".
Trong ba khoảng thời gian dưới đây nên chủ động uống nước:
- Uống nước khi thức dậy vào buổi sáng
Sau khi thức dậy vào buổi sáng, hãy uống một cốc nước lúc bụng đói để giảm độ nhớt của máu và tăng lượng máu tuần hoàn.
- Uống nước trước khi đi ngủ
Uống một cốc nước trước khi đi ngủ (nhưng không nên uống nhiều nước sau nửa giờ trước khi đi ngủ) sẽ giúp ngăn sự gia tăng độ nhớt của máu vào ban đêm.
- Uống nước sau khi đổ nhiều mồ hôi
Sau khi tập thể dục hoặc đổ nhiều mồ hôi cần kịp thời và tích cực bổ sung đủ nước theo nhu cầu của cơ thể.
Sau khi tập luyện nên uống nước muối loãng hoặc nước uống thể thao để bổ sung lượng nước và chất điện giải đã bị mất khi vận động cường độ cao và ra nhiều mồ hôi.
3. Nên hạn chế đồ uống có đá, có đường
Nên chọn nước đun sôi, trà, nước đậu xanh... để uống. Những thức uống kích thích vị giác như đồ uống có đá, có đường nên sử dụng càng ít càng tốt.
Trong trường hợp đặc biệt sau cần bổ sung nước muối loãng hợp lý:
Những người làm các công việc ra nhiều mồ hôi như vận động viên, nông dân, bộ đội, thợ mỏ, công nhân xây dựng, lính cứu hỏa hoặc hoạt động thể lực cường độ cao ngoài tăng cường uống nước, nên uống thêm nước muối loãng (nồng độ 0,9%) để ngăn ngừa sự thất thoát ion natri do đổ nhiều mồ hôi, duy trì sự cân bằng điện giải trong cơ thể và bổ sung thêm muối natri.
Natri liên quan mật thiết đến huyết áp của chúng ta, ăn quá nhiều muối sẽ ảnh hưởng đến huyết áp và làm tăng huyết áp. Vì vậy, trong những trường hợp bình thường, chúng ta cần kiểm soát lượng muối ăn vào và giảm lượng muối tiêu thụ.
Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt khi cơ thể đổ nhiều mồ hôi, chúng ta nên bổ sung nước muối loãng đúng cách. Có thể sử dụng nước muối sinh lý bình thường, pha ít muối (nồng độ muối 0,1%) vào nước đun sôi/nước trà, hoặc chọn nước uống thể thao phù hợp.