Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

3 bộ phận cơ thể dễ bị phát bệnh vào mùa hè, nên chăm sóc cẩn thận để phòng ngừa

(VTC News) -

Chúng ta cần chú ý quan tâm và chăm sóc những bộ phận này của cơ thể vào mùa hè.

Vào mùa hè nắng nóng, việc mặc ít quần áo và ăn nhiều đồ sống, lạnh sẽ khiến các bộ phận quan trọng của cơ thể như da, dạ dày, tim mạch dễ bị tổn thương, thậm chí mất nhiều thời gian để phục hồi. Vì thế, chúng ta cần chú ý quan tâm và chăm sóc những bộ phận này khi mùa hè đến.

 

1. Đường tiêu hóa

Mùa hè nóng nực khiến hầu hết mọi người đều không có cảm giác ngon miệng, thèm ăn. Nhiều người còn thích ăn đồ lạnh, uống nước đá. Tuy nhiên, việc ăn uống như vậy sẽ gây tổn thương niêm mạc dạ dày, càng ăn nhiều đồ lạnh càng làm tăng gánh nặng cho dạ dày.

Một số người sụt cân, thậm chí bị suy dinh dưỡng sau khi bước vào mùa hè, nguyên nhân chủ yếu liên quan đến việc chán ăn và tiêu hao quá nhiều năng lượng. Do vậy, chúng ta nên bảo vệ đường tiêu hóa trong mùa hè.

Hãy sắp xếp hợp lý ba bữa ăn trong ngày, ăn ít đồ lạnh, có đá. Khi chán ăn,có thể uống thêm ngũ cốc hoặc rau củ và trái cây, thay thế đồ uống có đá bằng trà loãng hoặc nước ấm, hạn chế mặc áo hở rốn, che chắn vùng bụng dưới cẩn thận khi ngủ để chống lạnh.

Ngoài ra, hãy duy trì một thói quen sinh hoạt điều độ, tránh thức khuya và không ăn bất cứ thực phẩm nào trước khi đi ngủ 3 tiếng. Việc thường xuyên xoa bóp vùng bụng cũng giúp thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa.

 

2. Da

Vào mùa hè, quá trình trao đổi chất của cơ thể diễn ra mạnh mẽ. Bên cạnh đó, mọi người cũng tăng cường các hoạt động ngoài trời như đạp xe, bơi lội, leo núi. Việc tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời trong các hoạt động ngoài trời, đặc biệt là từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, có thể gây bỏng da do tác động mạnh của tia cực tím.

Tia cực tím mạnh cũng làm tổn thương lớp biểu bì và lớp trung bì của da, làm cho da trở nên sẫm màu hơn, các tế bào biểu bì bị rám nắng mất khoảng 2 tháng để hoàn thành quá trình trao đổi chất.

Ngoài ra, da cũng có chức năng ghi nhớ nhất định. Những vùng da thường xuyên bị tổn thương rất dễ bị lão hóa, ví dụ da mặt, cánh tay và mu bàn tay thường sớm xuất hiện các vết đồi mồi và nếp nhăn.

Tuy vậy, khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, da cũng sản sinh ra vitamin D, giúp đường tiêu hóa hấp thụ tốt canxi và magie, đồng thời thúc đẩy sản xuất tế bào xương.

Song vẫn nên phơi nắng ở mức độ phù hợp, thời gian không quá 20 phút, có thể bố trí vào khoảng 8-9 giờ sáng hoặc sau 4 giờ chiều. Nếu phải hoạt động ngoài trời, cần thoa kem chống nắng, đội mũ che nắng, cố gắng không ra ngoài trong khoảng thời gian từ 10 giờ đến 4 giờ chiều.

 

3. Tim

Mùa hè nắng nóng khiến năng lượng cơ thể tiêu hao nhiều, quá trình tuần hoàn máu bị đẩy nhanh, nhu cầu về chất dinh dưỡng và oxy tăng cao, gây tăng gánh nặng cho tim. Ngoài ra, thời tiết nóng nực cũng khiến con người dễ trở nên cáu kỉnh, làm tăng huyết áp. Bên cạnh đó, khi đổ nhiều mồ hôi, cơ thể cũng dễ bị mất nước và gây ra tình trạng say nắng.

Vì vậy, khi mùa hè đến, cần chăm sóc tốt tâm lý, cảm xúc của bản thân, duy trì thái độ vui vẻ, tích cực, tránh bực tức, nóng nảy quá mức, xây dựng thói quen sống lành mạnh, tránh hút thuốc và uống rượu, ăn nhiều rau quả tươi, kiểm soát lượng calo nạp vào cơ thể, bổ sung nước hợp lý cho cơ thể, tránh tình trạng mất nước. Khi ra ngoài trời cảm thấy nhức đầu, chóng mặt hoặc khó chịu, hãy tìm đến nơi mát mẻ để nghỉ ngơi.

Nhìn chung, vào mùa hè cần bảo vệ tốt 3 bộ phận trên của cơ thể, không nên nằm trong phòng điều hòa lâu, đặt nhiệt độ của điều hòa khoảng 26 độ C, chênh lệch nhiệt độ giữa trong nhà và ngoài trời không nên vượt quá 7 độ C.

Lan Hương (Nguồn: Familydoctor)

Tin mới