Nhiều năm nay, mô hình cho vay tiền qua ứng dụng (app) nở rộ dưới danh nghĩa là những tổ chức hỗ trợ tài chính hợp pháp. Song thực tế, đây là những tổ chức cho vay nặng lãi với mức lãi suất cắt cổ và cách đòi nợ theo kiểu khủng bố.
Một số nạn nhân thậm chí phải tìm đến cái chết để tự giải thoát. Thực trạng này thôi thúc tôi tới hành trình thâm nhập vào “hang ổ” app cho vay.
Một tuần thâm nhập 'sào huyệt' cho vay qua app, thót tim xem cảnh hù dọa con nợ
Vào “hang cọp”
Đầu tháng 2/2023, sau hơn một tuần tập hợp những nạn nhân đang bị các app cho vay “khủng bố”, tôi quyết định vào tận hang ổ, dù trước đó, hai người anh thân tín (là công an và luật sư) đã ra sức can ngăn tôi vì lý do: “Mặt em có bôi tro trét trấu lên cũng không thể nào giống một đứa nhân viên thu hồi nợ được. Mà tụi cho vay toàn mafia, bớt liều đi”.
Buổi tuyển dụng tại Công ty Oncredit.
Việc cần làm đầu tiên, không thể thiếu cho hành trình vào vai nhân viên thu hồi nợ đó là chuẩn bị một bộ sơ yếu lý lịch. Bằng các thủ thuật, tôi đã có một cái tên mới, với lý lịch không thể nào hợp lý hơn: 20 tuổi, học hết THPT, đã từng làm nhân viên thu hồi nợ một số app cho vay và hiện đang thất nghiệp.
Không loại trừ trường hợp nếu bị phát hiện sẽ bị truy tìm thông qua ảnh dán trên hồ sơ, để rồi bêu xấu khắp nơi, tôi phải tự “chế” cho mình một chiếc ảnh thẻ mà “nhìn qua thì là tôi, nhưng nhìn kỹ không phải là tôi”.
Sau khi sắm một số điện thoại mới, với các tài khoản mạng xã hội tương ứng danh tính mới, tôi gọi điện đến Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Tài chính Oncredit (Công ty Oncredit) để xin lịch hẹn phỏng vấn.
“Biết thông tin tuyển từ đâu vậy?” là câu đầu tiên mà người đầu dây nói với tôi. Dĩ nhiên, tôi đã chuẩn bị sẵn câu trả lời: “Dũng, G3 giới thiệu”. Thật ra tôi nào biết ai là Dũng, tôi chỉ biết rằng, app Oncredit đang vận hành với 4 cấp bậc G1-G4. Và với hàng trăm nhân viên, thể nào chẳng có người tên Dũng.
Người đầu dây có vẻ tin lời tôi. Anh ta yêu cầu tôi gửi hồ sơ xin việc qua Zalo để xem trước. Sau khi xem hồ sơ, anh ta hẹn tôi sáng hôm sau đến công ty để phỏng vấn trực tiếp.
Bất ngờ khi được hẹn phỏng vấn quá nhanh, vừa cúp máy, tôi lập tức lao tới tiệm làm tóc để “sắm” cho mình một quả đầu mới, hợp với hình ảnh một thanh niên không bằng cấp, thất nghiệp. Để chắc chắn hơn, tôi thoa lên mặt loại thuốc rượu mà chị em phụ nữ vẫn thường dùng để tái tạo da. Trong khoảng 10 ngày kể từ lúc bôi, da mặt sẽ luôn trong tình trạng sưng đỏ, bong tróc.
Sáng hôm sau, với mái tóc vàng chóe, khuôn mặt sưng đỏ và chiếc quần jeans rách, tôi đến trụ sở Công ty Oncredit tại lầu 8, tòa nhà Cantavil Premier (đường Song Hành, phường An Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM) để phỏng vấn theo lịch hẹn.
Đón tôi vòng đầu là một thanh niên tên T., khoảng 30 tuổi. T. xởi lởi đưa cho tôi bản khai 3 trang, yêu cầu tôi điền hết.
Tôi bất ngờ với bản khai của một nhân viên thu hồi nợ lương chưa đầy 5 triệu đồng/tháng: Họ tên cha mẹ, số điện thoại của cha mẹ, nơi ở hiện tại của cha mẹ; họ tên sếp cũ, số điện thoại sếp cũ; họ tên đồng nghiệp cũ, số điện thoại của đồng nghiệp cũ…
Bị đưa vào thế khó, nếu “điền đại”, ngộ nhỡ chúng tham chiếu không trùng khớp sẽ gay to, tôi quyết định đánh liều trả lời: “Em sống với bà nội từ bé, nhưng bà nội mất 5 năm rồi”. T. hỏi tiếp: “Cha mẹ thì sao?”, lúc này tôi đã cúi gầm mặt, lắc nhẹ đầu. Chiêu này giúp tôi lấy được sự cảm thông của T., hắn cho phép tôi “điền đại” cho xong thủ tục.
