Tại Mỹ, trong các kỳ tuyển sinh, ngoài ứng viên được nhận và bị từ chối, nhiều người được đưa vào danh sách chờ. Đây được coi là những người tiềm năng, được trường có thể cân nhắc, chấp nhận trúng tuyển trong đợt tuyển sinh sau.
Đại học Chapman, Mỹ, nơi có tỷ lệ chấp nhận ứng viên trong danh sách chờ chỉ 1,5%. (Ảnh: Shutterstock)
Về phía ứng viên, họ có thể cảm thấy mắc kẹt trong tình trạng lấp lửng chờ đợi một câu trả lời. Để giành một suất trúng tuyển từ danh sách chờ, ứng viên nên tạo ấn tượng với trường bằng cách gửi thư và bổ sung một số thành tích trong thời gian chờ kết quả.
Ngoài ra, ứng viên cũng nên chuẩn bị trước mọi phương án, lựa chọn để phản hồi trường nhanh chóng. Thông thường, các trường chỉ cho ứng viên 24-72 giờ suy nghĩ sau khi nhận được đề nghị nhập học. Nếu mất nhiều thời gian quyết định, ứng viên có thể bị đánh trượt.
Do tính chất không thể đoán trước, các trường sẽ sử dụng danh sách chờ theo cách khác nhau mỗi năm, tỷ lệ trúng tuyển cũng biến động. Dưới đây là 10 trường (thuộc nhóm đại học quốc gia) có tỷ lệ chấp nhận ứng viên từ danh sách chờ thấp nhất trong mùa tuyền sinh 2019.
Đại học Capman, hạng 124 - thấp nhất trong top 10, lại có tỷ lệ chấp nhận từ danh sách chờ ít nhất, chỉ 1,5%. Hơn 850 ứng viên nằm trong danh sách chờ của trường nhưng chỉ 13 người được nhận. Một trường khác có tỷ lệ dưới 2% là Đại học Michigan ở Ann Arbo - 1.8%.
Các trường còn lại có tỷ lệ chấp nhận dao động 2,6-4,4%. Trong đó, một đại diện của top trường tốt nhất nước Mỹ là Đại học Northwestern (top 9) với 2,6%. Đại học Cornell thuộc nhóm Ivy League có tỷ lệ chấp nhận 4,4% - cao nhất trong top 10 khi nhận 147 trong số 3.362 ứng viên.
Trong khi đó, một số đại học Mỹ có tỷ lệ chấp nhận ứng viên trong danh sách chờ rất cao. Bảy trường nhận hơn 90%, riêng Đại học Clark Atlanta nhận 100% trong số 218 người trong danh sách chờ vào mùa thu 2019.