Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

10 trường đại học tốt nhất thế giới

(VTC News) -

Theo bảng xếp hạng các trường đại học thế giới năm 2022 của QS (Quacquarelli Symonds) thì 5/10 trường đến từ nước Mỹ, nước Anh 4 trường và Thuỵ Sĩ 1 trường.

Tổ chức xếp hạng QS (Quacquarelli Symonds - Anh) mới đây công bố bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới cho năm 2022 (QS World University Rankings 2022 – QS WUR 2022).

Trong top 10 thế giới, các cơ sở giáo dục đại học của Anh và Mỹ vẫn là những cái tên quen thuộc trong bảng xếp hạng các trường tốt nhất thế giới.

Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ)

Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) giữ vững vị trí số 1 trong 10 năm liên tiếp ở bảng xếp hạng này. Đây là ngôi trường đầu tiên tại Mỹ đưa bộ môn kiến trúc vào giảng dạy và cũng là ngôi trường có sinh viên nữ đầu tiên tại Mỹ theo học.

Quy trình tuyển chọn đầu vào của nhà trường rất khắt khe. Chỉ 8% thí sinh đăng ký được nhận vào học trong năm 2019. Sinh viên tốt nghiệp được nhận làm việc tại các công ty, tập đoàn hàng đầu thế giới như Google, Amazon và Apple.

Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ).

Đại học Oxford (Anh)

Đại học Oxford là trường đại học lâu đời nhất của nước Anh, đồng thời là một trong những đại học danh tiếng nhất thế giới. Năm 2021, trường này xếp thứ 5 trong bảng xếp hạng QS (Quacquarelli Symonds) và xếp thứ nhất theo bảng xếp hạng THE (Times Higher Education).

Hiện Đại học Oxford có khoảng 20.000 sinh viên, trong đó số sinh viên và sinh viên bậc sau đại học có số lượng tương đương. 95% sinh viên Đại học Oxford tìm được việc làm hoặc theo học bậc cao trong khoảng thời gian 6 tháng từ khi tốt nghiệp.

Đại học Stanford (Mỹ)

Xếp thứ ba trong bảng xếp hạng là Đại học Stanford. Đây là ngôi trường của nhiều doanh nhân, nhà khởi nghiệp. Trường từng có 17 cựu sinh viên được trao giải Nobel. Nhà trường hiện có 7.000 sinh viên và 9.000 học viên bậc sau đại học.

Đại học Cambridge (Anh)

Cùng đứng thứ 3 trong bản xếp hạng là Đại học Cambridge - viện đại học nghiên cứu liên hợp danh giá tại Vương Quốc Anh. Được thành lập vào năm 1209, đây là trường đại học lâu đời thứ tư trên thế giới đang hoạt động.

Đại học Cambridge được xem là ngôi trường danh giá, nhiều nguyên thủ cấp cao quốc gia từng theo học. Trong đó gồm 15 Thủ tướng Anh, 23 nguyên thủ lớn ở các nước Ấn Độ, Singapore, và Jordan. Ít nhất 9 quân vương, Thái tử Charles, và nhiều nhân vật hoàng gia khác từng theo học...

Đại học Cambridge (Anh).

Đại học Harvard (Mỹ)

Trong bảng xếp hạng năm nay, Đại học Harvard ở vị trí số 5. Đây là năm thứ 9 liên tiếp Đại học Harvard góp mặt trong bảng xếp hạng.

Đại học Harvard thành lập năm 1636, là một trong những đại học lâu đời và danh tiếng nhất thế giới. Trường thuộc khối Ivy League – nhóm 8 đại học tư thục tốt nhất nước Mỹ.

Trường có 45 cá nhân đoạt giải Nobel, 48 cá nhân đoạt giải thưởng Pulitzer từng theo học tại Đại học Harvard. 13 tổng thống Mỹ từng được nhà trường trao bằng danh dự.

Viện Công nghệ California (Mỹ)

Đúng thứ 6 trong bảng xếp hạng QS (Quacquarelli Symonds - Anh), Viện Công nghệ California là nơi học tập của 1.000 sinh viên và 1.250 sinh viên bậc sau đại học. Theo thống kê, 99% sinh viên được nhận vào Viện Công nghệ California trong các năm đều nằm trong top 10% học sinh giỏi nhất tại trường trung học các em theo học. Hơn 50% sinh viên nhà trường nhận được hỗ trợ tài chính khi theo học.