Khi T. rời đi, một thanh niên khoảng 32 tuổi với khuôn mặt bặm trợn đến kiểm tra khả năng thu hồi nợ của tôi. Với tay này, tôi dùng giọng “chợ” trả lời. Hài lòng với sự “máu chiến” và “rành nghề” của tôi, gã đánh dấu hồ sơ của tôi vào ô G3.
Ở vòng phỏng vấn cuối, ông Giám đốc công ty đích thân “dò” người. Dù tôi đã tỏ ý được mang khẩu trang vì da mặt bị dị ứng sưng đỏ, ông Giám đốc vẫn nhất quyết muốn tôi tháo ra: “Dị ứng thì có sao đâu, trước sau gì chả thấy mặt nhau”. Chỉ đến lúc tôi bỏ khẩu trang, người này mới tiếp tục lên tiếng.
Trong quá trình phỏng vấn, ông Cang luôn nhìn chăm chăm vào mắt tôi, như để chắc chắn không thể có một đối tượng “khả nghi” nào lọt vào công ty. Để không bị nghi ngờ, tôi gật đầu tất cả mọi lời ông Cang nói. Duy chỉ ở vấn đề lương, tôi nói muốn được một mức thu nhập tốt hơn. Chẳng một đối tượng “khả nghi” nào lại đi mặc cả lương với giám đốc cả, ông ta đồng ý.
Và thế, tôi trở thành nhân viên thu hồi nợ của Oncredit.
Bên trong "hang ổ" Công ty Oncredit.
“Mày là nhà báo phải không?”
Trước ngày đi làm, tôi thông báo với tòa soạn và người thân về việc trong khoảng 2 tuần tới, hãy chỉ liên lạc với tôi ngoài giờ hành chính. Bởi trong giờ hành chính, tôi bận vào vai, các thiết bị kết nối với tôi đều sẽ tạm khóa.
Ngày đi làm đầu tiên, vẫn bộ dạng lấc ca lấc cấc, tôi đến công ty đúng 8h. Vào vai, tôi tự nhắc nhớ mình chỉ là một thanh niên 20 tuổi, hơi khờ khạo nhưng lại giỏi “truy sát” con nợ.
Chủ động tìm cho mình một chỗ ngồi khuất tầm nhìn, nhưng ngay tức khắc tôi đã bị tay quản lý kéo tới vị trí trung tâm: “Ngồi đó làm gì, ngồi đây đi để còn dễ chỉ việc”. Và thế, cạnh tôi là tay quản lý cấp 1 mặt luôn nhăn nhó, phía trước là hai quản lý cấp 2, và ở trên là hai chiếc camera giám sát luôn chĩa thẳng vào người. Mọi cử chỉ của tôi đều bị giám sát.
Nhận thấy tình hình không ổn, tôi quyết định ngoan ngoãn làm nhân viên học việc trong 3 ngày đầu. Trong 3 ngày này, tôi đúng nghĩa là một nhân viên mới luôn gọi-dạ, bảo-vâng, hồ hởi khen hay mỗi lần nghe đồng nghiệp gọi điện chửi, hăm doạ con nợ.
Tại đây, một quy định bất thành văn là nhân viên không được quay phim, chụp hình lúc đang làm việc, và tuyệt đối không chụp màn hình máy tính gửi đi bất kỳ đâu. Dù biết vậy, nhưng lấy cớ là nhân viên mới, khó ghi nhớ, một lần tôi đã liều xin người hướng dẫn cho dùng điện thoại quay lại thao tác gọi và lưu thông tin trên máy tính.
Laptop luôn được chuẩn bị sẵn.
Quay chưa đầy 15 giây, tay quản lý đã đứng sau tôi, gằn giọng quát: “Quay làm gì, làm vài ba hôm sẽ tự động nhớ. Mở album hình trên điện thoại đi, xóa hết những thứ vừa quay đi”. May mắn cho tôi, album hình lúc đó chỉ có vài ba tấm ảnh vớ vẩn tôi tải sẵn, lường trước trường hợp bị kiểm tra như hiện tại. Tôi xóa video, tay quản lý không nói gì.
Những ngày tiếp theo, nhận thấy tình hình bớt căng thẳng, tôi lên kế hoạch sử dụng thiết bị ghi âm, quay phim lén. Trong một lần sử dụng bút quay phim đang giả vờ ghi chép, tôi thót tim khi nhân viên cạnh bên nói muốn mượn cây bút. Thật may, người này mới 18 tuổi, chỉ vào làm trước tôi nửa tháng, cầm cây bút cậu ta không phát hiện ra điều bất thường.
Cách vị trí của tôi 3 người là chỗ ngồi của một nhân viên G4 tên H. Là con gái, nhưng H. được mọi người trong công ty gọi là “bà la sát”. Ngoại trừ đám đàn ông bặm trợn, những cuộc gọi đòi nợ của H. khiến ai cũng phải hãi. Riêng tôi, tôi thấy hứng thú vì đã tìm được mục tiêu tiếp cận.
