Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

2 năm liên tiếp không có thưởng, nhiều nhân viên y tế ngậm ngùi vay tiền sắm Tết

(VTC News) -

Hơn 2 năm thực hiện tự chủ theo Nghị định 60, mọi thu chi nội bộ Bệnh viện Phổi Hà Nội bị thắt chặt, không thể xoay thưởng Tết cho nhiều y bác sĩ, điều dưỡng.

Cắn răng vay tiền để sắm Tết

17h30, chị N.H. (31 tuổi, điều dưỡng tại Bệnh viện Phổi Hà Nội) thay vội bộ quần áo điều dưỡng, nhanh chóng trở về nhà trọ sau ngày dài làm việc

Chị H. tốt nghiệp đại học chính quy ngành điều dưỡng, thời gian công tác trong ngành y đến nay cũng bước sang năm thứ 8, thu nhập mỗi tháng của chị tổng tất cả hơn 10 triệu đồng nhưng rất nhiều thứ phải chi từ tiền thuê nhà trọ, tiền học cho 2 con nhỏ và gửi về quê cho bố mẹ già.

Để đảm bảo chi phí sinh hoạt, nữ điều dưỡng phải tận dụng thời gian ngoài giờ hành chính bán hàng online mong có thêm vài đồng trang trải cuộc sống, phụ giúp gia đình.

Nhân viên y tế Bệnh viện Phổi Hà Nội khám sàng lọc bệnh cho người dân. 

Hơn hai năm nay, Bệnh viện Phổi thực hiện tự chủ 100% nên mọi thu chi nội bộ bị thắt chặt khiến thu nhập, đời sống người lao động càng khó khăn hơn. Năm nay bệnh viện tiếp tục thông báo không có thưởng Tết, điều này khiến chị H. cùng nhiều nhân viên bệnh viện lo lắng.

“Tết đến, gia đình chi tiêu nhiều hơn so với bình thường, từ tiền đặt xe về quê, sắm quà cáp, bánh kẹo biếu hai bên gia đình nội ngoại, rồi tiền mừng tuổi các cháu... nhẩm tính cũng tốn trên 30 triệu đồng", chị H. nói.

Lương cả 2 vợ chồng cộng lại hiện chưa được 20 triệu, nên đành cắn răng đi hỏi vay bạn bè. Mỗi lúc như vậy, chị thấy bất lực khi làm ở giữa thành phố lớn nhưng thu nhập không đủ lo cho bố mẹ già ở quê.

Một bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Phổi Hà Nội cũng cho biết, dù mức lương cao hơn so với điều dưỡng nhưng việc không có thu nhập tăng thêm và thưởng lễ Tết cũng khiến anh chật vật trong chi tiêu sinh hoạt. 

"Y bác sĩ cũng có hàng tá hóa đơn, các khoản tiền phải chi trả mỗi tháng, nhất là dịp Tết đến. Áp lực của nhân viên y tế bây giờ không những chỉ là công việc, mà còn là áp lực về thời gian làm việc", vị bác sĩ nói. Thậm chí anh cũng phải vay tiền bạn bè để sắm sửa, quà cáp thêm cho hai bên gia đình dịp Tết.

Hai năm liền không thể 'xoay' thưởng Tết

BSCKII Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội thông tin, theo quyết định của Sở Y tế, từ năm 2023, bệnh viện được công nhận là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên, ngân sách nhà nước không hỗ trợ hoặc cấp chi thường xuyên. Trên thực tế, đơn vị đã thực hiện tự chủ tài chính từ năm 2021.

Từ sau thực hiện Nghị định 60 của Chính phủ (quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập) đến nay, khả năng tự chủ của bệnh viện chỉ đạt khoảng 86%. Các khoản chi lớn hơn thu nên bệnh viện không có kết dư.

“Thời gian qua, ban lãnh đạo bệnh viện phải xoay sở đủ cách mới đảm bảo đủ lương và phụ cấp nghề cho nhân viên”, bác sĩ Chiến nói.

