Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

18 thôn Vườn Trầu là gì?

(VTC News) -

Mặc dù địa danh 18 thôn Vườn Trầu rất nổi tiếng nhưng nhiều người không biết mảnh đất này ở đâu, vì sao lại có cái tên như vậy.

18 thôn Vườn Trầu không chỉ nổi tiếng với cuộc khởi nghĩa năm 1885 mà còn từng là căn cứ cách mạng trong những tháng ngày người dân Việt Nam chiến đấu giành độc lập sau 80 năm bị thực dân Pháp đô hộ.  

18 thôn Vườn Trầu là gì?

Lịch sử 18 thôn Vườn Trầu đã trải qua xấp xỉ 300 năm và liên quan chặt chẽ đến quá trình hình thành, phát triển của Sài Gòn - TP.HCM.

Khoảng cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, dưới thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, một số người dân từ miền Bắc và miền Trung chịu không nổi cuộc sống khốn cùng đã quyết định rời bỏ quê hương để tìm kiếm cơ hội mới ở vùng đất này, lúc đó còn vô cùng hoang sơ, hiểm trở. Họ là những người đầu tiên đến đây khai phá, chiến đấu với thú dữ cùng thiên nhiên khắc nghiệt để biến rừng và bãi hoang thành đất đai có thể trồng trọt.

Ban đầu, họ trồng lúa và hoa màu là chính, sau chuyển sang trồng cây ăn quả rồi trầu cau. Đặc điểm thổ nhưỡng ở đây đặc biệt phù hợp với cây trầu nên dần dần vùng đất này được bao phủ bởi những vườn trầu cau xanh mướt quanh năm. Nơi đây thành nơi chuyên canh trầu, cung cấp cho khắp Nam Kỳ.

Các hộ dân trồng trầu, buôn trầu gây dựng được sản nghiệp, vùng rừng thiêng nước độc trở thành chốn trù phú, ngày càng đông đúc. Từ 6 thôn đầu tiên, khu vực Vườn Trầu dần dần phát triển thành 18 thôn. Đến đầu thế kỷ 19, thời vua Minh Mạng, nơi này có tên gọi chung là “Mười tám thôn Vườn Trầu”.

Mười tám thôn Vườn Trầu thời kỳ đầu thế kỷ XX. (Ảnh: Báo Quân Khu 7)

Trịnh Hoài Đức viết về địa danh này trong Gia Định Thành thông chí" như sau: "Địa thế xung yếu, nằm ngay trên đường bộ thông suốt vào Cao Miên, đặt đạo Quang Oai ở đấy để canh giữ. Khi trước có 18 thôn phụ giữ nơi ấy, dân cư ở đây rất đông đúc, tạo thành một chợ lớn ở miền núi.

Dân nơi đây đều có sản nghiệp, phần nhiều là vườn trầu, họ thường gánh trầu đi bộ từng nhóm ba bốn mươi người xuống bán ở hai chợ Sài Gòn và Bến Nghé. Nơi đây còn nhiều rừng rậm, cọp dữ thường hay bắt người ăn thịt nên có câu: Hung dữ như cọp Vườn Trầu".

18 thôn Vườn Trầu là nơi nào hiện nay?

Địa giới của Mười tám thôn Vườn Trầu bao gồm huyện Hóc Môn, quận 12 và một phần đất của huyện Củ Chi (thôn Tân Phú - nay thuộc xã Tân Phú Trung), TP.HCM ngày nay. 

Trung tâm của Mười tám thôn Vườn Trầu là các thôn Tân Thới Nhứt, Tân Thới Nhì, Tân Thới Trung (nay là xã Tân Xuân), Tân Thới Tam (nay thuộc xã Thới Tam Thôn). 

(Ảnh: Công an Nhân dân)

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nghĩa quân đặt trạm liên lạc tại nhà của bà lão tên Điểm nên thôn Tân Thới Nhứt còn có tên gọi Bà Điểm. Đầu thế kỷ 19, một số thôn của Hóc Môn vẫn còn giữ lại nét hoang dã, có cọp dữ nổi tiếng như "cọp Vườn Trầu" và có nhiều đầm môn nước mọc um tùm, từ đó có tên gọi Hóc Môn (vùng đất có nhiều cây môn).

18 thôn Vườn Trầu gồm những thôn nào? Từ năm 1698 đến 1731, nông dân nơi đây đã lập ra 6 thôn đầu tiên là: Tân Thới Nhứt, Tân Thới Nhì, Tân Thới Trung, Tân Phú, Thuận Kiều, Xuân Thới Tây.

