Nhằm triển khai Quyết định số 824/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” (Quyết định 824/QĐ-TTg), Bộ Công Thương đã xây dựng danh sách theo dõi các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại hoặc điều tra chống lẩn tránh thuế nhằm cảnh báo cho doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước.
Danh sách theo dõi hiện tại gồm 13 mặt hàng xuất khẩu sang 3 thị trường: Mỹ, EU, Canada.
Các mặt hàng trong danh sách theo dõi được phân thành 4 mức độ cảnh báo từ 1 đến 4, trong đó mức độ 4 là mức độ cao nhất. Các sản phẩm ở mức 4 và 3 là nhóm mặt hàng cần tiến hành theo dõi chặt chẽ, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp liên quan. Nhóm sản phẩm ở mức cảnh báo 2 và mức 1 là nhóm cần quan tâm và tiếp tục theo dõi.
Gỗ dán là mặt hàng ở mức độ cảnh báo cao nhất. (Ảnh minh họa: Internet)
Căn cứ các thông tin và số liệu hiện tại, các mặt hàng gỗ dán dùng nguyên liệu là gỗ cứng, đá nhân tạo, giá để đồ bằng sắt, đệm mút xuất khẩu sang Mỹ, xe đạp điện và lốp xe tải/xe khách xuất khẩu sang EU, thép chống ăn mòn xuất khẩu sang Canada thuộc nhóm những mặt hàng có nguy cơ cao.
Trong đó, gỗ dán dùng nguyên liệu là gỗ cứng ở mức độ cảnh báo 4 - mức cao nhất. Mỹ khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc vào tháng 12/2016. Áp thuế tạm thời từ tháng 6/2017, áp thuế chính thức tháng 12/2017.
Mức thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm Trung Quốc là 183,36%. Mức thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm Trung Quốc từ 22,98% đến 194,90%.
Tháng 9/2018, Bộ Thương mại Mỹ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc có lớp veneer bên ngoài làm từ gỗ thông.
Tháng 11/2018, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại bằng hình thức chuyển tải đối với các sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam trên cơ sở nghi ngờ công ty Finewood Việt Nam có các hành vi lẩn tránh thuế PVTM.
Kim ngạch nhập khẩu gỗ dán của Mỹ từ Trung Quốc đã giảm 57,06% từ 1,12 tỷ USD năm 2016 xuống 480,81 triệu USD năm 2017.
Kim ngạch nhập khẩu gỗ dán của Mỹ từ Việt Nam đã giảm 43% từ 33,43 triệu USD năm 2016 xuống 19,04 triệu USD năm 2017.
Kim ngạch nhập khẩu gỗ dán của Mỹ từ Trung Quốc đã giảm 80,93% từ 414,56 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2017 xuống 79,1 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2018.
Kim ngạch nhập khẩu gỗ dán của Mỹ từ Việt Nam đã tăng 516,37% từ 11,39 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2017 lên 70,23 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2018.
Từ tháng 10/2018 đến 5 tháng đầu năm 2019, Mỹ đã tiến hành điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với sản phẩm gỗ dán nên USITC không công khai số liệu một số sản phẩm có kim ngạch nhập khẩu cao từ Trung Quốc và Việt Nam để đảm bảo tính khách quan trong quá trình điều tra.
Tuy nhiên, theo số liệu của Hải quan Việt Nam cung cấp, trong 5 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam sang Mỹ đối với các mã HS bị điều tra đạt 25,6 triệu USD.
Hiện tại, do Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ đã tiến hành điều tra lẩn tránh thuế dưới hình thức chuyển tải đối với sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam nên cần phải tiến hành tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ.
Các sản phẩm cảnh báo mức 3 bao gồm: đá nhân tạo, giá để đồ bằng sắt, đệm mút, xe đạp điện, lốp xe tải và xe khách, thép chống ăn mòn. Sản phẩm ở mức cảnh báo 2 là vành thép không gỉ, thép tấm cán nóng.
Sản phẩm ở mức cảnh báo 1 gồm sản phẩm đúc bằng gang, xơ sợi tổng hợp, thép chống ăn mòn, ruy băng trang trí.