Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

10 mẫu xe đi đầu trong công nghệ an toàn trên ôtô

Không chỉ được áp dụng những công nghệ an toàn quan trọng, những mẫu xe dưới đây còn góp phần thay đổi cả ngành công nghiệp ôtô.

Cadillac - hệ thống khởi động điện: Ở thời kỳ đầu của ngành công nghiệp ôtô, người dùng phải dùng tay quay để khởi động xe. Việc làm này khá tốn sức, bất tiện và đôi khi còn gây nguy hiểm khi không ít người bị thương do bị tay quay đập trúng. Năm 1903, Delco đã mua bản quyền bằng sáng chế một động cơ khởi động thô sơ. Đến năm 1912, GM đã mua lại chúng và đưa công nghệ này vào những chiếc Cadillac. Công nghệ khởi động này dần được áp dụng trên nhiều mẫu xe khác và giúp việc khởi động ôtô trở nên dễ dàng và ít nguy hiểm hơn.

Chrysler Imperial - hệ thống lái trợ lực: Trước những năm 1950, việc điều khiển ôtô đòi hỏi nhiều lực hơn hiện tại. Thiết kế ôtô thời đó thường có vô lăng lớn để giúp việc bẻ lái dễ dàng hơn, nhưng nó vẫn là thử thách đối với nhiều người vì vẫn có nguy cơ mất lái. Chrysler là hãng đầu tiên áp dụng hệ thống lái trợ lực thủy lực với chiếc Imperial. Điều này trở thành một bước tiến quan trọng và mang tính đại chúng, do đó một số thương hiệu khác cũng bắt đầu làm theo.

Mercedes-Benz 220 - vùng hấp thụ xung lực: Mercedes-Benz là hãng đầu tiên áp dụng vùng hấp thụ xung lực (Crumple Zones) lên mẫu Mercedes-Benz 220 W115 vào năm 1959. Crumple Zones một kết cấu khung thép được lắp đặt ở đầu và đuôi xe, khung thép này có thiết kế mềm hơn các vùng khác, mục đích là khi có va chạm trực diện mạnh thì chúng sẽ là nơi hấp thụ lực va chạm và bị bóp méo, uốn cong, co rúm, chuyển hướng lực tác động tránh xa khỏi khung cabin chứa lái xe và hành khách. Dù ở thời gian đầu, khu vực này có thiết kế khá thô sơ, nhưng nó mở đường cho những nhà sản xuất ôtô khác làm theo, khi các hãng nhận thấy mức độ nghiêm trọng cú va chạm thứ 3 (các bộ phận ôtô tác động lên cơ thể).

Citroen DS - phanh đĩa: Cho đến thập niên 1950, phanh đĩa chỉ được dành cho những ứng dụng hiệu suất cao, thậm chí những mẫu xe đua thời đó vẫn sử dụng phanh tang trống lỗi thời. Đến khi Citroen cho ra mắt mẫu DS vào năm 1955 với hệ thống phanh đĩa, các hãng xe khác mới bắt đầu làm theo và trang bị này dần trở nên phổ biến.

Volvo PV544 - Dây an toàn 3 điểm: Dây an toàn trên ôtô ban đầu có dạng thắt lưng, nhưng nó không phổ biến và chỉ ở dạng trang bị tùy chọn, đóng vai trò như một phụ kiện bổ sung mà ít người sử dụng. Tuy nhiên, dây đai dạng thắt lưng có thể gây hại nhiều hơn lợi nếu có va chạm. Volvo đã phát minh ra dây đai an toàn 3 điểm và biến nó trở thành trang bị an toàn tiêu chuẩn. Hãng xe Thụy Điển không đăng ký độc quyền sáng chế này, do đó các hãng xe khác có thể học hỏi và áp dụng lên sản phẩm của mình. Đến nay, dây an toàn vẫn là "tấm khiên" đầu tiên trong việc bảo vệ người lái và hành khách.

Mercedes-Benz S-Class - phanh ABS: Trong 50 năm qua, dòng S-Class của Mercedes-Benz đã trở thành một cánh cửa cửa mở vào tương lai của ngành công nghiệp ôtô. Hầu hết công nghệ được áp dụng đầu tiên trên dòng xe này đều trở thành xu hướng phổ biến trong 10 năm sau đó hoặc xa hơn, tiêu biểu là hệ thống phanh ABS. Năm 1978, Mercedes-Benz đã áp dụng hệ thống chống bó cứng phanh (ABS) lên mẫu S-Class, mở đầu cho một công nghệ an toàn mới. Giờ đây, phanh ABS là trang bị bắt buộc trên ôtô ở hầu hết quốc gia trên thế giới.

Porsche 944 - túi khí tiêu chuẩn: Trước khi có sự xuất hiện của Porsche 911, túi khí đã có trên ôtô từ khá lâu. Nó được phát minh vào thập niên 1950, nhưng mãi đến thập niên 1970 mới được áp dụng thương mại, tuy nhiên vẫn ở dạng tùy chọn đắt tiền. Porsche 944 là mẫu xe thương mại đầu tiên được trang bị túi khí tiêu chuẩn cho cả người lái và hành khách, một bước đi mang tính cách mạng và tầm nhìn vượt thời đại.

Mercedes-Benz S 600 - ESC: S-Class một lần nữa cho thấy sự đi đầu trong công nghệ an toàn vào thập niên 90. Mẫu Mercedes-Benz S 600 sử dụng máy tính tích hợp mới và hệ thống ABS tiên tiến của họ để tạo ra công nghệ mới có tên hệ thống kiểm soát lực kéo (ESC). Đó là một bước tiến lớn đối với ngành công nghiệp ôtô những năm 1990. Các nhà sản xuất khác cũng nhanh chóng thích nghi và cho ra đời những hệ thống tương tự không lâu sau đó.

Honda Inspire - phanh khẩn cấp tự động: Cả Mercedes-Benz S-Class và Honda Inspire đều được áp dụng hệ thống phanh khẩn cấp tự động vào năm 2003. Nhưng mẫu xe của Honda là một lựa chọn dễ tiếp cận hơn nhiều, điều này cũng góp phần giúp mẫu Inspire gặt hái được thành công. Gần 20 năm kể từ khi ra mắt, hệ thống phanh khẩn cấp tự động đã cứu rất nhiều người, tuy nhiên đến nay nó vẫn là một tính năng tùy chọn, chứ chưa phải là tiêu chuẩn.

Tesla Model S - hệ thống lái tự động: Nhiều người vẫn chưa thực sự tin tưởng vào công nghệ tự hành, nhưng điều này có thể trở nên phổ biến trong tương lai. Tesla chính là hãng tiên phong trong công nghệ này. Nói cách khác, hệ thống lái tự động đánh dấu bước chuyển mình của Tesla và ghi tên hãng lên bản đồ ôtô thế giới. Công nghệ này còn rất lâu mới đạt mức hoàn hảo và chắc chắn sẽ còn phát triển nhiều hơn nữa. Các hãng xe khác cũng đã nghiên cứu công nghệ tự lái của riêng mình và xe tự hành sẽ không còn xa lạ trong tương lai.

Nguồn: Zing News

Tin mới