Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

2020: Năm tồi tệ nhất của nước Mỹ

(VTC News) -

2020 dường như được ghi nhận là năm tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ với những biến động khủng khiếp trong đời sống xã hội với ảnh hưởng từ dịch bệnh, thiên tai…

Theo The Hill, 2020 đang được xem là năm tồi tệ nhất với nhiều người Mỹ. Đó là một năm mất mát, lo lắng, nghèo đói và bệnh tật. Để có sự phục hồi, mọi thứ trở lại bình thường như trước khi dịch COVID-19 xuất hiện, có lẽ sẽ phải mất nhiều năm.

Người Mỹ sẽ nhớ đến năm nay bởi đại dịch COVID-19 đã lây nhiễm cho hàng triệu bạn bè, hàng xóm và các thành viên trong gia đình họ. Đến nay, Mỹ vẫn là ổ dịch lớn nhất trên thế giới với 19.563.231 trường hợp mắc COVID-19. Mỗi ngày, nước này ghi nhận 1/4 triệu người nhiễm nCoV.

Hơn 341.000 người ở Mỹ đã chết vì virus corona mới xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019, lây lan trên toàn cầu với tốc độ đáng báo động và thay đổi cuộc sống loài người.

Thiệt hại kinh tế mà đại dịch COVID-19 mang lại cho nước Mỹ là khôn lường, hàng triệu người Mỹ bị mất việc làm, thu nhập giảm sút, nhiều người không còn duy trì cuộc sống ổn định, bình thường vốn có trước đây.

Một người vô gia cư tàn tật ngồi trong mưa tại khu phố Echo Park, Los Angeles, ngày 6/4. Đại dịch COVID-19 khiến cho cuộc sống của người vô gia cư tại Mỹ càng khó khăn hơn, Thống đốc California Gavin Newsom đã ký một lệnh khẩn cấp cho phép chi 150 triệu USD để giúp đỡ những người vô gia cư trong thời kỳ đại dịch. (Ảnh: AP) 

Gần một nửa số người Mỹ nói rằng, họ đã mất thu nhập kể từ tháng 3 - thời điểm Cục điều tra dân số Mỹ bắt đầu theo dõi tình hình suy thoái kinh tế do tác động của đại dịch. Tác động của dịch bệnh là không giống nhau giữa các nhóm người đang sinh sống tại Mỹ. Người da màu và gốc Tây Ban Nha thường cho rằng, họ bị mất thu nhập hơn người da trắng.

Giờ đây, ở Mỹ, có ít việc làm hơn so với thời điểm tháng 11/2015. Việc làm ở khu vực tư nhân cũng ít hơn so với thời điểm Tổng thống Donald Trump nhậm chức vào tháng 1/2017. Tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã tăng cao sau những đợt đóng cửa khắc nghiệt nhất nhằm ngăn chặn lây lan của dịch bệnh.

Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, một số lượng lớn người Mỹ đã từ bỏ tìm kiếm việc làm. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, tỷ lệ thường dân trên 16 tuổi tham gia lực lượng lao động, vào tháng 9 thấp hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ mùa hè năm 1976.

Trong các lĩnh vực kinh tế, giải trí và khách sạn bị ảnh hưởng nặng nề nhất do các biện pháp hạn chế đi lại được áp dụng để phòng dịch. Theo phân tích của nhà nhân khẩu học Cheryl Russell, gần một nửa số công việc liên quan đến du lịch ở Hawaii đã biến mất, trong khi 49 bang và Đặc khu Columbia đã chứng kiến ​​lĩnh vực giải trí và khách sạn giảm mạnh về doanh số.

Theo Hiệp hội Nhà hàng quốc gia, 1/6 nhà hàng ở Mỹ đóng cửa lâu dài, thậm chí là vĩnh viễn. Khoảng 110.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng thua lỗ trong mùa dịch.

Những tổn thất kinh doanh đó đang trở thành nỗi đau rất thực cho các gia đình có thu nhập thấp, những người đang phải vật lộn để kiếm sống ngay cả trước khi đại dịch xảy ra.

Kể từ tháng 3, gần 8 triệu người Mỹ rơi vào cảnh nghèo đói, đảo ngược xu hướng giảm tỷ lệ nghèo trong nhiều năm. Theo báo cáo từ các học giả tại Đại học Chicago, Đại học Notre Dame và Phòng thí nghiệm Wilson Sheehan về Cơ hội Kinh tế, tình trạng nghèo đói tăng lên hàng tháng kể từ thời điểm tháng 6. Gần 1/4 những người có trình độ học vấn trung học trở xuống đang sống dưới mức nghèo khổ.