Giờ nghỉ trưa, tôi lân la làm quen với H. bằng cách rủ đi ăn. Tuy H. từ chối vì đã mang cơm theo, nhưng cách này ít nhiều giúp tôi tiếp cận được H. Trong giờ làm việc chiều, H. chủ động xin quản lý cho tôi qua ngồi cạnh để chỉ việc. Với đề nghị của người được việc như H., quản lý không có lý do gì để từ chối.
H. chia sẻ thật với tôi: “Ngoài có hiền cỡ nào đi nữa, thì lúc cầm điện thoại lên phải dữ. Phải chửi, phải dọa thì tụi nó mới trả nợ, mà dọa vẫn không sợ thì làm thật. Ảnh nó, vợ con nó, đăng lên mạng hết…”.
Khi đang gật gù với những truyền tải của “tiền bối”, nhỏ nhân viên ngồi cạnh không biết đã để ý cuộc trò chuyện của chúng tôi từ bao giờ. Nhỏ liếc qua tôi, giọng nửa thật nửa đùa hỏi: “Mày là nhà báo phải không? Mày vào đây lấy thông tin viết bài đúng không?”. Vừa dứt lời, nhỏ quay qua lay vai tay quản lý: “Anh ơi, nó là là nhà báo vào lấy tin viết xấu công ty kìa anh”.
Khoảnh khắc đó khiến tôi nghẹt thở, chân tay lạnh toát, mồ hôi lã chã sau gáy.
"Các nhà đầu tư" người nước ngoài luôn có mặt tại công ty.
Sau 3 giây khựng lại, tôi đánh liều phá lên cười: “Em á, xịn vậy á! Chị H. ơi, em giống nhà báo không?”. “Đồ điên! Tụi bây lo làm việc đi!”, H. quát tụi tôi, như thể vừa nghe câu chuyện hết sức tào lao. Tôi được giải vây, nhưng tay quản lý lại bắt đầu dò xét tôi bằng ánh mắt của những hôm đi làm đầu tiên.
Nhận thấy không thể “đánh nhanh rút gọn”, tôi lại trở về làm nhân viên ngoan ngoãn, cật lực “dí” con nợ. Lúc này, tôi vẫn phải dùng “ké” tài khoản của một số nhân viên cũ.
Thêm vài ngày sau, khi được cấp tài khoản riêng trên ứng dụng nghe gọi thu nợ của công ty, tôi bắt đầu ghi nhớ. Từ những ghi nhớ này, cộng với thông tin đăng nhập của tay quản lý mà tôi có được sau nhiều ngày để ý, tôi thâm nhập được hệ thống quản lý của công ty.
Trong hơn 10 ngày làm nhân viên thu nợ tại Oncredit, nhiều đêm tôi mất ngủ vì sợ bị “thủ tiêu” như lời hăm dọa của vài anh chị đồng nghiệp: “Động tới lợi ích nhóm, lợi ích quá lớn thì một cái mạng của mình chẳng là gì với tụi mafia đó đâu. Rút đi, thông tin có nhiêu rồi xài nhiêu!”.
Ấy thế, dù sợ hãi, nhưng vì lời hứa “sẽ cố hết sức” với những nạn nhân đang “sống dở chết dở” vì vướng vào app cho vay, tôi đã đi tới cùng.
Cuối tháng 3/2023, Báo điện tử VTC News đăng loạt bài điều tra về app cho vay tiền và đòi nợ theo kiểu khủng bố Oncredit, thu hút sự quan tâm đặc biệt của độc giả. Sau loạt phóng sự điều tra của VTC News, lực lượng chức năng TP.HCM đã kiểm tra Công ty Oncredit, và doanh nghiệp này buộc phải ngưng hoạt động thu hồi nợ.
Đến hiện tại, mỗi khi bắt đầu một chuyên đề mới, tôi lại tự dặn lòng “Thôi, nốt lần này thôi!”. Thế nhưng, đam mê mà, đam mê thì khó nào mà từ bỏ.
Sau loạt phóng sự điều tra của VTC News, lực lượng chức năng TP.HCM đã điều hàng chục cảnh sát đến kiểm tra Công ty Oncredit.
Về những cuộc gọi và tin nhắn đe dọa, khủng bố khách hàng, đại diện công ty cho biết, chủ trương của công ty luôn là "niềm nở, lịch sự và tôn trọng người vay". Tuy nhiên, "một vài nhân viên không tuân thủ nên lỗi không phải của công ty".
Kiểm tra giấy phép hoạt động, lực lượng chức năng phát hiện, ngành nghề mà Công ty Oncredit đăng ký tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM không hề có mục nào liên quan đến tín dụng hay thu hồi nợ. Do đó, doanh nghiệp này buộc phải ngưng hoạt động thu hồi nợ.