Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

2 công trình đạt kỷ lục Việt Nam ở Bạc Liêu

(VTC News) -

“Nhà hát Cao Văn Lầu và Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu” và “Cây đờn kìm cách điệu lớn nhất” đã đạt danh hiệu kỷ lục Việt Nam.

Nhà hát Cao Văn Lầu

Nhà hát Cao Văn Lầu được xây dựng nhằm tôn vinh cố nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu. Ông đã tạo nên dấu ấn lịch sử cho nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ với tác phẩm bất hủ Dạ cổ hoài lang. Nhà hát tọa lạc tại quảng trường Hùng Vương, trung tâm thành phố Bạc Liêu. Nơi đây nhanh chóng trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của vùng đất Nam Bộ trù phú.

Toàn cảnh nhà hát Cao Văn Lầu từ trên cao. 

Điểm đặc biệt của nhà hát là thiết kế ba chiếc nón lá khổng lồ chụm lại. Đây là biểu tượng cho sự gắn kết giữa ba dân tộc Kinh, Hoa và Khmer cùng chung sống hòa thuận trên mảnh đất này. Mái nón lớn nhất cao hơn 24m và có đường kính lên tới 45m. Công trình kiến trúc độc đáo này đã đạt kỷ lục “Nhà hát có hình dạng ba chiếc nón lá lớn nhất Việt Nam”. Ba chiếc nón lá không chỉ là điểm nhấn kiến trúc, mà còn biểu trưng cho sự hiền hòa và chịu thương, chịu khó của người dân Nam Bộ. Chúng gắn liền với đời sống sinh hoạt và lao động hàng ngày của bà con nơi đây.

Khi đến với nhà hát Cao Văn Lầu, du khách không chỉ chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo. Bên cạnh đó, còn được hòa mình vào dòng chảy văn hóa đậm đà bản sắc Nam Bộ. Đây là nơi lưu giữ tinh hoa nghệ thuật lâu đời, điểm đến không thể bỏ qua khi ghé thăm Bạc Liêu.

Nhà hát Cao Văn Lầu gồm ba khối nhà hình trụ tròn. Các khối nhà được xây dựng bên cạnh hồ nước lớn, tạo nên cảnh quan thơ mộng. Mỗi khối nhà đảm nhận một chức năng riêng, phục vụ các hoạt động văn hóa và nghệ thuật.

Không gian phía trước nhà hát.

Khối nhà A là không gian chính để biểu diễn nghệ thuật. Nơi đây có sức chứa hơn 850 chỗ ngồi, thường xuyên tổ chức các chương trình cải lương, ca múa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đương đại. Khối nhà B là khu vực trung tâm hội nghị, nơi diễn ra các sự kiện lớn trong khu vực. Khối nhà C là nơi trưng bày và triển lãm nghệ thuật. Du khách có cơ hội khám phá và tìm hiểu về lịch sử văn hóa Nam Bộ qua các tác phẩm nghệ thuật tinh tế.

Mỗi tuần vào tối thứ 7, nhà hát Cao Văn Lầu trở nên sôi động với các buổi biểu diễn cải lương đặc sắc. Nhiều hoạt động nghệ thuật khác như hát dù kê và ca múa nhạc cũng được tổ chức thường xuyên. Những chương trình này thu hút đông đảo du khách và người dân địa phương. 

Đàn kìm - biểu tượng tỉnh Bạc Liêu

Cây đàn kìm vốn được tôn vinh là “Quân tử cầm” và là “thầy” của các loại nhạc cụ khác trong dàn nhạc tài tử cải lương. Vai trò, vị trí của cây đàn kìm quan trọng như thế nào trong giới đều đã rõ. Đặt biệt là từ khi phong trào đờn ca tài tử cải lương được khơi dậy, cây đàn kìm đã chứng tỏ được vị trí độc tôn của mình.

Đàn kìm - biểu tượng tỉnh Bạc Liêu.

