Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

3 lời khuyên tưởng hay hóa ra vô ích mà nhiều người vẫn dùng để an ủi người khác

Những lời khuyên sáo rỗng không chỉ vô ích mà đôi khi còn có thể gây khó chịu cho người nghe.

Khi thấy một ai đó đang có chuyện buồn, chán nản, hầu hết mọi người đều muốn động viên và đưa ra lời khuyên để họ cảm thấy tốt hơn. Tuy nhiên, ít người biết rằng những từ ngữ mà mình sử dụng có thể không truyền tải được thông điệp muốn gửi gắm, mà đôi khi còn phản tác dụng. 

Dưới đây là một số những câu động viên, an ủi thường không có hiệu quả và đôi lúc còn trở nên vô duyên trong mắt người đang gặp chuyện buồn. 

“Hãy vui lên”

Lời động viên “hãy vui lên” không những chẳng giúp được việc gì mà còn khiến người nghe căng thẳng hơn. Có một sự thật là rất nhiều người đã phải vật lộn với những suy nghĩ tiêu cực khi ép buộc bản thân phải nghĩ rằng "mình là một người tích cực", rằng "mình phải vui, mình không được buồn như thế"...

Và việc khuyên nhủ, bảo họ "hãy vui lên" thật sự chỉ là những lời sáo rỗng. Nếu có thể nhanh chóng vui vẻ lại, họ đã không để mình chìm trong sự buồn bã rồi. 

Không ai có thể sống một đời toàn sự tích cực hoặc tiêu cực. Và những người thành công là những người tìm được sự cân bằng. Và những lúc một ai đó buồn phiền, việc tốt nhất chúng ta có thể làm chính là ở bên cạnh họ, để họ biết rằng họ không một mình là đủ.

"Hãy vui lên đi, đừng buồn nữa" là một trong những lời động viên vô dụng nhất với những người đang buồn. (Ảnh: Pinterest)

"Đừng lo lắng nữa"

Thật dễ dàng để khuyên người khác hãy ngừng lo lắng, vì nói dễ hơn làm. Tất nhiên, việc để bản thân bị cuốn vào những nỗi lo âu, sợ hãi cho những điều chưa xảy ra có thể gây tổn hại cho sức khỏe tinh thần, và nói một cách đơn giản thì, việc lo lắng như thế là không cần thiết.

Nói thì dễ hơn làm, việc gạt bỏ nỗi lo không phải cứ nói là được. (Ảnh: Pinterest)

Tuy nhiên, những mối bận tâm, lo lắng đó có thể giúp thúc đẩy một người thay đổi. Nếu một người lo lắng về tài khoản ngân hàng đang cạn kiệt, nỗi lo đó có thể khiến họ bắt đầu tiết kiệm nhiều hơn hoặc lập kế hoạch chi tiêu tốt hơn; nếu một người đang lo lắng về kỳ thi sắp tới, thì sự lo lắng đó có thể khuyến khích họ chăm học hơn một chút...

Vì vậy, nếu những người thân bên cạnh bạn đang gặp khó khăn với những trăn trở, hãy kiên nhẫn tìm cách lắng nghe điều họ đang lo âu là gì và đưa ra những lời khuyên thực tế hơn sẽ giúp ích cho họ rất nhiều.

"Hãy mạnh mẽ lên"

Tương tự với việc bảo ai đó đang buồn rằng "hãy vui lên", việc khuyên bảo một người phải mạnh mẽ sẽ rất dễ khiến đối phương chịu thêm nhiều áp lực, thay vì cảm giác được tiếp sức. Lúc này, họ sẽ cảm thấy "mình không được khóc, mình không được suy sụp..." bởi đó là những dấu hiệu của sự yếu đuối. 

Thế nhưng, chúng ta không cần phải tỏ ra mình mạnh mẽ để rồi gạt bỏ hết những cảm xúc của bản thân. Mạnh mẽ là dám chấp nhận mình thất bại, dám đối diện với cảm xúc của bản thân, dám buồn, dám khóc để rồi sau đó dám đứng lên và tiếp tục hành trình. 

Nếu như khóc là một cách mà chúng ta có thể sử dụng để giải tỏa, vượt qua một tình huống khó khăn nào đó thì không có lý do gì phải ngăn cản cả.

Là con người, chúng ta có quyền yếu đuối và nghỉ ngơi những lúc vấp ngã, để từ đó có sức mà vực dậy. (Ảnh: Pinterest)

Vậy đâu là điều đúng đắn nên làm khi chúng ta muốn giúp bạn bè, người thân mình trở nên tốt hơn khi đang rơi và chuyện buồn? 

Lắng nghe và thấu hiểu

Việc hiện diện ở đó và cho đối phương cảm nhận được rằng họ không cô đơn, được lắng nghe, thấu hiểu là một sự an ủi rất lớn.

Rất nhiều người thật sự chỉ cần một nơi để trút bầu tâm sự và tìm ai đó thật sự có thể lắng nghe. Khi bạn đủ kiên nhẫn để ngồi bên họ, cho phép họ có thể nói ra những tâm tư, có thể khóc trước mặt bạn thật thoải mái, thì điều này thực sự đã là một hành động giúp đỡ hữu ích và có ý nghĩa nhất rồi.  

Cersei (Tổng hợp)

Tin mới