Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

11 cầu thủ trẻ Đồng Tháp bán độ: Chúng ta đã dạy các em làm người chưa?

(VTC News) -

Chuyên gia Đoàn Minh Xương đặt dấu hỏi đầy chua xót về trách nhiệm của những người thầy trong vụ 11 cầu thủ trẻ Đồng Tháp bán độ.

Chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng bán độ là "ung nhọt" tồn tại từ lâu trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Chia sẻ với VTC News, ông Xương cho rằng nếu không có thay đổi bền vững từ gốc đến ngọn thì rất khó loại bỏ hoàn toàn tiêu cực. 

- Án phạt cấm thi đấu 6 tháng với 10/11 cầu thủ Đồng Tháp bán độ liệu đã đủ sức răn đe?

Nếu mình nghĩ trên góc độ đây là những cầu thủ trẻ, bị dụ dỗ, mình cần mở cho các cầu thủ con đường để trưởng thành thì mức án này là được. Còn nếu nghĩ cần xử lý quyết liệt, chấp nhận hy sinh lứa này để đánh động đến xã hội thì phải xử nặng hơn, còn tuỳ vào góc nhìn.

- Những vụ bán độ gần đây với nhiều tuyển thủ U19, U21 Việt Nam dính chàm. Bóng ma tiêu cực đã trở lại và tấn công bóng đá trẻ?

Trước hết, phải xác định tiêu cực trong bóng đá đã tồn tại từ lâu, phải chiến đấu với nó, chứ không phải đợi nó có rồi mới chiến đấu, sau đó xuê xoa cho qua.

Chống tiêu cực trong bóng đá cũng phải như "chống giặc". Phải quyết tâm như vậy mới có giải pháp mạnh mẽ hơn. 

11 cầu thủ Đồng Tháp bán độ ở vòng loại U21 quốc gia. 

Những cám dỗ bên ngoài tác động vào cầu thủ rất tinh vi. Chúng hành động giống như các mạnh thường quân, cho đôi giầy, cho cái áo, từ từ rủ các em "chơi".

Screen Shot 2020-05-14 at 10.08.32 PM.png

Chống tiêu cực trong bóng đá cũng phải như "chống giặc"

Chuyên gia Đoàn Minh Xương

Ban đầu không rủ các em chơi thua, mà chỉ đá kiểu lấy tỷ số, từ từ mới dẫn đến bắt các em phải thua, dàn xếp tỷ số rồi nhận tiền. Các em ham tiền rồi bắt đầu cố tình đá thua, vì thua thì mới có tiền nhiều. 

Hãy xác định, chống tiêu cực như "chống giặc", phải quyết liệt. Tiêu cực đã tàn phá bóng đá Việt Nam từ rất lâu rồi. 

Môi trường sống của cầu thủ, do đó, đóng vai trò rất quan trọng, từ người thầy đến điều kiện ăn ở, thi đấu, phải đảm bảo hết những điều đó thì cầu thủ mới trưởng thành được. 

- Loại bỏ tư duy ham thành tích sẽ là nhiệm vụ cốt lõi?

Phải chống bệnh thành tích. Mục tiêu của đào tạo trẻ là để các em trở thành tuyển thủ quốc gia, chứ không phải để vô địch các giải U11, U13, U15. Hoàn toàn không phải như vậy.

Chúng ta phải đặt ra yếu tố nền tảng, làm sao cho các em trở thành cầu thủ giỏi. Đào tạo không phải để lấy thành tích. Huấn luyện phải để các em được lên đội tuyển, rồi HLV ở ĐTQG sẽ tìm cách sử dụng các em cho hiệu quả. 

Các cầu thủ cần được phát triển tự nhiên. (Ảnh: Quang Minh)

Người lớn nào cũng muốn thành tích, rồi thành tích là để cho họ chứ để cho ai đâu, thế là họ "bóc lột" các em. Tư duy đào tạo như vậy là không được. HLV phải thương cầu thủ như con mình. Chúng ta dạy con thế nào thì dạy cầu thủ như vậy. Các em mới 11, 12 tuổi đã phải xa gia đình. Ngoài một số trung tâm tốt ra, còn lại các em ăn không no, lo không tới, ra sân lại đòi đá thắng.