Trong quá trình phát triển, dân cư ở đây đã lập mới hoặc chia tách để lập thêm một số thôn nữa. Trịnh Hoài Đức đã 2 lần nhắc đến địa danh Vườn Trầu trong Gia Định thành thông chí và cho biết vùng này có 18 thôn nhưng không ghi cụ thể tên các thôn. Sách Đại Nam nhất thống chí, phần Lục tỉnh Nam Việt nhắc đến địa danh Vườn Trầu với 18 thôn nhưng cũng không kể tên.

Trong cuốn Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Hóc Môn (xuất bản năm 1991) có ghi lại tên 18 thôn này, nhưng không rõ căn cứ xác định vị trí. Các tên này đều được ghi nhận liền kề nhau trong Gia Định thành thông chí, phần 74 thôn phường ấp của tổng Dương Hòa, gồm: Mỹ Toàn, Tân Phú, Tân Thới Bình, Tân Thới Đông, Tân Thới Tây, Tân Thới Trung, Tân Thới Nhứt, Tân Thới Nhứt Tây, Tân Thới Nhì, Tân Thới Nhì Tây, Tân Thới Tam, Tân Thới Tứ, Thuận An (Gia Định thành thông chí ghi là Thanh An), Thuận Kiều, Trung Hòa, Tứ Chánh, Giáo Đức, Xuân Thới, Xuân Thới Tây.

Tuy vậy, danh sách này lại thiếu một số thôn nằm trong cùng phạm vi như Trung Chánh và Trung Chánh Tây. Vì vậy, có giả thuyết cho rằng 18 thôn chỉ mang tính ước lệ và rất có thể số lượng thôn nhiều hơn thế.

Vùng đất yêu nước, kiên trung

Bên cạnh truyền thống lao động cần cù và kiên trì trong việc xây dựng quê hương, nhân dân Mười tám thôn Vườn Trầu luôn mang trong mình tinh thần yêu nước và ý chí đấu tranh mạnh mẽ. Khi thực dân Pháp xâm lược, nhân dân Hóc Môn - Bà Điểm tham gia chống Pháp dưới sự lãnh đạo của Trương Định, Trương Quyền (1859 - 1870), Nguyễn Ảnh Thủ (1871).

Đặc biệt, cuộc khởi nghĩa Mười tám thôn Vườn Trầu năm 1885 do 2 ông Phan Công Hớn và Nguyễn Văn Quá lãnh đạo đã đi vào lịch sử TP.HCM. Nghĩa quân đã tấn công huyện lỵ Bình Long (nay là Hóc Môn), tiêu diệt Trần Tử Ca, tay sai đắc lực của thực dân Pháp.

Khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập năm 1930, nhân dân Mười tám thôn Vườn Trầu hết lòng ủng hộ Đảng, tích cực tham gia các cuộc đấu tranh cách mạng trong giai đoạn 1930 - 1931, 1936 - 1939. 

Với vị trí lân cận Sài Gòn và địa hình thuận lợi, Hóc Môn - Bà Điểm đã được Trung ương Đảng chọn làm căn cứ để tổ chức và lãnh đạo phong trào cách mạng của cả nước trong thời kỳ này. Các lãnh đạo như Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Thị Minh Khai... đã được nhân dân nơi đây nuôi giấu và bảo vệ.

Hàng đêm, khoảng 2 - 3 giờ sáng, trầu cau được chất lên xe ngựa hoặc gánh và chuyển vào nội thành, sau đó một phần được chuyển tiếp đi các tỉnh miền Tây. Trong nhiều chuyến hàng được giấu tài liệu và cán bộ để đưa vào nội thành. Nhiều quả cau được mở ra, bỏ ruột để chứa tài liệu rồi đóng lại như bình thường. Đến chợ, có khách hỏi mua cau bằng mật khẩu, người bán cắt nhánh cau bên trong có tài liệu đã được đánh dấu rồi giao cho khách.

Còn cán bộ ngồi giữa xe, xung quanh là những giỏ trầu cau được buộc chặt để không thể nhìn thấy từ bên ngoài, nhờ đó xe có thể đi qua các trạm kiểm soát. Nhiều người bán trầu cau trong các thôn cũng là cán bộ hoặc có thân nhân tham gia kháng chiến; họ đã sử dụng cách trên trong nhiều năm.

Mai Linh (Tổng hợp)

Tin mới