Từ tháng 2 đến tháng 4, hơn 3 triệu hộ gia đình và 6 triệu cá nhân Mỹ đã đăng ký Chương trình Hỗ trợ dinh dưỡng bổ sung - còn được gọi là phiếu thực phẩm. Cục điều tra dân số Mỹ cho biết, hơn 27 triệu người thường xuyên rơi vào cảnh không đủ ăn.

Trong khi đó, theo thống kê của Hội đồng Nhà ở quốc gia Mỹ, trong tháng này, gần 1/4 số hộ thuê nhà chưa trả tiền thuê, mức thấp nhất trong năm. Do đó, nhiều gia đình đang đối mặt với nguy cơ vô gia cư bởi chủ nhà có thể đuổi họ bất cứ lúc nào.

Đồng thời, có những dấu hiệu cho thấy đại dịch đang phá vỡ cuộc sống bình thường theo những cách có thể gây ra hậu quả lâu dài hơn. Dữ liệu từ 33 bang ở Mỹ được phân tích bởi Chalkbeat và AP cho thấy, việc ghi danh vào các trường công lập đã giảm khoảng 2%, tương đương nửa triệu học sinh.

Trên khắp nước Mỹ, tội phạm bạo lực tăng lên mức chưa từng thấy. Sau nhiều năm tỷ lệ tội phạm giảm, tỷ lệ giết tội phạm đang ở mức cao nhất ở cả các thành phố lớn và nhỏ, từ Houston và Chicago đến Tacoma, Washington.

Các quan chức thực thi pháp luật và y tế Mỹ cho biết, có sự gia tăng đáng báo động về số người chết do dùng thuốc quá liều, làm đảo ngược những tia hy vọng sớm nhất rằng Mỹ đã xử lý được cuộc khủng hoảng nghiện opioid -­ thuốc giảm đau.

Nhiều người Mỹ xếp hàng xin trợ cấp thất nghiệp trong năm 2020. (Ảnh: Reuters)

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), số lượng người chết do dùng thuốc quá liều và quá hạn tăng trong năm nay. 10 bang báo cáo tình trạng quá liều gần như tăng gấp đôi. Năm nay, tại San Francisco, số người chết vì dùng thuốc quá liều lớn hơn nhiều so với số người chết vì dịch bệnh COVID-19.

Bên cạnh đó, tình hình khí hậu đang có dấu hiệu biến đổi theo hướng trở nên tồi tệ hơn trước. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, cơ quan của Liên hợp quốc theo dõi dữ liệu khí hậu, năm nay là năm ấm nhất được ghi nhận. Ở Tây bán cầu, cư dân vùng Caribe và Nam Mỹ trải qua mùa bão Đại Tây Dương hoạt động mạnh nhất. Trong năm 2020 có 30 cơn bão vượt Đại Tây Dương, kỷ lục về số cơn bão so với năm 2005 từng có tới 28 cơn bão.

Ở miền Tây nước Mỹ, những người lính cứu hỏa đã chiến đấu với một trong những mùa cháy rừng dữ dội nhất được ghi nhận trong lịch sử nước này. Hơn 41 hecta bị thiêu rụi, riêng ở California, gần 4% toàn bộ diện tích bang bị bốc cháy.

Có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại hơn, thậm chí vượt ra ngoài phạm vi và quy mô của các mùa thiên tai. Đó là hiện tượng cháy rừng và mùa bão đều bắt đầu sớm hơn và kết thúc muộn hơn so với những năm gần đây.

Ngoài ra, theo khảo sát của Hiệp hội Tâm lý Mỹ, nhiều người Mỹ cho rằng, vấn đề sức khỏe tâm thần của họ giờ đây kém hơn so với thời điểm này năm ngoái, Khoảng 2/3 người Mỹ cho biết, họ cảm thấy lo lắng hoặc căng thẳng ít nhất vài ngày/tuần.

Tuy nhiên, cũng đã có những hy vọng mở ra cho năm 2021 khi giới chức Mỹ đã phê duyệt 2 loại vaccine COVID-19, phục vụ cho việc tiêm chủng ngăn ngừa dịch bệnh. Nền kinh tế Mỹ cơ bản đã sẵn sàng cho một sự phục hồi mạnh mẽ khi cuộc khủng hoảng sức khỏe qua đi.

Với những gì đã xảy ra trong năm 2020, một năm đầy mất mát và đau khổ, sẽ không ai thấy tiếc khi đồng hồ điểm vào nửa đêm ngày 31/12 - thời khắc giao thoa, kết thúc năm cũ và chuyển sang năm 2021 với rất nhiều điều khó đoán định.

Kông Anh

Tin mới