Chúng ta đã dạy cho các em làm người chưa? Hay tối các em làm bài hay chơi điện tử, các thầy cũng không biết, để kệ như vậy. 

- Vai trò của các nhà điều hành, ban tổ chức cùng những người làm bóng đá cần được thể hiện ra sao?

Bóng đá trẻ Việt Nam cần có một cuộc cách mạng, thay đổi mô hình đào tạo cũ kỹ. Với mô hình kiểu trại lính bây giờ, chỉ "nhốt" các em từ 11 tuổi lại để dạy đá bóng, chắc chắn sẽ còn nhiều hệ luỵ không tốt xảy ra. 

Chúng ta phải có mô hình khác, phát triển từ bóng đá cộng đồng, bóng đá học đường, để các em chơi bóng sớm, ở cùng với gia đình, ăn uống với gia đình, đến giờ học đá bóng thì mới có mặt. Các cầu thủ cần được dạy dỗ bởi các HLV giỏi, có hệ thống giải đấu, có các chuyên gia theo dõi, sàng lọc cầu thủ theo nhiều cấp độ trong 10 năm.

PVF có mô hình đào tạo lý tưởng. 

Đến năm 15 tuổi, đội ngũ chuyên môn sẽ kết luận cầu thủ này có thể trở thành cầu thủ chuyên nghiệp hay không, sau đó đào tạo từ năm 16 đến 19 tuổi. Những cá nhân này sẽ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Qua hệ thống đó, các em phát triển đúng sẽ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.

Những ai phát triển không đúng vẫn trở thành công dân tốt, có sức khỏe. Cần nhớ là 1.000 em thì thì có 1,2 em thành cầu thủ giỏi thôi. Hệ thống này vừa phát hiện những em có năng khiếu, vừa đảm bảo những em không thành cầu thủ thì vẫn là những người con ngoan, có ích cho xã hội.

Đào tạo kiểu trại lính bây giờ, huấn luyện lứa 11 tuổi mà vẫn muốn đá thắng lứa 13 tuổi, chỉ dạy cho các em đá bóng thôi, chứ không dạy các em làm người thì tiêu cực còn dài. Phải nâng tầm đào tạo trẻ, chúng ta mới có thể tiếp cận với đẳng cấp châu lục và thế giới. 

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

11 cầu thủ bị kỷ luật do tổ chức và tham gia cá độ, đánh bạc liên quan đến trận đấu giữa U21 Vĩnh Long và U21 Đồng Tháp ngày 19/6/2019. Đây là trận đấu thuộc vòng loại giải U21 Quốc gia và 11 cái tên bị phạt đều là thành viên của U21 Đồng Tháp.

Huỳnh Văn Tiến là cầu thủ nhận án phạt nặng nhất: 5 triệu đồng, cấm hoạt động bóng đá 5 năm.

10 cầu thủ còn lại gồm Nguyễn Nhật Trường, Nguyễn Anh Phát, Võ Minh Trọng, Lê Nhựt Huy, Giang Sô Ny, Trần Hữu Nghĩa, Cao Tấn Hoài, Dương Vũ Linh, Kha Tấn Tài, Trần Công Minh mỗi người bị phạt 2,5 triệu đồng và cấm tham gia hoạt động bóng đá 6 tháng.

Trong số này, có 4 người từng được gọi lên đội tuyển U18, U19 Việt Nam.

Đây cũng là lứa cầu thủ từng giúp bóng đá Đồng Tháp giành chức vô địch U19 Quốc gia năm 2018. Trần Công Minh là vua phá lưới, cầu thủ xuất sắc nhất giải và Nguyễn Nhật Trường là thủ môn xuất sắc nhất.

Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, Huỳnh Văn Tiến thừa nhận cùng một số cầu thủ Đồng Tháp đánh cược trên mạng với số tiền 150 triệu đồng, theo đó trận đấu không có quá hai bàn thắng. Trận đấu kết thúc với tỉ số 1-1, số tiền thắng cược 133 triệu đồng được Huỳnh Văn Tiến chia cho 10 cầu thủ đá chính và 2 cầu thủ dự bị.

Hồng Nam (Thực hiện)

Tin mới