Thực phẩm đua tăng giá
Theo ghi nhận của VTC News sáng 23/1 (29 Tết Canh Tý), tại chợ dân sinh Hà Nội, giá bán các loại thịt bò tăng từ 15 - 20%. Cụ thể, thịt nạc mông tăng từ 270.000 đồng/kg lên 300.000 đồng/kg, gầu quấn cũng được bán với giá 270.000 đồng/kg, thịt bắp có mức tăng mạnh nhất từ 350.000 đồng/kg lên 400.000 đồng/kg.
Bà Lê Thị Sen, tiểu thương kinh doanh thịt bò tại chợ Khương Trung cho biết: "Giá thịt bò năm nay tăng nhiều hơn mọi năm, thời điểm trước lễ ông Công, ông Táo loại thịt này cũng đã tăng khoảng 15% do lượng người tiêu thụ tăng cao dịp Tết, một phần cũng vì giá thịt lợn cũng tăng khá mạnh trong thời gian vừa rồi khiến người tiêu dùng chuyển sang ăn thịt bò nhiều hơn. Hôm nay là 29 Tết cũng là đỉnh điểm của đợt tăng giá, thịt bắp bò loại một tôi bán với giá 400.000 đồng/kg mà còn không đủ để giao cho khách".
Giá thịt bò tăng cao lên tới gần nửa triệu đồng/kg. (Ảnh: Ngọc Khánh)
Ngoài thịt bò, giá gà ta cũng tăng mạnh từ 130.000 đồng/kg lên 170.000 đồng/kg do nhu cầu tăng cao, người dân mua về thắp hương.
Đáng chú ý, thịt lợn lại không tăng giá trong ngày này. Theo khảo sát, thịt ba chỉ đang được bán với giá 150.000 đồng/kg, sườn dao động từ 170.000 - 200.000 đồng/kg, thịt chân giò có giá 150.000 đồng/kg. "Ngày trước lúc tôi nhập lợn móc giá 55.000 đồng/kg thì thịt lọc bán với giá 110.000 đồng/kg. Nay móc lên 115.000 đồng/kg nhưng thịt lọc cũng chỉ tăng lên 150.000 đồng/kg, lãi chẳng bao nhiêu nhưng khách mua cũng ít. Năm nay rất ế, 29 Tết rồi mà khách hàng chẳng mặn mà gì với thịt lợn thì chắc 30 cũng vậy", bà Tuyết Mai tiểu thương chợ Vĩnh Hồ chia sẻ.
Gà ta cũng tăng giá mạnh trong ngày hôm nay. (Ảnh: Ngọc Khánh)
"Loạn" giá chuối thắp hương
Đây là mặt hàng được nhiều người tìm mua nhất thời điểm này. Tuy nhiên cách định giá lại theo "cảm hứng" của người bán. Theo ghi nhận, giá một nải chuối to loại 20 quả đều, có nhiều râu tại chợ Thượng Đình được bán với giá 40.000 - 60.000 đồng, tuy nhiên tại chợ Mỹ Đình nải chuối 19 quả lại được hét giá lên tới gần 200.000 đồng.
Chuối là mặt hàng biến động giá nhiều nhất. (Ảnh: Ngọc Khánh)
"So với năm trước, chuối nải năm nay rẻ hơn khoảng 40%, tôi vừa mua nải chuối to đẹp với giá 40.000 đồng, người bán ra giá 50.000 đồng nhưng mặc cả thì họ bán với 40.000 đồng", chị Thuỳ Linh một người tiêu dùng chia sẻ.
Không lo thiếu thực phẩm dịp Tết
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tổng giá trị lượng hàng dự trữ phục vụ Tết của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 20-25% so với các tháng thường trong năm; lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn tăng khoảng 10% so với năm trước. Các mặt hàng dự trữ tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu...
Năm nay, các doanh nghiệp tiếp tục chú trọng cải thiện mẫu mã, chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm hàng hóa phục vụ Tết. Hàng Việt Nam, nhất là bánh mứt kẹo, thực phẩm chế biến ngày càng chiếm tỉ trọng cao trong hàng hóa phục vụ Tết và chiếm chủ yếu trong danh mục hàng bình ổn thị trường của các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn tại các địa phương.
Đối với mặt hàng thịt lợn, theo cam kết với Bộ Công Thương, hệ thống siêu thị Big C và GO đã thông báo sẽ bán thịt lợn với giá vốn (không lợi nhuận) từ ngày 28/12/2019 đến hết Tết Nguyên đán 2020 nhằm đồng hành cùng Chính phủ bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn; Hệ thống siêu thị Saigon Co.op cũng đã có dự kiến tăng nguồn cung thịt lợn ra thị trường vào dịp Tết với lượng tăng 30-40% so với hiện nay, đồng thời tham gia và thực hiện cam kết bán theo mức giá bình ổn thị trường tại các địa phương.