Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

3 mặt nạ vàng phát hiện ở Vũng Tàu được công nhận Bảo vật quốc gia

Ba mặt nạ vàng được các nhà khảo cổ phát hiện tại xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu vừa trở thành Bảo vật quốc gia.

Ngày 23/12, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức lễ công bố Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia và Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tại buổi lễ, ông Phạm Đình Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với 3 hiện vật mặt nạ vàng và Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ giỗ bà Phi Yến.

Ba mặt nạ vàng là các hiện vật đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam và Đông Nam Á, có đặc điểm chung hình chữ nhật, chế tác bằng kỹ thuật dập, thủ công bằng tay, với họa tiết hoa văn nổi như lông mày, mắt, sống mũi. Ba mặt nạ hiện vật này được các nhà khảo cổ phát hiện tại xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu.

Ba hiện vật mặt nạ vàng Giồng Lớn Long Sơn được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Cụ thể, năm 2002, Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khảo sát khảo cổ trên địa bàn toàn tỉnh, phát hiện di tích Giồng Lớn Long Sơn. Qua quá trình tiếp cận, các nhà khảo cổ phát hiện một số hiện vật nguyên vẹn, cho thấy đây là di tích quan trọng.

Qua 2 đợt khai quật lớn vào năm 2003 và 2005, trên diện tích gần 550m2, các nhà khảo cổ phát hiện 2.308 hiện vật bằng những chất liệu như gốm, đá, thủy tinh, mã não, kim loại màu vàng... ở trong khu mộ táng. Những hiện vật này đều có niên đại trên dưới 2.000 năm.

Bên cạnh hiện vật bằng đất nung, gốm, các nhà khảo cổ tìm thấy trang sức khá tinh xảo, trong đó có những chiếc vòng đeo tay, hạt chuỗi được tìm thấy lẫn trong cát. Đặc sắc nhất trong số hơn 2.300 hiện vật được tìm thấy tại Giồng Lớn là 3 chiếc mặt nạ bằng vàng tại 3 ngôi mộ khác nhau.

Đây là những mặt nạ vàng, gắn liền với tục táng tất của người xưa, phải là người có uy quyền, thế lực trong vùng mới được sự quan tâm của còn người sống với người đã chết như vậy.

Ba mặt nạ vàng có niên đại cách ngày nay khoảng hơn 2000 năm, là giai đoạn chuyển tiếp từ Tiền Óc Eo lên Văn hóa Óc Eo. Các hiện vật này có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, phản ánh những yếu tố về tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo xuất hiện tại khu vực ven biển Đông Nam Bộ.

Ba mặt nạ vàng Giồng Lớn được chôn cùng với các hiện vật mang truyền thống ven biển Đông Nam Bộ là minh chứng rõ nét cho sự tiếp xúc, giao thoa giữa các yếu tố nội sinh và ngoại sinh, giữa sự vận động nội tại của các văn hóa bản địa với tác nhân kinh tế, văn hóa, tôn giáo từ bên ngoài.

Với những giá trị văn hóa, lịch sử quan trọng, ngày 25/12/2021, Thủ tướng ban hành Quyết định số 2198 công nhận mặt nạ vàng Giồng Lớn Long Sơn là Bảo vật quốc gia. Hiện 3 mặt nạ vàng Giồng Lớn Long Sơn được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Lễ giỗ bà Phi Yến là lễ hội truyền thống được tổ chức cách đây 237 năm, diễn ra tại Di tích lịch sử-văn hóa An Sơn miếu, huyện Côn Đảo. Truyền thuyết về bà Phi Yến được lưu truyền và hoàn thiện thông qua truyền khẩu từ đời này qua đời khác trên huyện đảo, phản ánh triết lý nhân sinh quan phong phú của người dân nơi đây.

Ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao quyết định công nhận bảo vật quốc gia đối với 3 hiện vật mặt nạ vàng cho lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Lễ giỗ là di sản văn hóa phi vật thể có giá trị lịch sử, văn hóa-tín ngưỡng, nghệ thuật, thể hiện bản sắc của cộng đồng, hoạt động sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú không chỉ đối với người Việt, Hoa, Khmer của vùng đất Nam Bộ mà còn ảnh hưởng, thu hút đông đảo du khách.

Những năm gần đây, ngày giỗ bà Phi Yến trở thành lễ hội văn hóa lớn trong năm, được cộng đồng cư dân Côn Đảo cùng Đảng bộ, chính quyền địa phương tổ chức trang trọng, từng bước nâng lễ giỗ hàng năm thành lễ hội truyền thống, phù hợp tập quán, đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân trên đảo.

Phát biểu tại lễ công bố, ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhấn mạnh, việc được công nhận không chỉ là niềm tự hào của nhân dân trong tỉnh mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng của kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.

Đây cũng là điều kiện thuận lợi để nhân dân trong nước và khách du lịch quốc tế biết nhiều hơn về sự độc đáo của văn hóa vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu.

Nguồn: Vietnam Plus

Tin mới