Ngày xưa, dàn nhạc ngũ âm trong cung đình theo phong cách “tứ tuyệt” (kìm – cò – tranh – độc) hay “ngũ tuyệt” (kìm – cò – tranh – độc – sáo); cây đàn kìm vẫn đứng ở vị trí đầu nhóm đảm nhiệm vai trò… lĩnh xướng. Kể từ khi nhạc tài tử Nam bộ xuất hiện (giữa thế kỷ XIX) và sân khấu cải lương ra đời (đầu thế kỷ XX), cây đàn kìm vẫn giữ được vị trí “độc tôn” này. 

Bạc Liêu chọn cây đàn kìm làm biểu tượng văn hóa của tỉnh cũng đã thể hiện được tất cả tính cách của con người nơi đây. Nơi có nhiều dân tộc cộng cư, vì vậy cũng là nơi hội tụ nhiều dòng văn hóa của người Kinh – Hoa và Kh’mer. Những dân tộc này đã “chung vai sát cánh” từ thuở cùng nhau mở đất cho đến thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, xây dựng quê hương, cũng như giai đoạn đổi mới hôm nay. Đó cũng là quá trình hình thành nên một dòng văn hóa đậm đà bản sắc Bạc Liêu, trong đó đặc biệt là một “tính cách Bạc Liêu” rất độc đáo.

Giữa Quân tử cầm và con người Bạc Liêu có một sự giao thoa, hòa quyện vào nhau ở cá tính phóng khoáng, giản đơn. Chính vì tính cách phóng khoáng, “chịu chơi” này mà nhiều người Bạc Liêu mê cái “ngón” đờn ca tài tử, đặc sản văn hóa phi vật thể của người xứ Nam Bộ nói chung và của đất Bạc Liêu nói riêng. Họ đam mê theo kiểu di truyền từ đời ông sang đời cha, từ đời cha sang đời con. Hát để nghe chơi nên không ai câu nệ giá trị những giải thưởng từ những liên hoan, hội thi… Từ việc hát ở nông thôn trong những bữa tiệc quê, đờn ca tài tử hiện đã được liệt kê vào danh sách công nhận di sản văn hóa phi vật thể của Bạc Liêu.

Cận cảnh đài phun nước và hệ thống chiếu sáng buổi tối của cây đàn kìm.

Cũng giống như cấu tạo của đàn kìm, người Bạc Liêu có tính bộ trực, thẳng thắn nhiệt tình, hiếu khách. Trong nói năng, không đôi co dài dòng, không “văn hoa mỹ tự”, mà chủ yếu là tinh thông nghĩa lý, muốn nói gì thì nói thẳng. Không gian đất rộng, người thưa nên cũng hình thành phong cách “ăn to nói lớn”, nói năng thật rõ, thật to để cho người nghe hiểu thông ý mình.

Trong 25 công trình xây dựng cơ bản về văn hóa, cơ sở hạ tầng trọng điểm phục vụ Festival ĐCTT lần thứ nhất, mô hình chiếc đàn kìm cách điệu đặt tại Quảng trường Hùng Vương (phường 1, TP Bạc Liêu) được xem là điểm phá cách độc đáo về biểu tượng của tỉnh Bạc Liêu.

Biểu tượng cây đàn kìm cách điệu với các hạng mục: Khu hồ sen rộng 460m2, biểu tượng đàn kìm bán kính 17m, cao 18,92m, hệ thống ánh sáng cho biểu tượng đàn kìm là ánh sáng nghệ thuật, hệ thống phun nước nghệ thuật hồ sen,... với tổng diện tích xây dựng hơn 5.600m2 và tổng mức đầu tư gần 20,5 tỷ đồng.

Vào ngày 15/4/2014, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam quyết định công nhận “Cây đàn kìm cách điệu lớn nhất, biểu tượng văn hóa tỉnh Bạc Liêu” đạt danh hiệu Kỷ lục Việt Nam.

Hồng Khanh (Tổng hợp)

Tin mới