Đại học Hoàng gia London (Anh)

Đại học Hoàng gia London đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng này. Đây là một trường công lập nổi tiếng thuộc thệ thống Đại học London. Trường thành lập năm 1907 theo Hiến pháp Hoàng gia Anh Quốc. Sau 114 năm hình thành và phát triển, Đại học Hoàng gia London trở thành một trong những trường hàng đầu về đào tạo ngành y học – chăm sóc sức khỏe và nhiều lĩnh vực khoa học khác.

Thay vì đào tạo đa ngành, Đại học Hoàng gia London chọn cho mình hướng đi riêng là tập trung vào Khoa học và công nghệ. Trường có 4 khoa: Kỹ thuật, Y Dược, Khoa học tự nhiên và Kinh tế.

Hiện trường có gần 20.000 sinh viên, trong đó cộng đồng sinh viên quốc tế chiếm tới 59%, đến từ 140 quốc gia trên khắp thế giới.

Đại học London

Ở vị trí thứ 8 là Đại học London. Đây là một trong những trường có lịch sử lâu đời nhất ở Anh, chỉ sau Đại học Oxford và Đại học Cambridge, được thành lập năm 1826.

Hiện nay, Đại học London có hơn 25.000 sinh viên với đa ngành đào tạo, trong đó 1/3 sinh viên quốc tế đến từ 130 nước trên thế giới. Trường từng được biết đến là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên ở Anh chấp nhận sinh viên từ mọi tôn giáo, chủng tộc, tầng lớp xã hội và bình đẳng nam nữ.

Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sỹ

Cùng ở vị trí thứ 8 là Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sỹ. Trường được thành lập vào năm 1854 bởi Liên bang Thụy Sĩ và mở cửa vào năm 1855 với đa ngành đào tạo.

Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sỹ.

Hiện trường có 19.800 sinh viên, học viên, trong đó 4.000 tiến sĩ đến từ hơn 120 quốc gia. Các cựu sinh viên của trường từng có 21 người đoạt giải Nobel (nổi bật nhất là Albert Einstein và Wolfgang Pauli); 1 huy chương Fields Medal, 2 người thắng giải Pritzker.

Đại học Chicago (Mỹ)

Xếp thứ 10 trong bảng xếp hạng, Đại học Chicago (Mỹ) thành lập vào năm 1890 với khoản tiền hiến tặng từ tỷ phú đầu lửa John D. Rockefeller.

Trường có 11 khu ký túc xá với 38 tòa nhà riêng biệt - môi trường sinh hoạt, giải trí chung cho toàn bộ sinh viên. Mỗi tòa nhà đều gồm 1 nhóm khoảng 70 sinh viên cùng chia sẻ phòng ở, khu vực sinh hoạt chung với nhau. Mỗi tòa nhà đều có nội quy riêng, ban quản lý riêng và nhân viên hỗ trợ riêng. Phòng ở có thể sử dụng trong cả 4 năm học.

Kỳ xếp hạng này, QS WUR 2022 xếp hạng cho 1.300 trường trong tổng số 1.673 cơ sở giáo dục thuộc 93 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số này, 145 trường lần đầu tiên tham gia xếp hạng.

Dữ liệu phục vụ xếp hạng được lấy từ 2 triệu đề cử của học giả và 450 nghìn đề cử của nhà tuyển dụng, thu thập 130.000 phản hồi của học giả và 75.000 nhà tuyển dụng toàn cầu, phân tích 96 triệu trích dẫn (trong giai đoạn 2015 - 2020) từ 14,7 triệu bài báo (trong giai đoạn 2015 - 2019).

QS WUR xếp hạng các trường đại học theo 6 tiêu chí, bao gồm: đánh giá của học giả (40%), đánh giá của nhà tuyển dụng, số trích dẫn/giảng viên, tỷ lệ giảng viên/sinh viên, tỷ lệ giảng viên quốc tế và tỷ lệ sinh viên quốc tế. Tiêu chí xếp hạng của QS nhấn mạnh vào đóng góp và tác động của chất lượng đào tạo và nghiên cứu của trường đại học đối với xã hội (thông qua đánh giá của doanh nghiệp, học giả trong và ngoài nước) và các đóng góp cho hoạt động nghiên cứu khoa học (thông qua số trích dẫn/giảng viên).

Hà Cường

Tin mới