Về chế độ thưởng Tết cho người lao động, bác sĩ Chiến nói do khó khăn về nguồn thu, bệnh viện không thể trích lập quỹ phúc lợi, do đó hai năm nay (Quý Mão 2023 và Giáp Thìn 2024), đơn vị không có thưởng Tết cho nhân viên. “Chúng tôi là những thành viên trong ban lãnh đạo bệnh viện trăn trở rất nhiều về vấn đề này”, bác sĩ Chiến nói.

Từ sau COVID-19, lượng bệnh nhân đến với bệnh viện cơ bản thấp so với chỉ tiêu của Sở Y tế và UBND thành phố giao. Các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu trong bệnh viện viện gần như không triển khai được, chủ yếu nguồn thu từ bảo hiểm y tế chiếm 95 – 97%.

Dự kiến, trong năm 2024, Bệnh viện Phổi Hà Nội xây dựng theo hướng mở để có thể mở rộng phạm vi chuyên môn. 

Năm 2024, trong kế hoạch chi tiêu nội bộ, bệnh viện sẽ xây dựng theo hướng mở để vừa triển khai thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh chuyên ngành lao phổi vừa có thể mở rộng phạm vi chuyên môn, từ đó tiến tới đảm bảo chỉ tiêu giường bệnh Sở Y tế giao và giường thực kê của bệnh viện.

“Khi nguồn thu cải thiện, chúng tôi sẽ có cơ sở để trích lập quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi khích lệ người lao động”, bác sĩ Chiến nói.

Từ đầu tháng 1/2024, bệnh viện đón nhận tín hiệu khởi sắc, lượng người bệnh đến khám tăng, số bệnh nhân điều trị nội trú lấp đủ số lượng giường thực kê, khoảng 370 giường. “Nếu cứ đà này khả năng trong năm bệnh viện sẽ trích lập được quỹ kết dư và chi cho người lao động về chi thu nhập tăng thêm, đặc biệt quan tâm đến các ngày lễ Tết”, bác sĩ Chiến thông tin.

Theo ông Trịnh Tố Tâm, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Hà Nội, năm qua, dù còn nhiều khó khăn song các đơn vị vẫn luôn cố gắng quan tâm, chăm lo đời sống cho người lao động, góp phần khích lệ để cùng quyết tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Công đoàn ngành Y tế Thủ đô cũng hỗ trợ cho trên 2.000 đoàn viên, với những trường hợp hoàn cảnh khó khăn mức 500 nghìn đồng/người.

“Theo số liệu báo cáo của ngành y tế Hà Nội, mức thưởng tại một số bệnh viện công lập dao động trung bình 10 – 15 triệu đồng/người. Các đơn vị có mức thưởng cao dịp cuối năm hầu hết là bệnh viện chuyên khoa. Tuy nhiên, cũng có bệnh viện không có thưởng Tết, đơn cử như Bệnh viện Phổi Hà Nội”, ông Tâm nói.

Các bệnh viện đa khoa mức thưởng Tết dao động 5 - 7 triệu đồng/người. Trung tâm y tế cũng sẽ hỗ trợ nhân viên trong khoảng 2 - 3 triệu đồng/người. “Đây gọi là món quà động viên tinh thần, không gọi là thưởng Tết”, vị chủ tịch công đoàn ngành y tế Hà Nội cho hay.

Sở Y tế TP.HCM thông tin, năm 2023, vẫn còn nhiều bệnh viện công lập gặp nhiều khó khăn trong tìm nguồn thưởng tết nhằm động viên cán bộ, viên chức và người lao động.

Đến ngày 22/1, vẫn còn 3 đơn vị y tế chưa có nguồn để thưởng tết cho nhân viên, bao gồm: Bệnh viện đa khoa Sài Gòn, Khu điều trị Phong Bến Sắn, Chi cục DS-KHHGĐ TP.HCM.

9 bệnh viện, trung tâm công lập trên địa bàn thành phố có mức tiền thưởng tết khiêm tốn chỉ vài trăm nghìn đến dưới 5 triệu đồng.

Theo ngành y tế địa phương này, việc phải tự chủ tài chính trong khi kết cấu nguồn thu viện phí chưa được tính đúng tính đủ, sức lao động của nhân viên y tế có thể ngang bằng nhau nhưng mức thu nhập chênh lệch nhau rất nhiều do đặc thù chuyên khoa của mỗi bệnh viện.

NHƯ LOAN

Tin mới