Cuộc bạo loạn tại sân Kanjuruhan khiến 127 người thiệt mạng trong trận đấu giữa Arema FC và Persebaya tối 1/10 đang khiến bóng đá thế giới rúng động. Con số thương vong có thể tăng. Đây là một trong những vụ bạo loạn để lại hậu quả lớn nhất trong lịch sử bóng đá, và là vết hoen ố khó rửa với bóng đá Indonesia.
Một lần nữa, bóng đá Indonesia chìm trong ám ảnh mang tên bạo lực. Sự cố tại sân Kanjuruhan không phải là lần đầu tiên những CĐV quá khích của Indonesia ẩu đả, tấn công lẫn nhau và đe dọa an ninh trận đấu.
Video: Thảm kịch tại sân Kanjuruhan
Tháng 11/2021, trận đấu giữa DPRD Pasuruan và AFA Syailendra trên sân Untung Suropati ở giải hạng 3 Indonesia xảy ra cảnh bạo lực đáng buồn.
Khi trọng tài vừa thổi còi hết trận, đội trưởng Syailendra Ilham (AFA Syailendra) đấm ngã cầu thủ Mikail Arzaq (DPRD Pasuruan). Ông Ismail Marzuki (Chủ tịch CLB DPRD Pasuruan) chạy vào sân lớn tiếng đôi co với tiền đạo Syailendra Ilham và cũng bị hành hung.
Hỗn chiến sau đó bùng nổ trên sân giữa cầu thủ và ban huấn luyện 2 đội. Một cảnh sát đá trúng người Syailendra Ilham, khiến cầu thủ này ngã xuống và bị đánh tới tấp. Đội trưởng của AFA Syailendra sau đó được nhân viên an ninh hộ tống rời khỏi sân.
Tháng 9/2018, một CĐV 23 tuổi của CLB Persija Jakarta bị nhóm CĐV của đội kình địch Persib Bandung hành hung đến chết tại sân bóng. Số liệu của Asean Today cho biết trong khoảng thời gian từ năm 1994 đến 2019, có 74 CĐV qua đời vì bạo lực trên các khán đài.
CĐV Indonesia cuồng nhiệt, nhưng cũng có không ít thành phần quá khích.
Chuyên trang These Football Times gọi "hooligan" và bạo lực là vấn nạn nhức nhối đã tồn tại từ lâu trong dòng chảy lịch sử của bóng đá Indonesia
Dù PSSI sau đó tạm ngưng các hoạt động bóng đá, đồng thời tuyên bố sẽ dẹp trừ vấn nạn bạo lực, nhưng tình hình không cải thiện. CĐV Indonesia sau đó để lại hình ảnh xấu khi tấn công CĐV Malaysia trong trận đấu giữa hai đội trên sân Gelora Bung Karno tại vòng loại World Cup 2018.
Ở vòng chung kết U19 Đông Nam Á, một số CĐV quá khích của Indonesia từng mang băng rôn, khẩu hiệu và đến tận sân tập của U19 Việt Nam để gây áp lực, sau khi U19 Indonesia bị loại ở bảng đấu có Việt Nam và Thái Lan.
Thảm kịch tại sân Kanjuruhan của Arema (đội bóng thuộc giải VĐQG Indonesia) tối 1/10 khiến 127 người thiệt mạng, gồm 125 cổ động viên và 2 cảnh sát. Các nạn nhân thiệt mạng đã được đưa đến Bệnh viện Wava Husada và Bệnh viện Kanjuruhan.
Báo chí Indonesia cho biết, cảnh sát đã nỗ lực giải tán đám đông bằng hơi cay. Tuy nhiên, giải pháp này khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Các cổ động viên hoảng sợ giẫm đạp lên nhau tìm đường thoát khỏi sân vận động. Nhiều người chết do bị đạp lên hoặc nghẹt thở.
Các CĐV quá khích của CLB Sriwijaya ném ghế xuống sân khi đội nhà thua Arema hồi năm 2018.
Tổng cộng 34 người thiệt mạng ngay tại sân, gần 100 người qua đời khi được đưa đến bệnh viện. Số người thương vong ước tính có thể lên tới hơn 200 do còn 180 người đang điều trị tại bệnh viện, biến sự cố tại sân Kanjuruhan trở thành một trong những sự cố có thiệt hại về người lớn nhất trong khuôn khổ thể thao.
LĐBĐ Indonesia (PSSI) đã mở gấp cuộc điều tra nguyên nhân dẫn đến vụ bạo loạn này. Theo Bola, việc giải tán cổ động viên bằng hơi cay là biện pháp không đúng theo quy định của FIFA. Dù vậy, cảnh sát Indonesia cho rằng lực lượng an ninh có lý do chính đáng để sử dụng hơi cay, do một số khán giả quá khích đã tấn công lại cảnh sát và phá hoại xe cộ tại sân.
Theo CNN Indonesia, án phạt ban đầu mà PSSI dành cho Arema là cấm thi đấu trên sân nhà đến hết mùa giải. Giải VĐQG Indonesia cũng được tạm hoãn 1 tuần để tưởng nhớ các nạn nhân đã thiệt mạng trong thảm kịch này.