Sáng 5/12, ông Hà Văn Hưởng - Chủ tịch UBND xã Thanh Vận (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) cho biết, ông vẫn cảm thấy bàng hoàng về sự việc 13 ngôi mộ liệt sĩ thanh niên xung phong được quy tập từ địa phương, rồi chuyển đến Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bắc Kạn nhưng không có hài cốt, chỉ toàn đất đá.
Theo vị này, vào năm 1968, khi 13 thanh niên xung phong gặp nạn thì được làm lễ khâm liệm, khi này có một gia đình mang thi thể của nạn nhân về chôn cất. Sau đó, có 2 trường hợp được gia đình tự cất bốc ở độ sâu hơn 1m để lấy xương cốt.
"Các ngôi mộ thường được đào sâu khoảng 0,9 - 1,2m. Không có ngôi mộ nào mà người dân chôn nông 0,5 - 0,6m", ông Hương cho hay.
13 ngôi mộ liệt sĩ không có hài cốt, chỉ toàn đất đá.
Sau khi báo chí phản ánh sự việc, ông Hưởng cùng thân nhân các liệt sĩ quay trở lại khu vực chôn cất ban đầu để kiểm tra.
Tại đây, các ngôi mộ "không có hài cốt" là hố sâu 0,2 - 0,3m, nông hơn khoảng nửa mét so với 2 ngôi mộ được gia đình cá liệt sĩ tự cất bốc.
Ông Hưởng nhận định có thể tại thời điểm đào mộ, người ta chưa đào đến xương cốt các liệt sĩ.
Về sự việc trên, ông Tạ Viết Đoàn (cháu liệt sĩ Đoàn Thị Nga - một trong những thanh niên xung phong hi sinh năm 1968) cho hay, vào năm 1973, gia đình ông đào ở độ sâu 0,6m và thấy ván gỗ chôn thi thể của bà Nga, rồi đến độ sâu 1,1m thì mở nắp ván.
"Hài cốt của dì tôi vẫn nguyên vẹn, gia đình cất bốc cho vào ba lô và đưa về mai táng cho đến nay", ông Đoàn chia sẻ.
Chiều 4/12, Ban Chỉ đạo Người có công tỉnh Bắc Kạn tổ chức cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ vụ việc 13 mộ liệt sĩ thanh niên xung phong thuộc đơn vị C933, N92 được quy tập, chôn cất tại Nghĩa trang Liệt sĩ nhưng không có hài cốt, chỉ toàn đất đá.
Tại cuộc họp, ông Vũ Tiến Trì - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bắc Kạn cho rằng, cần kiểm tra lại quá trình di dời mộ bởi có 2 ngôi mộ được đào sâu hơn những ngôi còn lại. Ông Trì đề nghị kiểm tra lại khu vực ở hồ Tân Minh (xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới).
“Tôi đề nghị tổ chức đi kiểm tra lại tại hiện trường ở hồ Tân Minh đối với các ngôi mộ cũ. Người ta nói đào nông thế chưa chắc đã đến nơi”, ông Trì cho hay.
Trong khi đó, ông Phùng Đức Giang - đại diện Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Kạn đề nghị tổ chức kiểm tra, khai quật lại vị trí đầu tiên xem còn gì không, tiếp đến là vị trí nghĩa trang cũ.
"Vấn đề này khó khăn thì huyện vẫn phải làm, đây là trách nhiệm của chúng ta", ông Giang cho hay.
Còn đại diện Công an tỉnh Bắc Kạn cho biết cần phải điều tra vụ việc xem có dấu hiệu tội phạm hay không để ổn định dư luận xã hội và tâm lý cho gia đình người thân các liệt sĩ.
Sau khi lắng nghe các đề xuất, ông Phạm Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho rằng, trước tiên cần tìm thêm nhân chứng, lần lượt từ những người thực hiện chôn cất lần đầu đầu tiên rồi đến các cuộc quy tập hài cốt sau đó, những người trực tiếp thực hiện việc chuyển mộ.
Tiếp đó, cần làm rõ hồ sơ về các đợt quy tập hài cốt các liệt sĩ hiện đang ở đâu. Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Kạn yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tìm kiếm lại hồ sơ trong kho của mình, đồng thời chỉ đạo phòng chuyên môn huyện Bạch Thông cùng tìm lại.
Cuối cùng, trong trường hợp khai quật lại cần có lực lượng chuyên môn để làm công việc này. Khi khai quật, sẽ kiểm tra vị trí của 13 ngôi mộ ở vị trí đầu tiên, xem hài cốt các liệt sĩ còn nằm ở đó không.